top of page

Thần học dị giáo của Charles Finney


Tiếp tục với di sản của Charles Finney trong bài trước, lịch sử cho chúng ta biết ông là người phản đối chống lại thần học Calvin đang phổ biến trong thời kỳ Đại thức tỉnh lần đầu tiên do Jonathan Edwards khởi xướng, ông đã đã chuyển trung tâm thần học Cơ Đốc giáo từ Chúa sang con người, từ việc rao giảng Phúc Âm (cụ thể giảng về Đấng Christ và việc Ngài bị đóng đinh) sang việc nhấn mạnh vào cách khiến một người "tự đưa ra quyết định" tin Chúa.

 

Một câu hỏi của Finney trong bất kỳ sự giảng dạy nào đó là: "Việc biến đổi trái tim của một tội nhân là có thật không, hay chính họ phải tự thay đổi". Và kết quả cho phong trào phục hưng của Finney chính là sự chia rẽ trong những người trong giáo hội Trưởng Lão ở Philadelphia và New York thành các phe theo thần học Arminius và Calvin. "Các phương pháp mới" của ông ấy bao gồm việc kêu gọi bước lên tin Chúa, các chiến thuật cảm xúc dẫn đến ngất xỉu và khóc, cũng như nhiều "sự phấn khích" khác.

 

Vậy thần học đằng sau “các phương pháp mới” này là gì? Finney phủ nhận lời dạy về bản chất tội lỗi của con người. Ông tuyên bố quan niệm về nguyên tội là “giáo lý phản Kinh Thánh và vô lý.” Tương tự như vậy, ông bác bỏ giáo lý về sự tái sinh siêu nhiên. Ông không phủ nhận việc Đức Thánh Linh có một số tác động ảnh hưởng lên đạo đức của tín đồ, nhưng ông cho rằng “sự thay đổi thực sự . . . là hành động của chính tội nhân.” Ông thậm chí dường như không cố gắng che giấu tà thuyết của Pelagius — vốn bị lên án nhiều nhất qua mọi thời đại của Hội Thánh — và bài giảng nổi tiếng nhất của ông như đã được nhắc đến là “Tội nhân buộc phải thay đổi trái tim của chính họ.”

 

Ông kịch liệt phủ nhận học thuyết về sự chuộc tội. Finney nói: “Nếu [Đấng Christ] đã làm trọn luật pháp thay cho chúng ta, thì tại sao việc chúng ta vâng lời lại được nhấn mạnh như một điều kiện cần cho sự cứu rỗi của mình?” Nói cách khác, vì sự vâng lời của cá nhân chúng ta là điều kiện cần —một điều kiện không thể thiếu—cho sự cứu rỗi của chúng ta, nên Đấng Christ không thể làm trọn luật pháp thay chúng ta. Thay vào đó, Finney nói, cái chết của Đấng Christ “sẽ mang đến cho mọi người những động lực cao nhất có thể để hướng tới đức hạnh . . . Nhưng nếu lòng nhân từ được thể hiện trong sự chuộc tội của Đấng Christ vẫn không khuất phục được tính ích kỷ của tội nhân, thì không còn hy vọng gì dành cho họ.”

 

Thế thì Phúc Âm của Finney dẫn đến đâu? Dẫn đến việc loại bỏ các giáo lý về sự sa ngã của con người, về sự tái sinh siêu nhiên, về sự chuộc tội; thay vào đó, hướng tới việc giải quyết vấn đề cá nhân qua một bầu không khí đầy cảm xúc và kêu gọi những đáp ứng phi Kinh Thánh dành cho một phúc âm hư hỏng. Chính ông là người đầu tiên trong lịch sử giáo hội khởi xướng truyền giảng sân vận động và kêu gọi nhiều người ào ạt lên cầu nguyện tin Chúa, là điều chưa từng xảy ra trong Kinh Thánh lẫn lịch sử giáo hội — một sự pha trộn kỳ dị giữa thần học tự do và chủ nghĩa cảm xúc.

Sống Lại Thời Cải Chánh

©2024 Reformed VTM All Rights Reserved

bottom of page