![](https://static.wixstatic.com/media/edbf0d_e5c1551e2f504e9884dcacb1e7f39c54~mv2.jpg/v1/fill/w_980,h_551,al_c,q_85,usm_0.66_1.00_0.01,enc_auto/edbf0d_e5c1551e2f504e9884dcacb1e7f39c54~mv2.jpg)
Ở những chủ đề lần trước, ta đã bàn về tình trạng thuộc linh của con người, sự chọn lựa vô điều kiện của Đức Chúa Cha, sự chuộc tội những kẻ tin của Đức Chúa Con. Lần này, ta sẽ đề cập đến trọng trách của Đức Thánh Linh - Ngôi Ba Đức Chúa Trời. Đó là sự kêu gọi hữu hiệu, cách Chúa ban ân điển cho những người được chọn, chữ cái thứ tư trong TULIP, đó là “I”: Irresistable Grace. Chúa Cha đã chọn, Chúa Con đã chuộc tội, giờ đã đến lúc Thánh Linh sẽ thực nghiệm ân điển đó lên những kẻ tin.
Trong chủ đề này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về cách Chúa kêu gọi một người, cách Chúa cứu những người đã được chọn, đưa họ từ sự chết thuộc linh trở lại sự sống. Kinh Thánh cho chúng ta biết có 2 sự kêu gọi mà Chúa thực hiện cho tội nhân. Đầu tiên là sự kêu gọi phổ quát, Đức Chúa Trời kêu gọi tội nhân khắp địa cầu hãy ăn năn, trở về cùng Chúa để nhận sự tha tội. Đức Chúa Trời từ buổi sáng thế đến nay, đã liên tục bày tỏ ân điển phổ quát của Ngài cho toàn thể nhân loại, từ sự tốt lành ban cho vật thực và mọi thứ trên trái đất này cho con người; đến sự kiên nhẫn chịu đựng sự chống nghịch của họ. Từ khi bắt đầu tạo dựng vũ trụ, Chúa đã liên tục bày tỏ về chính Ngài qua thiên nhiên, Ngài đặt luật pháp Ngài trong lòng mỗi người, để họ cảm nhận được điều thiện và điều ác, Ngài phán xét trong lương tâm họ để họ nhận biết có một Thượng Đế và quay trở về ăn năn trước Ngài. Khi tiên tri Giăng Báp-tít và Chúa Jesus khởi đầu chức vụ, ông và Ngài đã bắt đầu rao giảng bằng lời kêu gọi: “Các ngươi hãy ăn năn, vì Nước Thiên Đàng đã đến gần!”. Vào lễ lều tạm, Chúa Jesus cũng đã đứng lên mở miệng công bố về Ngài cho tất cả mọi người, điều này được sứ đồ Giăng viết lại như sau:
“Ngày cuối cùng là ngày rất quan trọng của kỳ lễ, Đức Chúa Jêsus đứng dậy và công bố rằng: “Nếu người nào khát, hãy đến với Ta mà uống. Người nào tin Ta thì những dòng sông sự sống sẽ tuôn tràn từ lòng mình, đúng như Kinh Thánh đã nói.”” (Gi 7:37-38)
Và công tác kêu gọi tội nhân trở lại ăn năn này đã liên tục được thực hiện ở thời các sứ đồ, không chỉ các sứ đồ, chính mỗi Cơ Đốc Nhân khi rao giảng Tin Lành, chúng ta cũng đang thực hiện lời kêu gọi phổ quát này đến những người nghe. Mọi diễn giả, nhà truyền giáo, mục sư, mọi tín nhân đều có trách nhiệm kêu gọi tất cả mọi người đến Chúa, chúng ta kêu gọi họ sau khi đã trình bày lẽ thật Tin Lành cho họ. Và phần còn lại, là công việc mà Đức Thánh Linh sẽ làm trong lòng mỗi người nghe phúc âm. Với lời kêu gọi phổ quát, mọi người hoàn toàn có thể từ chối, quay lưng với nó, và bạn biết không, có một sự thật phũ phàng, đó là nếu không bởi hành động của Đức Thánh Linh, thì tất cả tội nhân đều không có khả năng đáp ứng với lời kêu gọi đó.
