![](https://static.wixstatic.com/media/42f107_7c80a9f1d2324dccacc3a3d14f947e15~mv2.jpg/v1/fill/w_980,h_551,al_c,q_85,usm_0.66_1.00_0.01,enc_auto/42f107_7c80a9f1d2324dccacc3a3d14f947e15~mv2.jpg)
Ở phần trước chúng ta đã điểm qua một số vấn đề nổi bật nhất trong thần học Calvin. Như tôi đã nói, chúng ta đi giải quyết những vấn đề của thần học cải chánh, không có nghĩa là thần học cải chánh sai, cũng tương tự như việc sách sáng thế ký có rất nhiều vấn đề khó hiểu và vô lý với thế giới quan con người, việc chúng ta không hiểu một thứ gì đó, không có nghĩa là thứ đó đã sai hoặc không đúng sự thật. Cũng tương tự với thần học cải chánh, tôi hoàn toàn thừa nhận, thần học Calvin rất khó hiểu và khó tiếp nhận. Vì để tiếp nhận nó một cách thấu đáo, chúng ta cần vượt qua rất nhiều rào cản, rào cản về lý trí (vì chúng ta không thể hiểu hết ý định của Đức Chúa Trời), rào cản về cảm xúc (vì chúng ta không thể đồng cảm với cách Ngài yêu thương chọn lựa chúng ta), rào cản về ý chí (vì chính những rào cản về lý trí và cảm xúc đã ngăn cản chúng ta tiếp nhận thần học Calvin cách mạnh mẽ).
Đối với những người chối bỏ giáo lý ân điển, họ không hề phủ nhận ân điển của Chúa nhưng họ lại phủ nhận tính đầy đủ của ân điển Ngài. Họ cho rằng ân điển là cần thiết và rất quan trọng nhưng chưa đủ, còn cần phải có sự chọn lựa tự do chủ động của con người, thì mới dẫn đến kết quả cuối cùng là con người được cứu. Họ sợ rằng nếu loại bỏ sự tự do chọn lựa con người, thì những người hư mất sẽ đổ thừa rằng vì Chúa không chọn nên họ mới xuống địa ngục. Họ sợ rằng Chúa sẽ thành một kẻ độc đoán, khi chọn người này mà không chọn người đi, để họ đi thẳng xuống địa ngục. Bởi vậy cho nên, họ muốn cứu Chúa ra khỏi tình cảnh đó, họ không muốn Chúa lại trở thành nguyên nhân để nhiều người vào địa ngục.
Tôi tin họ có sự chân thành trong đó, nhưng chỉ vì chưa hiểu hết Calvinism nên mới nghĩ như vậy. Sự thật thì con người chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc họ xuống địa ngục, chính vì họ muốn phạm tội, Chúa không điều khiển hay thôi miên họ phạm tội, nếu Ngài thực sự thôi miên họ, thì Ngài phải chịu trách nhiệm. Họ có sự tự do để phạm tội, hoàn toàn tự do để đi đến chỗ hư mất, nhưng họ không có tự do để chọn thiên đàng, chọn Đấng Christ Jesus. Phần 2 của bài viết này sẽ đi giải quyết tiếp một số vấn đề mà những người chống đối Calvinism đặt ra.
