![](https://static.wixstatic.com/media/42f107_7c80a9f1d2324dccacc3a3d14f947e15~mv2.jpg/v1/fill/w_980,h_551,al_c,q_85,usm_0.66_1.00_0.01,enc_auto/42f107_7c80a9f1d2324dccacc3a3d14f947e15~mv2.jpg)
Chúng ta đã đi qua 5 chủ đề trọng tâm của giáo lý ân điển, đó là 5 chữ cái trong TULIP. Dù mỗi chữ cái đều là những vấn đề cao sâu, mầu nhiệm, khó hiểu và đương nhiên là rất khó nuốt. Nhưng tôi cũng như các bạn, cũng cảm thấy đây là những vấn đề rất khó nuốt, đây là những lẽ đạo mà có nhiều người phải mất vài năm mới tiếp nhận được. Đơn cử như nhà thần học R.C.Sproul – một người rất kiên định rao giảng thần học Calvin, cũng đã phải mất đến 5 năm, sau khi những vật lộn với những vấn đề, ông mới tiếp nhận nổi hệ thống thần học này. Và điều này chắc chắn sẽ xảy ra đối với bất cứ ai học hỏi về thần học cải chánh, người thì mất 5 năm, người thì 2 năm, người thì 10 năm. Hoặc có người chỉ tiếp nhận vài điểm chứ không phải cả 5 điểm thần học Calvin, có nhiều người tự nhận mình là 3-points Calvinist hoặc 4 point-Calvinist.
Bài viết này sẽ giải quyết một số vấn đề của thần học Calvin, nói là vấn đề, không có nghĩa là thần học Calvin sai Kinh thánh nên mới có vấn đề. Hoàn toàn không! Mà ngược lại mới đúng, vì thần học Calvin đúng là Lời Chúa bày tỏ nên nó mới có vấn đề, vì Chúa là Đấng vô hạn, còn chúng ta là hữu hạn, nên việc chúng ta không thể hiểu như cách Chúa hiểu, là việc rất bình thường, vì nếu Kinh thánh chỉ được viết bởi cái đầu của con người thì chắc chắn mọi vấn đề đã được giải quyết xong rồi.
Tuy những câu hỏi để đặt ra cho thần học Calvin có rất nhiều, nhưng trong giới hạn bài viết này, tôi sẽ nêu lên những vấn đề phổ biến nhất mà mọi người thường chất vấn các Calvinists:
1. Vì sao Chúa chọn cứu một số người chứ không phải tất cả? Chẳng phải vậy là bất công sao?
TL: Học xong giáo lý ân điển, học xong về sự cai trị của Chúa lên sự cứu rỗi, ta sẽ biết mọi điều xảy ra, linh hồn nào lên thiên đàng, linh hồn nào xuống địa ngục đều trong sự định đoạt của Chúa. Mọi sự kiện xảy ra trong vũ trụ này, Chúa phải cho phép thì nó mới xảy ra được. Đó là sự thật! Dù bạn muốn chấp nhận nó hay không, thì đó là điều Kinh thánh đã bày tỏ. Việc có rất đông người vào địa ngục, phải chịu hư mất đời đời, cũng nằm trong ý định của Chúa. Vậy chẳng phải là bất công lắm sao? Nếu Chúa đã tỏ lòng thương xót lên con người, thì Chúa phải tỏ lòng thương xót lên tất cả mọi người chứ, sao lại chỉ cứu một số người, còn để số còn lại phải hư mất?
Chúng ta đặt câu hỏi như vậy nghĩa là ngay từ đầu chúng ta đã giả định sai về sự thương xót của Đức Chúa Trời! Chúng ta đang giả định sai 2 điều: Thứ nhất, Chúa có nghĩa vụ phải thương xót tất cả mọi người. Thứ hai, tất cả mọi người đều xứng đáng được cứu. Vì sao sai? Thứ nhất, nếu đã là thương xót, thì bản chất của nó không phải là nghĩa vụ, mặc dù Chúa chúng ta là Đấng giàu lòng thương xót, nhưng Chúa không bao giờ có nghĩa vụ phải thương xót con người. Dẫn đến việc Chúa không có nghĩa vụ phải cứu rỗi bất cứ ai, chúng ta đội ơn thương xót của Chúa, nhưng chúng ta phải biết rằng Chúa chưa bao giờ và chắc chắn không bao giờ có nghĩa vụ phải thương xót chúng ta cả. Vì nếu là nghĩa vụ, thì Chúa buộc phải cứu tất cả mọi người, thậm chí buộc phải cứu cả ma quỷ nữa, và nếu sự cứu rỗi là điều bắt buộc Chúa phải làm, thì đó sẽ không còn là ân điển nữa, và chúng ta cũng chẳng cần phải biết ơn Chúa làm gì cả. Đúng không?
