top of page

Tội Lỗi Có Được Phân Chia Thành Nhiều Mức Độ Không?



Câu hỏi này khiến tôi nao núng bởi vì trong ký ức của tôi, tôi có những kỷ niệm không mấy tốt đẹp về việc đã trả lời câu hỏi đó vì mọi người rất khó chịu với những gì tôi trả lời. Điều khiến tôi nao núng là dường như có rất nhiều Cơ Đốc nhân giữ quan điểm không có mức độ tội lỗi, rằng mọi tội lỗi đều là tội lỗi và không có sự khác biệt giữa tội nặng hay tội ít nghiêm trọng hơn. Trong lịch sử, Giáo hội Công giáo La Mã phân biệt giữa tội nhẹ và tội trọng, nghĩa là một số tội nghiêm trọng hơn những tội khác. Tội trọng được gọi như vậy vì nó đủ nghiêm trọng để hủy diệt ơn cứu rỗi linh hồn. Nó giết chết ân điển, và đó là lý do tại sao nó được kể là tội đến nỗi chết.


Các nhà cải chánh Tin Lành vào thế kỷ 16 đã bác bỏ khái niệm về sự khác biệt giữa tội không đến nỗi chết và tội đến nỗi chết. Ví dụ, Calvin đã nói rằng mọi tội lỗi đều là đáng chết theo nghĩa là nó xứng đáng với sự chết, nhưng không có tội lỗi nào là đáng chết, trừ tội xúc phạm đến Đức Thánh Linh đến mức nó sẽ phá hủy sự cứu rỗi mà Đấng Christ đã hoàn tất cho chúng ta. Trong phản ứng của những người theo đạo Tin lành đối với sự phân biệt của Công giáo La Mã giữa tội nhẹ và tội trọng, các nhà Cải chánh Tin Lành không phủ nhận tội lỗi có mức độ. Họ vẫn giữ quan điểm có mức độ tội lỗi nhẹ hơn và nặng hơn. Điều đang đề cập ở đây là trong Cơ Đốc giáo chính thống, cả Công giáo La mã và Tin lành Cải Chánh đều cho rằng có một số tội lỗi tồi tệ hơn những tội lỗi khác. Họ đưa ra những sự phân biệt này bởi vì nó được dạy rất rõ ràng trong Kinh Thánh. Nếu chúng ta nhìn vào luật pháp Cựu Ước, chúng ta thấy rằng một số tội phạm sẽ bị xử lý trên thế giới này bằng hình phạt tử hình và những tội khác chỉ bằng hình phạt bên ngoài thể xác. Ví dụ, có sự khác biệt giữa tội giết người cố ý và vô ý. Có ít nhất 25 trường hợp mà Tân Ước phân biệt giữa những tội nhẹ và tội nặng. Chẳng hạn, Chúa Jesus nói tại phiên tòa xét xử chính Ngải, "Những kẻ nộp tôi cho các ông mắc tội nặng hơn các ông."


Có đầy đủ các bằng chứng trong Kinh Thánh bày tỏ quan điểm tội lỗi có mức độ. Không chỉ vậy, những nguyên tắc công lý rất đơn sơ cũng chỉ ra điều đó. Nhưng tôi nghĩ rằng mọi người chưa thật sự hiểu đúng vấn đề ở vấn đề này vì hai lý do. Gia-cơ có viết "Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều răn, thì cũng đáng tội như đã phạm hết thảy." Điều đó nghe có vẻ như Gia-cơ đang nói rằng: Nếu bạn nói một lời nói dối nhỏ thôi, điều đó cũng tệ như việc giết ai đó cách tàn nhẫn. Nhưng Gia-cơ thực sự đang nói rằng: mọi tội lỗi đều nghiêm trọng vì mọi tội lỗi đều xúc phạm đến Đấng ban hành luật pháp, vì vậy dù chỉ một tội nhỏ nhất, tôi cũng đang phạm tội chống lại luật pháp của Đức Chúa Trời. Tôi đã vi phạm toàn bộ bối cảnh của luật pháp đó theo nhiều cách khác nhau. Vì vậy, theo ý nghĩa đó, mọi tội lỗi đều nghiêm trọng, nhưng không có ý cho rằng mọi tội lỗi đều ở đáng chết như nhau.


Mọi người cũng đề cập đến lời phán của Chúa Jesus rằng nếu bạn nhìn một phụ nữ mà động lòng, bạn cũng đã phạm tội ngoại tình. Chúa Jesus không cho rằng ham muốn cũng xấu cùng mức độ với việc thực hiện hành động ngoại tình. Ngài chỉ đơn giản nói rằng nếu bạn chỉ kiềm chế hành động mà thôi thì bạn vẫn chưa hoàn toàn được trong sạch, vì bạn cần sạch trong tư tưởng nữa. Nó giống như bạn chỉ được rửa chân thì bạn không thể được gọi là hoàn toàn sạch, nhưng bạn cũng không bị xem là hoàn toàn dơ. Để vào thiên đàng, bạn cần sạch toàn bộ, và huyết của Chiên Con mới làm được điều đó.


Sống Lại Thời Cải Chánh

©2024 Reformed VTM All Rights Reserved

bottom of page