5. Có phải Chúa chọn dựa trên sự biết trước rằng người đó sẽ chọn Chúa không?
TL: Arminius - nhà thần học đối đầu với John Calvin, đã nói về sự lựa chọn của Đức Chúa Trời như sau: Vì Đức Chúa Trời toàn tri, nên đã biết trước những ai sẽ chọn Ngài, Ngài nhìn vào dòng thời gian và nhìn thấy trước ai sẽ chọn Ngài, dựa vào những dữ kiện đó, Ngài tiến hành chọn người đó từ trước sáng thế. Và để minh chứng cho luận điểm này, họ trưng dẫn Ro 8:29, và 1 Phi 1:1-2
“Vì những người Ngài đã biết trước thì Ngài cũng định sẵn cho họ trở nên giống như hình ảnh Con Ngài, để Con ấy được làm Con trưởng giữa nhiều anh em.” (Ro 8:28)
“Phi-e-rơ, sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ, kính gửi những người kiều ngụ rải rác trong các xứ Pông, Ga-la-ti, Cáp-pa-đốc, A-si-a và Bi-thi-ni, là những người được chọn lựa theo sự biết trước của Đức Chúa Trời là Cha, và được thánh hóa bởi Thánh Linh, để vâng phục Đức Chúa Jêsus Christ và dự phần trong sự rảy huyết Ngài. Cầu xin ân điển và bình an càng gia tăng trên anh em” (1 Phi 1:1-2)
Thực ra, nếu chúng ta đã học về sự toàn tri (omniscience) của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ hiểu rằng Chúa biết mọi thứ một cách tức thì (không phải trải qua quá trình học hỏi), chính vì vậy, việc Ngài nhìn vào dòng thời gian để xem ai sẽ chọn Ngài là việc vô lý, không thể xảy ra, vì Ngài không cần phải tiếp thu thêm một thông tin nào, Ngài đã biết mọi thứ ngay từ ban đầu rồi. Và vì vậy, Ngài đã biết trước toàn thể con người sẽ bội nghịch, chống đối Ngài và không ai chọn Ngài, Ngài không biết trước cách thụ động, như cách những nhà tiên tri của Ngài biết trước tương lai.
Ngài biết trước vì Ngài đã chủ động định cho việc đó xảy ra. Không có nghĩa là Ngài là tác giả của tội lỗi, cũng không có nghĩa là Ngài xui khiến con người chống đối Ngài, nhưng Ngài chủ động định sẵn cho sự kiện đó phải xảy ra, chính vì vậy Ngài đã đặt cây biết điều thiện và điều ác ở giữa vườn, đồng thời cho phép con rắn lại gần và cám dỗ Ê-va. A-đam, Ê-va, con rắn đều chịu hoàn toàn trách nhiệm cho việc mình đã gây ra; nhưng trong quyền cai trị của Đức Chúa Trời, Ngài sắp đặt sự kiện này xảy ra, để kế hoạch đưa Đấng Christ vào thế gian sẽ thành công.
Còn trong 2 câu Kinh thánh trên, chữ “biết trước” được nhắc đến là chỉ về mối liên hệ của Ngài đã thiết lập với những Ngài được chọn từ trước sáng thế, đó là sự “biết” trong mối liên hệ mật thiết, chứ không phải là “biết” theo nghĩa hiểu biết. Chúng ta đã học về thuộc tính “Biết Trước” của Đức Chúa Trời, đó là biết trong mối liên hệ thân mật gần gũi với những người Ngài đã chọn, đó là chữ biết trong câu “Chiên Ta nghe tiếng Ta, Ta biết nó, và nó theo Ta”.
Nó không hề giống với cái giải thích của Arminius, vì nếu vậy, Đấng Tạo Hóa lại phải hành động theo sự chi phối của tạo vật do chính Ngài dựng nên sao, về mặt logic, nó không hề hợp lý, và nếu giả sử con người chọn Ngài, thì Ngài đâu cần phải chọn từng người để làm gì, đúng không? Thậm chí, giả sử Chúa có nhìn vào dòng thời gian, thì cái Ngài sẽ thấy không phải là con người sẽ chọn Chúa, mà là một màu đen tối của tội ác bao trùm cả nhân loại. Vì Ngài đã biết con người khi được tạo ra đã sa đọa như thế, nên Ngài có sẵn một chương trình cứu rỗi: chọn những người mà Ngài định sẽ cứu (để bày tỏ lòng thương xót), và để lại những người mà Ngài có nghĩa vụ phải trừng phạt (để bày tỏ sự công bình).
Vậy Chúa chọn chúng ta dựa theo điều gì, tiêu chí nào? Điều này được tiết lộ trong thư Ê-phê-sô đoạn 1: “Ngay cả trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, để chúng ta được thánh hóa và không chỗ chê trách trước mặt Ngài. Trong tình yêu thương, Ngài đã định sẵn cho chúng ta địa vị làm con nuôi của Ngài bởi Đức Chúa Jêsus Christ, theo mục đích tốt đẹp của ý muốn Ngài.” Ngài chọn chúng ta trong tình yêu thương của Ngài, theo mục đích tốt đẹp của Ngài, chứ không phải chọn chúng ta vì chúng ta đã chọn Ngài. Và cũng theo 2 câu trên, Ngài chọn chúng ta theo sự biết trước trong mối liên hệ mà Ngài đã thiết lập với những người được chọn.