Thứ hai, chúng ta không hề xứng đáng để được cứu. Một khi chúng ta nói Chúa bất công khi không cứu tất cả mọi người, nghĩa là chúng ta đang nghĩ con người xứng đáng được cứu. Nhưng không! Chắc chắn là không! Với sự bội nghịch, kiêu ngạo của con người, phạm thượng với Đức Chúa Trời không biết chán, sung sướng chìm đắm trong tội lỗi, gian ác triền miên,…với tất cả những điều đó, chúng ta vẫn cho rằng con người xứng đáng được cứu sao? Tuyệt đối không! Con người xứng đáng bị trừng phạt cùng một cách như Chúa trừng phạt ma quỷ. Và một lần nữa, nếu con người xứng đáng được cứu, thì con người còn lý do gì để cảm tạ và ca ngợi ân điển Chúa? Chính vì Chúa không có nghĩa vụ phải thương xót, và con người không xứng đáng được thương xót, cho nên, khi chúng ta được cứu rỗi, được đội ơn thương xót Chúa, chúng ta sẽ có cớ lớn để ca ngợi sự vinh hiển của ân điển Ngài, các thiên binh, thiên sứ khi quan sát công trình cứu rỗi cũng sẽ có cớ ca ngợi Đức Chúa Trời và Chiên Con. Sự chọn lựa của Đức Chúa Trời thể hiện ân điển sâu rộng của Ngài, đồng thời bày tỏ sự phán xét chính trực của Ngài, không có sự bất công nào ở đây cả.
2. Chúa chọn như vậy thì con người còn ý chí tự do không?
TL: Câu trả lời thẳng thắn nhất của câu hỏi này chính là: Dù Chúa có chọn hay không, con người vốn dĩ không hề có ý chí tự do. Đúng vậy! Bạn không nghe nhầm đâu! Trong Hội thánh Chúa bấy lâu nay đã quen với lời dạy dỗ “con người có một ý chí tự do”. Nhưng ngay cả về mặt triết học, người ta cũng xem ý niệm về “ý chí tự do” là một ảo tưởng, chúng ta có thể tin vào “hành vi tự do”- con người có thể làm những gì mình muốn, nhưng “ý chí tự do” thì không thể hiện hữu. Vì sao? Vì con người là một thân vị, được cấu thành từ 3 yếu tố: Lý Trí, Cảm Xúc và Ý Chí. Và ý chí của con người luôn luôn bị tác động bởi cảm xúc và lý trí. Nếu ví sánh với cơ thể người, thì Lý Trí là bộ não, Cảm Xúc là trái tim, và Ý Chí chính là tay, chân, miệng. Từ sự chi phối của bộ não và trái tim, sẽ dẫn đến hành động của tay, sự đi lại của chân, và sự giao tiếp của miệng. “Ý chí tự do” là một ý tưởng không có thật, hay nói cách khác, đó là sự ảo tưởng của con người. Ý chí luôn luôn bị chi phối bởi sự hiểu biết, động cơ, mong muốn của con người.
Hãy nhìn xem cách mà truyền thông, quảng cáo thao túng chúng ta. Vì sao chúng ta chọn mua cái túi hiệu đó, vì sao chúng chọn loại nước giải khát đó, vì sao chúng ta vào những nhà hàng đó, vì sao chúng ta phải tập thể dục?....Tất cả những quyết định đó đều ra từ sự điều khiển của lý trí (đã bị thao túng và nhồi sọ bởi truyền thông) và cảm xúc, đúng không? Hãy trở lại câu chuyện trong vườn Ê-đen mà xem! Vì sao Ê-va ăn trái cấm? Vì bà tin lời con rắn, nghĩ rằng khi ăn xong sẽ bằng Đức Chúa Trời, đó là lý trí, và chính bà cũng thấy trái cây đẹp, nhìn ngon mắt, đó là cảm xúc; và cuối cùng là dẫn đến hành động lấy trái cấm và ăn nó. Cho nên, câu trả lời cho vấn đề ý chí tự do, đó là dù Chúa có chọn hay không chọn, con người vốn dĩ chỉ có “hành vi tự do”, chứ không hề có “ý chí tự do”.
