![](https://static.wixstatic.com/media/edbf0d_d2d69602e4444ebb9237bbb056dba21d~mv2.jpg/v1/fill/w_980,h_551,al_c,q_85,usm_0.66_1.00_0.01,enc_auto/edbf0d_d2d69602e4444ebb9237bbb056dba21d~mv2.jpg)
Trước khi định nghĩa về sự ăn năn thật, chúng ta sẽ đến với câu hỏi, "Tại sao nó quan trọng trong cuộc sống của chúng ta?" Lý do nó có tầm quan trọng tối cao trong cuộc sống của chúng ta, đó là vì theo Tân Ước, sự ăn năn là đòi hỏi không thể thiếu để bước vào vương quốc của Đức Chúa Trời. Tôi nhấn mạnh điều đó bởi vì nền văn hóa của chúng ta cho rằng Đức Chúa Trời tha thứ mọi tội lỗi của mọi người cho dù họ có phạm tội hay không. Nhưng khái niệm đó đơn giản là không đến từ Kinh Thánh. Khi Chúa Giê-xu dạy đỗ bất cứ điều gì, thì Ngài dạy rằng điều bắt buộc phải có đối với một người đã phạm tội với Đức Chúa Trời chính là từ bỏ tội lỗi đó và ăn năn. Thật vậy, khi Chúa Giê-xu bắt đầu thánh chức một cách công khai, lời đầu tiên Ngài rao giảng là “Hãy ăn năn, vì nước Đức Chúa Trời đã đến gần”. Không có gì cấp bách và cần thiết hơn là sự ăn năn để một người được thoát khỏi cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời kêu gọi mọi người phải ăn năn - đó không phải là một sự lựa chọn của họ. Phao-lô nói rằng sự ngu dốt trong quá khứ đã được Đức Chúa Trời bỏ qua; nhưng bây giờ Đức Chúa Trời kêu gọi tất cả mọi người ở khắp mọi nơi ăn năn. Sự kêu gọi đó là dành cho những ai? Câu trả lời là mọi người. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đó, nhưng không phải tất cả chúng ta đều đang làm điều đó. Vậy ý Ngài là gì khi phán điều đó? Ý Ngài rất rõ ràng qua câu nói đó, Ngài đòi hỏi sự ăn năn. Có người hỏi: “Ăn năn thật sự nghĩa là gì?” Hầu như mọi người theo Công giáo La Mã đều thuộc lòng bài cầu nguyện sám hối. Dù không thuộc lòng, nhưng có thể nhiều người trong chúng ta đã nghe nó nhiều lần và nhớ được một số điều trong lời cầu nguyện của họ: "Lạy Chúa, con chân thành xin lỗi vì đã phạm tội cùng Ngài. Con không chỉ sợ vì mất phần thưởng hay sợ bị trừng phạt, nhưng con sợ vì con đã nghịch với Ngài." Nhưng trong thần học, chúng ta phải phân biệt giữa sự hối hận và sự ăn năn. Sự hối hận là quay lưng lại với tội lỗi, nhưng đến từ động cơ là để thoát khỏi sự trừng phạt. Đứa trẻ không hề hối hận về hành động ăn cắp bánh kẹo cho đến khi nó bị bắt quả tang khi đang đút tay vào hũ bánh và người mẹ cầm roi tiến tới. Kiểu hối hận như vậy thì không phải là ăn năn. Đó là sự hối hận để mong tránh bị trừng phạt ở địa ngục. Sự ăn năn thực sự luôn vượt trên nỗi sợ hãi như vậy. Khi tấm lòng của Đa-vít tan vỡ trước mặt Đức Chúa Trời, ông nói: “Lạy Đức Chúa Trời, lòng đau khổ và thống hối Chúa không khinh dể đâu” là lúc ông cảm thấy đau buồn thực sự, đây là một sự đau buồn thiêng liêng. Sự ăn năn chân chính là sự nhận thức rằng chúng ta đã làm điều sai trái, và nó chắc chắn đưa chúng ta đến một sự quyết định để từ bỏ điều sai trái đó của mình.