6. Vậy Giăng 3:16 phải hiểu thế nào, chẳng phải Đức Chúa Trời yêu hết cả thế gian sao?
TL: Đây chắc có lẽ là một trong những câu nổi tiếng nhất Kinh thánh. “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin con ấy, không bị hư mất, nhưng được sự sống đời đời”. Chúng ta phải nhớ rằng, chỉ mỗi chữ “thế gian” cũng có rất nhiều cách dùng trong Kinh thánh, khi thì chỉ về dân ngoại, khi thi chỉ về dân Do thái, khi thì chỉ về vũ trụ tạo vật, khi thì chỉ về những người được chọn trên toàn thế gian, khi thì chỉ về những kẻ không được chọn. Nếu Đức Chúa Trời yêu cả thế gian, thì sao Ngài lại dạy chúng ta “chớ yêu thế gian cùng những gì trong thế gian”, chữ “thế gian” ở đây phải hiểu thế nào.
Bối cảnh của Giăng 3:16 đang nhấn mạnh vấn đề chỉ có Chúa Jesus là Đấng Cứu Rỗi duy nhất của thế gian, ai tin Ngài thì được cứu, phân đoạn này đang nhắm vào Ngài, chứ không nhắm vào vấn đề con người có khả năng để tin hay không. Và không chỉ câu này, tất cả những câu nói “bất cứ ai tin thì sẽ thế này, thế kia”; chỉ nói đến việc được cứu bởi đức tin, nghĩa là kết quả của đức tin, chứ không hề nói gì đến vấn đề đức tin đó từ đâu ra.
Câu này cũng như những câu kêu gọi khác không hề có ý nói con người có khả năng đến với Chúa, chúng chỉ nói rằng kết quả của những người nào đến, sẽ kinh nghiệm được điều này, điều kia. Vì nếu đọc lên trên, ở câu 3 Chúa Jesus khẳng định: “Người nào chẳng sanh lại, sẽ chẳng thể thấy nước Trời”, nếu Đức Chúa Trời yêu thương cả thế gian, tại sao Ngài chỉ tái sinh một số người, tại sao Ngài không tái sinh tất cả để họ cùng thấy Nước Trời. Bạn sẽ nói: “Có thể Đức Thánh Linh chỉ sinh lại những người nào đã tin rồi mà thôi”, thưa các bạn, người không thể thấy Nước Trời, còn mù quáng thuộc linh, còn chết thuộc linh, còn là một hài cốt khô thì tin thế nào đây?
Rõ ràng nhất cho câu hỏi này, là lời Chúa Jesus: “Tất cả những người Cha Ta ban cho Ta đều đến với Ta; ai đến với Ta, Ta sẽ không bỏ ra ngoài đâu.”. Chúa nói rằng TẤT CẢ những người được chọn, những người Cha ban cho Ngài từ trước sáng thế đều ĐẾN VỚI NGÀI, và bất cứ ai đến, Ngài không bỏ ra ngoài, người đó sẽ không bị hư mất, nhưng được sự sống đời đời.
7. Trong I Ti 2:4 có nói rằng: “Đức Chúa Trời muốn mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý”, phải hiểu thế nào?
TL: Một lần nữa, ta phải hiểu chữ “mọi người” ở đây không chỉ về tất cả mọi người từng sống trên đất, nhưng chỉ về mọi hạng người, mọi kiểu người, mọi tầng lớp người. Vì ở câu trước Phao-lô dặn Ti-mô-thê phải cầu thay cho mọi người, cho các vua, những người lãnh đạo. Cho ta hiểu rằng ý Phao-lô muốn nói ở đây, là Đức Chúa Trời muốn cứu những người được chọn, trong đó bao gồm mọi hạng người, không phân biệt ai, dù là vua chúa, nô lệ, nam hay nữ, người sang trọng, người nghèo.