3. Nếu Chúa định trước một số người được cứu, vậy tại sao chúng ta phải truyền giáo?
TL: Đây là một câu hỏi phổ biến nữa mà những người chống đối thần học cải chánh thường dùng để phản bác giáo lý ân điển. Họ nói rằng: “Nếu Chúa định sẵn người đó sẽ được cứu, thì chắc chắn người đó được cứu, và nếu Chúa định sẵn những người sẽ hư mất trong con đường mình, vậy thì có truyền giáo người ta cũng sẽ chống đối, vậy thì còn đi truyền giáo làm gì?”
Tôi xin trả lời như sau: Chính vì Chúa đã định trước, cho nên chúng ta càng có lý do để truyền giáo. Vì sao? Vì Chúa vừa định sẵn sự cứu rỗi cho người được chọn, vừa định sẵn cả phương tiện để kêu gọi người được chọn, và phương tiện đó là ĐỨC TIN và TIN LÀNH, vì Kinh thánh chép rằng:
“Thưa anh em là những người yêu dấu của Chúa, chúng tôi buộc phải luôn luôn cảm tạ Đức Chúa Trời về anh em, vì từ ban đầu Ngài đã chọn để ban sự cứu rỗi cho anh em, qua sự thánh hóa bởi Thánh Linh và LÒNG TIN VÀO CHÂN LÝ” (2 Te 2:13)
“Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì đây là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin, trước là người Do Thái, sau là người Hi Lạp.” (Ro 1:16)
“Như vậy, đức tin đến từ những điều người ta nghe, mà người ta nghe là khi lời của Đấng Christ được rao giảng” (Ro 10:17)
Kinh thánh bày tỏ cho chúng ta thấy phương tiện, công cụ Chúa dùng để kêu gọi, để cứu rỗi, để tái sinh tội nhân là gì. Đó là qua đức tin đến từ việc nghe Lời Chúa được rao giảng. Chúa không cứu người được chọn bằng một cách siêu nhiên theo kiểu người đó chưa nghe gì về Jesus, chưa biết gì về Tin lành, bất thình lình bằng một phép lạ nào đó Chúa làm cho người biết Jesus là ai, biết tin lành là gì. Không! Kinh thánh cho biết Chúa không làm vậy! Chúa sử dụng các sứ đồ, thánh đồ để rao giảng tin lành, và qua những bài giảng của họ, Đức Thánh Linh sẽ tái sinh và ban đức tin cho những người được chọn. Chính vì vậy, giáo lý ân điển không hạn chế, hay làm mất động cơ truyền giáo, ngược lại càng thúc đẩy người ta rao giảng Lời Chúa, truyền bá một Tin lành chuẩn Kinh thánh. Trong lịch sử Hội thánh, có rất nhiều nhà truyền giáo trứ danh tin vào thần học Calvin như George Whitfield, Charles Spurgeon, John Newton, John Knox, Martin Luther, Jonathan Edwards, Matthew Henry, Martyn Lloyd Jones,…Chính vì họ tin vào giáo lý ân điển, nên họ đã sốt sắng đi ra, kêu gọi những người được chọn trở lại trong sự ăn năn và tin nhận, và lời kêu gọi của họ, Đức Thánh Linh sẽ thực hiện công tác kêu gọi riêng của Ngài, nhắm đến những người được chọn.
4. Có phải đúng là Chúa đã định một số người cứu, số còn lại cho sự hư mất không?
Nếu lỡ người đó đã bị định cho sự hư mất thì dù người có muốn tin Chúa cũng không được? Hoặc ngược lại, nếu có người không muốn tin, nhưng vì đã được Chúa định cho được cứu, nên người đó miễn cưỡng phải tin sao?
TL: Nhiều người hiểu lầm rằng Chúa chọn con người trong tình trạng con người hoàn toàn vô tội. Rồi Ngài bắt đầu phân ra một bên thì vào thiên đàng, một bên thì xuống địa ngục. Điều đó sai hoàn toàn! Mục đích của sự lựa chọn là để cứu rỗi. Chính vì vậy, Thiên Chúa chọn con người trong tình trạng tất cả mọi người đều hư mất và đang đi xuống địa ngục. Và vì vậy, Ngài mới chọn để cứu rỗi một số người, và phán xét số người còn lại. Một cách cụ thể, thì trong sự tiền định, 2 nhóm người này sẽ được Chúa chọn như sau: những người được cứu là những người được Chúa chọn để bày tỏ lòng thương xót, Ngài chọn lựa họ ra khỏi thế gian và ban cho họ sự cứu rỗi. Còn nhóm còn lại, Ngài chủ động phó họ trong tội lỗi, Ngài để yên họ trong tình trạng hư mất của họ. Trong thư Rô-ma chương 9, sứ đồ Phao-lô đã nói rõ rằng:
“Nếu Đức Chúa Trời muốn bày tỏ cơn thịnh nộ và chứng tỏ quyền năng của Ngài, mà Ngài đã kiên nhẫn chịu đựng những chiếc bình đáng chịu thịnh nộ để bị hủy diệt, thì sao?” (Ro 9:22)
Người ta ghét thần học cải chánh, ghét John Calvin, ghét lẽ đạo chọn lựa, chính vì điều này. Họ không chấp nhận một Đức Chúa Trời chỉ chọn cứu một số người chứ không phải tất cả. Tôi cũng từng giống họ, nên tôi hiểu cảm giác của họ, thật sự khó để chấp nhận sự thật này. Nhưng vấn đề chúng ta nên hỏi, không phải là: “Tại sao Chúa không cứu tất cả?”, “Tại sao Chúa lại cứu?” Vì dù Chúa chỉ cứu đúng một người duy nhất, thì người đó vẫn không xứng đáng được cứu. Dù Chúa chỉ cứu duy nhất một người, thì đó vẫn là ân điển, vẫn là sự thương xót của Ngài.