Đó là lý do vì sao công tác của Thánh Linh chính là chìa khóa khiến tội nhân được cứu. Sự kêu gọi phổ quát đã, đang, và sẽ đến với nhiều người; nhưng sự kêu gọi hữu hiệu chỉ đến với người đã được Chúa chọn mà thôi, vậy nên sẽ có ít người nhận được sự kêu gọi thánh này, như lời Chúa Jesus đã tiết lộ:
“Bởi vì có nhiều kẻ được gọi, mà ít người được chọn.” (Mat 22:14)
Vậy thì tại sao Chúa phải kêu gọi chúng ta? Ngài kêu gọi cách nào? Làm sao chúng ta biết rằng mình đã được gọi hay chưa?
Thứ nhất, chính Đức Chúa Trời phải kêu gọi chúng ta từ kẻ chết sống lại, vì trong chủ đề lần trước, chúng ta biết rằng con người đã chết hoàn toàn về thuộc linh, con người không có khả năng để đáp ứng lại lời mời gọi phổ quát của Tin Lành, không có khả năng tin nhận Ngài, càng không thể ăn năn những tội lỗi họ được. Như lời Thánh Kinh chép rằng:
“Nếu Cha, là Đấng đã sai Ta, không kéo đến thì không ai có thể đến với Ta, và Ta sẽ làm cho người ấy sống lại trong ngày cuối cùng” (Gi 6:44)
Có người diễn giải chữ “kéo” mang nghĩa rằng Chúa quyến rũ, cuốn hút tội nhân; giống như con ong bị hương hoa dẫn dụ. Nghĩa là tội nhân đó có thể từ chối hoặc đồng ý đi theo sự lôi cuốn mà Chúa bày ra. Thật ra lời diễn giải này không đúng chút nào, chữ “kéo” trong Gi 6:44 có nghĩa là lôi kéo một cách chủ động và dồn dập, và nó được dùng một lần nữa khi sứ đồ Phao-lô bị “kéo” đến trước chính quyền. Tóm lại, Chúa không phải là đơn thuần lôi cuốn, dẫn dụ tội nhân, nhưng chính Ngài lôi kéo họ một cách mạnh mẽ để đến với Chúa Jesus.
Chúa phải lôi kéo, phải hành động trước, thì chúng ta mới có khả năng đến với Chúa Jesus. Vậy cụ thể thì Chúa đã làm gì? Phần phía sau đây, chúng ta sẽ đụng đến một vấn đề gây tranh cãi rất nhiều, đó là mối tương quan giữa sự tái sinh và đức tin. Theo những nhà thần học không cải chánh, thì cho rằng con người phải có đức tin nơi Chúa, và sau đó Chúa sẽ tái sinh người đó, nghĩa là tái sinh chính là kết quả của đức tin. Nhưng niềm tin này không nhận được sự ủng hộ từ Kinh Thánh, vì theo Kinh Thánh nhiều lần bày tỏ, con người không có khả năng tin nhận, câu Kinh Thánh ở trên là một ví dụ trong rất nhiều câu khác, tiết lộ rằng, con người đã chết, họ cần được Chúa hành động lên họ. Thần học cải chánh nhận biết Lời Chúa dạy rằng, tội nhân cần phải được Đức Thánh Linh làm cho sống lại từ cõi chết, và nhờ đó chúng ta nhận biết mình được cứu hoàn toàn bởi ân điển mà thôi:
“nên ngay khi chúng ta đã chết vì những vi phạm thì Ngài khiến chúng ta cùng sống với Đấng Christ, ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu” (Eph 2:5)
Và trong thư Rô-ma đoạn 8, sứ đồ Phao-lô cũng nhấn mạnh về những người không có Thánh Linh thì sống thế nào:
“Thật thế, những ai sống theo xác thịt thì chú tâm vào những việc thuộc xác thịt; còn những ai sống theo Thánh Linh thì chú tâm vào những việc thuộc Thánh Linh” (Ro 8:5)
Những người không có Thánh Linh không thể tin nhận Đấng Christ, không thể thấy Nước Trời, không thể tiếp nhận Tin Lành, không thể hiểu những điều căn bản nhất của Tin Lành. Vì sao? Vì tâm linh họ, tâm trí họ chỉ chú tâm nhìn vào “những việc thuộc xác thịt”.