Và trong những câu sau, cho chúng ta bức tranh rõ hơn, đó là Đức Chúa Jesus là Đấng Trung Bảo giữa Đức Chúa Trời và loài người, loài người ở đây chính là những người được chọn, Ngài không thể là Đấng Trung Bảo những người không được chọn và Đức Chúa Cha, vì mục đích của Đấng Trung Bảo là giải hòa giữa những người được chọn và Đức Chúa Cha, và rõ ràng chỉ có những người được chọn đã tin nhận mới được hòa giải lại với Đức Chúa Trời.
Và để hiểu rộng ra, có thực sự Đức Chúa Trời muốn cứu tất cả mọi người từng sống trên đất hay không? Câu trả lời là: KHÔNG! Vì nếu thực sự Chúa muốn cứu tất cả, thì Ngài đã kéo tất cả mọi người đến với Chúa Jesus rồi, thì Đức Thánh Linh đã tái sinh tất cả tội nhân để thấy Nước Trời rồi. Vì Thi Thiên 135:6 chép rằng “Đức Giê-hô-va làm bất cứ điều gì đẹp ý Ngài, dù ở trên trời hay dưới đất, trong biển hay trong các vực sâu.” Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng, Ngài có quyền làm mọi điều đẹp lòng Ngài, không một ai có quyền chất vấn Ngài. Ngài đã cho phép rất nhiều người xuống địa ngục, tức là điều đó vừa ý Ngài.
Vậy Ngài có còn là Đấng Yêu Thương không? Ngài vẫn là Đấng Yêu Thương vô hạn, vì Ngài đã chọn để cứu một số người như chúng ta thấy. Ngài vừa ý, khi phó số người còn lại cho sự hư mất. Dù Ngài CHẲNG HỀ VUI THÍCH về điều đó chút nào, Kinh thánh chép rằng Ngài đã lấy lòng kiên nhẫn chịu đựng những chiếc bình đáng chịu thịnh nộ, nhưng vì vinh hiển Ngài, Ngài đã cứu một số người và để yên số còn lại trong tội lỗi của họ. Những người đó không xuống địa ngục vì Chúa không chọn họ, họ xuống địa ngục vì họ xứng đáng ở đó, cũng như tất cả những người được chọn đều xứng đáng ở địa ngục vậy. Nhưng vì Chúa đã tỏ lòng thương xót với chúng ta, nên chúng ta được thoát khỏi địa ngục.
8. Tương tự như 2 câu trên, 2 Phi 3:9 chép rằng: “Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như một số người nghĩ đâu, nhưng Ngài kiên nhẫn đối với anh em, không muốn một người nào chết mất mà muốn mọi người đều ăn năn.” Vậy phải hiểu thế nào?
TL: Thật ra vì đã giải quyết 2 câu trên rồi, nên đến câu này sẽ không còn phức tạp nữa. Chúng ta sẽ đi qua nhanh câu này rồi sẽ kết thúc. Chữ “anh em” ở đây mà Phi-e-rơ dùng, là để chỉ về những tín đồ nhận được thư của ông, chứ không hề nói Ngài kiên nhẫn đối với tất cả mọi người. Đại ý câu này nói rằng, Ngài không muốn một người nào trong những người được chọn của Ngài phải chết mất, nhưng muốn tất cả đều đến với Ngài và ăn năn. Như đã nói ở trên, những chữ “mọi người”, “thế gian”, “loài người”, “thiên hạ” cần phải được phân tích trong bối cảnh của bản văn, thậm chí là trong bối cảnh của toàn bộ cuốn Kinh thánh.
Ta thấy rằng đây là một giáo lý quan trọng, mà khi hiểu được, chúng ta sẽ có một lăng kính chính xác để hiểu Kinh thánh, chúng ta có một nền tảng cần thiết để không diễn giải những câu Kinh thánh trên một cách lan man. Và sau cùng, chúng ta phải nhớ rằng, Chúa Jesus biết trước những người được chọn, Ngài yêu thương Ngài bày tỏ Ngài cho họ, phó sự sống Ngài cho họ, cầu thay cho họ, kêu gọi họ, xưng công chính cho họ, trình diện họ trước Chúa Cha. Và Chúa Jesus Christ KHÔNG CÓ PHẦN GÌ với những người không được chọn.