Dù thích hay không thích, chúng ta cũng phải khiêm nhường chấp nhận kế hoạch của Đức Chúa Trời. Dù bạn có ghét bỏ thần học cải chánh thế nào đi nữa, thì bạn vẫn phải chấp nhận một sự thật Chúa chỉ bày tỏ về Ngài cho một số người, và giấu lẽ thật với số còn lại, Chúa chỉ kéo một số người đến với Jesus, chỉ ban lỗ tai thuộc linh cho một số người, chỉ tái sinh một số người, chỉ kêu một số người sống lại từ sự chết. Thậm chí khi giảng Tin lành, Chúa Jesus chủ động giảng theo cách mà chỉ có những người được chọn mới hiểu được, Ngài cố tình không giải nghĩa ví dụ, Ngài cố tình giảng một bài giảng khó nuốt để họ không theo Ngài nữa. Ngài nghiêm cấm các quỷ xưng danh Ngài ra, để thân phận Ngài không bị lộ. Và sứ đồ Phao-lô một lần nữa khẳng định rằng, nếu Tin lành bị che khuất thì chỉ che khuất với người hư mất mà thôi.
Vậy bạn sẽ hỏi, giả dụ người đó bị định cho sự hư mất, thì dù người đó muốn tin cũng không tin được hay sao? Tình huống bạn đặt ra không có thực, vì người đã bị phó cho tội lỗi, họ sẽ thậm chí không thèm quan tâm bất cứ điều gì liên quan tới Chúa Jesus, đồng thời còn sống một cuộc đời chống nghịch tuyệt đối với Lời Ngài. Vì Chúa Jesus đã tiết lộ: “Ngoài Cha không ai biết Con, ngoài Con và những người Con bày tỏ cũng không ai biết Cha”, nếu Chúa không bày tỏ Ngài cách cá nhân cho họ, con người sẽ không có khả năng biết Ngài. Rô-ma đoạn 8 thì dạy rằng: “Người không có Thánh Linh, sẽ chỉ chú tâm vào xác thịt”. Vậy bạn sẽ hỏi: “Nếu trường hợp ngược lại, giả dụ người đó được định để được cứu, nhưng người đó không muốn tin thì sao?” Nếu bạn đã hỏi vậy thì chính Chúa Jesus đã trả lời câu hỏi đó rồi: “Những người Cha đã ban cho Ta sẽ đến với Ta”, “Chiên Ta nghe tiếng Ta, Ta quen nó, và nó theo Ta”.
Những người đã được Chúa chọn, thì Chúa sẽ gọi, chính Ngài sẽ hành động để bắt phục người đó tin Ngài, và cuối cùng người đó sẽ muốn tin Ngài, điều này ta đã được học trong chữ cái thứ tư: “Irresistable Grace”, đó là ân điển không thể chống cự, bạn sẽ toàn tâm khao khát tin Ngài.
Thần học cải chánh, sự chọn lựa, sự tiền định là những điều chính Chúa Jesus và các sứ đồ rao giảng, đó không phải là điều mới, chẳng phải các bạn đã quen thuộc với những câu như: “Số ngày tôi sống trên đất đã được biên vào sổ Chúa trước khi có một ngày nào trong các ngày ấy”, “theo như đã định, loài người phải chết một lần rồi chịu phán xét”, hoặc câu “Ngài đã bị phản nộp theo như kế hoạch đã định…” đúng không? Qua phần sau, chúng ta sẽ cùng nhau giải nghĩa một số câu Kinh thánh mà nhiều người dùng để phản bác thần học cải chánh. Xin cảm ơn các bạn!