top of page

Trong thơ Tít, “Ân điển dạy chúng ta phải sống ở đời nầy theo tiết-độ, công-bình, nhân-đức” có nghĩa gì?





Ân Điển là sự ban tặng của Đức Chúa Trời, dành cho những ai mà Ngài chọn tùy theo lòng thương xót của Ngài. Chúng ta thường biết rằng ai nhận được Ân Điển thì nhận được sự cứu rỗi. Nhưng trong Tít, Ân Điển còn dạy chúng ta nữa. Vì thế, trong bài này, chúng ta sẽ khám phá Ân Điển dạy chúng ta thực sự có ý nghĩa gì.

 

Trong nguyên văn Hy-lạp, động từ “dạy” được dịch từ động từ mang ý nghĩa là “huấn luyện một đứa trẻ để chúng trưởng thành và nhận ra tiềm năng đầy đủ của chúng. Điều này đòi hỏi kỷ luật cần thiết, bao gồm sự sửa phạt”. Đây thật sự không phải là một sự dạy theo nghĩa thông thường.

 

Chúng ta đều biết sư tử, đây là một động vật rất mạnh mẽ và có tố chất làm vua trong một khu rừng. Theo một tài liệu cho biết, sư tử con mới sinh ra sẽ được sư tử bố mẹ đẩy xuống vách đá để chúng phải tự tìm cách bò lên, học cách tìm sự sống trong cái chết, rèn luyện bản lĩnh cho một vị vua sau này. Đó cũng là lý do tại sao sư tử luôn thống trị trong giới động vật mà không bị các loài khác soán ngôi?

 

Đó là cách sư tử dạy con mình, nhưng Đức Chúa Trời còn dạy con cái của Ngài nghiêm khắc hơn. Thông qua nhiều tin tức trên mạng xã hội, chúng ta biết rằng con người ngày nay đang mất đi những mỹ đức mà Chúa đẹp lòng. Ở đây, Phao-lô dạy rằng Ân Điển đào luyện chúng ta sự tiết-độ, công bình, và nhân đức.

 

Trước hết, ông nhấn mạnh sự tiết-độ, phẩm tính này phản ánh một sự quân bình toàn diện, được sản sinh từ đời sống mới trong Chúa. Bởi vì ngày nay, con người trong thế gian ngày càng mất kiểm soát, sống buông thả trong tư dục, mất sự cân bằng, say sưa chè chén. Đức Thánh Linh ban cho chúng ta sự tự chủ, chứ không phải một tâm thần sa lầy mà không biết lối ra. Thứ hai, Ân Điển còn dạy chúng ta sống công-bình, tức là công bằng, ngay thẳng. Trước một thế giới mà sự bất công lan tràn, từ người có vai trò lãnh đạo đến những người có địa vị thấp nhất, len lõi vào những nơi mà tưởng rằng sẽ không có sự bất công như nhà thờ, giới lãnh đạo giáo hội,... Chúng ta cần phải được rèn luyện sự ngay thẳng. Cuối cùng là lòng nhân-đức, Ân Điển đào luyện chúng ta lòng đạo đức từ tận bên trong, chứ không phải chỉ tốt đẹp bề ngoài. Quá nhiều sự giả hình trong tổ chức của loài người, bề ngoài giữ vẻ nhân đức, nên không có gì lạ khi có những người như thế chiếm đoạt nhiều vị trí lãnh đạo bằng sự luồn lách lươn lẹo tại thế gian này, nhưng có một điều chắc chắn rằng: sẽ không có 1 kẻ nào trong số đó được vào nước thiên đàng.

Trước khi được tái sanh, những điều tiết độ, công bình, nhân đức vốn chưa từng có trong chúng ta. Cám ơn Chúa vì lòng thương xót mà chúng ta nhận được ân điển. A-men!

Sống Lại Thời Cải Chánh

©2024 Reformed VTM All Rights Reserved

bottom of page