top of page

Áp-ra-am Không Mạnh Mẽ Trong Đức Tin Như Bạn Nghĩ!



Từ lâu trong niềm tin Cơ đốc chúng ta thường được nghe giảng, được đọc, được học về tấm gương đức tin phi thường của Áp-ra-ham trong Kinh Thánh, và sứ đồ Phao-lô cũng nhiều lần đề cập đến Áp-ra-ham như là tổ phụ của tuyển dân Do thái về phần thuộc thể, và là tổ phụ đức tin của những người tin Chúa Giê-xu về phần thuộc linh. Và chúng ta thường hay có cảm giác thấp kém khi so chính mình với ông, chúng ta thì yếu đuối, đức tin cũng thuộc dạng “bình bình”, còn ông như là một người vĩ đại, đức tin phi thường, chúng ta chắc chẳng bao giờ với tới được. Nhưng hôm nay, bài viết này không đề cập đến đức tin của Áp-ra-ham, vì đó là điều đã được nhiều mục sư và các diễn giả giảng đi giảng lại hàng chục năm qua. Trong giới hạn của bài viết, tôi sẽ chỉ ra những thời điểm trong cuộc đời Áp-ra-ham mà sau khi đọc đến cuối bài bạn sẽ thấy rằng Áp-ra-ham cũng bình thường như chúng ta, cũng có những lúc yếu đuối, làm theo ý riêng, thiếu đức tin, thiếu sự kiên nhẫn trong việc chờ đợi Chúa, không làm tròn vai trò của một người chồng.

Cột mốc quan trọng đầu tiên mà đa số cho rằng đó là thời điểm đầu tiên mà Áp-ra-ham thể hiện đức tin lớn, đó là thời điểm ông vâng lời Chúa ra khỏi quê hương mình và đi đến xứ Ca-na-an, ông đi mà không biết mình đi đâu. Tôi sẽ phân tích một chút về sự kiện này:

Nếu chúng ta đọc trong Sa 12:1-4, ta sẽ thấy có vẻ như ông đáp ứng sự kêu gọi của Chúa ngay lập tức, nhưng thật ra không phải như vậy. Trong Cong 7:1-4, Ê-tiên đã tường thuật lại sự kiện này chi tiết hơn: Chúa hiện ra với ông ở Mê-sô-pô-ta-mi, nhưng ông không đáp ứng tiếng gọi liền mà cùng với gia đình đến định cư trong đất Cha-ran một thời gian cho đến khi thân phụ của Áp-ra-ham qua đời; sau khi cha qua đời, ông mới lên đường đi theo tiếng gọi của Chúa.


Ta thấy rằng từ lúc Chúa kêu gọi đến lúc ông đáp ứng tiếng gọi kéo dài 1 khoảng thời gian mà tôi nghĩ là vài chục năm, bạn thử tưởng tượng một người được kêu gọi vào chức vụ mục sư và mấy chục năm sau mới đáp ứng thì có thể xem là 1 người mạnh mẽ được không!. So ra, các sứ đồ đầu tiên của Chúa Giê-xu (những người hay bị Chúa trách là thiếu đức tin) còn đáp ứng tiếng gọi nhanh hơn Áp-ra-ham.


Thời điểm tiếp theo đó là 2 lần ông dặn vợ nói dối rằng bà là em gái mình. Lần đầu tiên là lúc ông xuống Ai cập (Sa 12:10-20), lần thứ 2 là lúc ông xuống vùng Nê-ghép (Sa 20). Ta thấy rằng khi gặp nan đề, ông hành động rất giống chúng ta, đó là dùng những phương cách của ý riêng mà bản thân cảm thấy “an toàn hơn”, “tốt hơn” để đối phó, thậm chí chúng ta biết đó là tội lỗi nhưng trong sự thiếu đức tin chúng ta vẫn lựa chọn đi theo ý mình. Và chúng ta nghĩ cách của chúng ta là khôn ngoan hơn, hợp lý hơn; tuy nhiên, chúng ta thực sự chỉ làm mọi chuyện tồi tệ hơn, có thể chúng ta sẽ tạo ra nan đề, gây ra hậu quả cho người khác. Trong câu chuyện, chính vì sự lừa dối của Áp-ra-ham đã gây ra thảm họa cho nhà Pha-ra-ôn và cả hoàng gia (lần thứ nhất), và nếu không có sự can thiệp của Chúa, có lẽ tai họa cũng đã giáng xuống nhà A-bi-mê-léc (lần thứ hai). Chúng ta thực sự cần cẩn trọng trong các quyết định của mình và phải đặt niềm tin nơi Chúa vì có thể chính gia đình, con cái của chúng ta sẽ phải lãnh hậu quả do quyết định sai trật của chúng ta.


Thời điểm thứ ba Áp-ra-ham tỏ ra yếu đuối trong đức tin đó giai đoạn chờ đợi lời hứa ban Y-sác, chúng ta biết rằng từ lúc Chúa hứa ban Y-sác đến lúc Sa-ra mang thai kéo dài 25 năm. Trong thời gian chờ đợi lời hứa, ông chắc chắn cũng nản lòng, yếu đuối, thiếu kiên nhẫn, vì vợ chồng đã già, ông đã 75 tuổi, và 11 năm sau khi Chúa hứa, sự thiếu kiên nhẫn đã lên tới đỉnh điểm, và kết quả là sự ra đời của Ích-ma-ên-đứa con ra từ sự thiếu đức tin. Cũng giống lần trước, vợ chồng ông tự nghĩ ra 1 giải pháp mà họ cảm thấy khôn ngoan, an toàn hơn. Và lần này, sự thiếu kiên nhẫn của Áp-ra-ham đã tạo ra nan đề cho chính gia đình ông, sau khi sự kiện đó, A-ga thì coi thường Sa-ra, Sa-ra thì cay đắng với A-ga, hành hạ A-ga đến mức phải trốn đi, sau đó được Chúa bảo phải trở về chịu lụy dưới tay Sa-ra. Mâu thuẫn trong gia đình vẫn còn kéo dài cho đến khi sanh ra Y-sác, ông bà tranh cãi về vấn đề đứa con nào sẽ thừa kế gia tài. Và Áp-ra-ham vẫn luyến tiếc khi Ích-ma-ên không thừa hưởng được gia tài của ông, ông vẫn luyến tiếc 1 đứa con ra trong sự thiếu đức tin của mình. Ông rất giống chúng ta, đôi khi chúng ta biết Chúa muốn chúng ta cắt đứt một mối quan hệ sai trái, từ bỏ 1 công việc không đẹp lòng Chúa, từ bỏ 1 thói quen có thể gây vấp phạm cho người khác…. Nhưng chúng ta vẫn không nỡ dứt bỏ, và chúng ta thường đưa ra hàng tá lý do “hợp lý” để biện hộ.


Mục đích bài viết này là đề bạn thấy rằng khi bạn gặp nan đề, bạn yếu đuối, gia đình bạn đầy mâu thuẫn; bạn không hề đơn độc, ai trong chúng ta cũng có lúc yếu đuối, nhiều nan đề, phải tranh chiến trong cuộc chiến của riêng mình, thậm chí ngay cả tổ phụ đức tin của chúng ta cũng không ngoại lệ. Áp-ra-ham chỉ là 1 một ví dụ, những anh hùng đức tin vĩ đại trong Kinh Thánh như Y-sác, Gia-cốp,Môi-se, Đa-vít, Sa-lô-môn,….. cũng như yếu đuối chúng ta mà thôi. Điều khác biệt là họ biết đứng dậy sau vấp ngã, tiếp tục tin cậy và sống nương dựa nơi ân điển của Chúa.


Tôi và bạn, chúng ta chỉ có thể tiếp tục chiến đấu, đứng dậy sau vấp ngã, và sẽ đắc thắng nếu bước đi trong ân điển và bởi đức tin, chứ không phải bởi mắt thấy.


Sống Lại Thời Cải Chánh

©2024 Reformed VTM All Rights Reserved

bottom of page