Vì vậy, để tội nhân có thể thấy Nước Trời, có thể nghe hiểu và tiếp nhận Tin Lành, họ cần được Đức Thánh Linh tái sinh, tức là làm cho sống lại. Từ đó, họ mới được Chúa ban cho đức tin và lòng ăn năn để hưởng sự cứu rỗi. Đúng vậy, đức tin và lòng ăn năn không sản sinh từ chúng ta, nhưng nó đến từ Đức Chúa Trời, có thể nhiều người sẽ bất ngờ khi nghe điều này, trước giờ chúng ta thường nghĩ rằng đức tin và sự ăn năn là của chúng ta, xuất phát từ chúng ta, nhưng Kinh Thánh bày tỏ rõ ràng rằng:
“Vì nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều nầy không đến từ anh em mà là tặng phẩm của Đức Chúa Trời; cũng không do việc làm của anh em để không ai có thể tự hào”(Eph 2:8-9)
“Vì qua Đấng Christ, anh em đã được ban ơn không phải chỉ để tin Ngài mà thôi, nhưng còn được chịu khổ vì Ngài nữa” (Phi 1:29)
“Si-môn Phi-e-rơ, đầy tớ và sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ, kính gửi những người nhờ sự công chính của Đức Chúa Trời chúng ta và của Cứu Chúa Jêsus Christ, đã nhận lãnh cùng một đức tin quý giá như chúng tôi” (2 Phi 1:1)
Kinh Thánh nói rõ đức tin chúng ta là một món quà của Đức Chúa Trời, nó không có trong bản chất tội lỗi chúng ta, chúng ta tin Đấng Christ không phải vì chúng ta thông minh hơn, công chính hơn người khác; nhưng chỉ vì Chúa đã ban cho chúng ta lỗ tai thuộc linh, Ngài đã mở mắt chúng ta, ban cho chúng ta đức tin để nhận Ngài. Thế còn sự ăn năn thì sao? Kinh Thánh chép rằng:
“Đức Chúa Trời đã đem Đấng ấy lên bên hữu Ngài, làm Vua và Cứu Chúa, để ban lòng ăn năn và sự tha tội cho dân Y-sơ-ra-ên.” (Cong 5:31)
“Tín đồ nghe bấy nhiêu lời xong, đều thỏa thuận và ngợi khen Đức Chúa Trời, rằng: Vậy Đức Chúa Trời cũng đã ban sự ăn năn cho người ngoại để họ được sự sống” (Cong 11:18)
Sự ăn năn của chúng ta là từ Đức Chúa Trời ban cho, chúng ta ăn năn không phải vì chúng ta khiêm nhường hơn người khác, cũng không phải chúng ta khôn ngoan nhìn thấy tội lỗi của mình rõ hơn người khác; tất cả đều là nhờ ân điển Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta. Vì vậy chúng ta có thể kết luận, sự tái sinh đã có trước đức tin, chứ không phải ngược lại, vì những ai có thể tin, nghĩa là họ đã được sinh lại rồi!
“Nhưng bất cứ ai tiếp nhận Ngài, tức là tin danh Ngài, thì Ngài ban cho họ quyền trở nên con của Đức Chúa Trời, là những người được sinh ra không phải bởi khí huyết, hoặc bởi ước muốn xác thịt, hoặc bởi ý người, nhưng bởi Đức Chúa Trời” (Gi 1: 12-13)
Sứ đồ Giăng khẳng định rõ ràng, những người tiếp nhận Ngài, chính là những người đã được sinh lại không phải bởi ý muốn hay khao khát của chúng ta, nhưng sinh bởi Đức Chúa Trời. Tóm lại, chúng ta tin rằng đức tin và sự ăn năn là kết quả của sự tái sinh, là kết quả của việc được Chúa kéo đến với Ngài.
Bạn sẽ hỏi: “Nếu Chúa làm hết mọi thứ như vậy, thì tôi chỉ ngồi yên chờ Chúa ban cho đức tin rồi mới tin Chúa có được không?” Đây thực ra là một câu hỏi viễn vông, không thực tế, bởi vì sao? Nếu bạn đổ thừa Chúa cho lối sống vô tín của mình, điều đó chứng minh bạn không thuộc về Chúa, bạn không tin Ngài. Vì một khi chiên của Ngài nghe tiếng Ngài, chúng sẽ đáp ứng mà không chậm trễ, câu hỏi trên chỉ đến từ những người vô tín, không hề muốn tin Ngài, họ chỉ đang cố gắng bào chữa cho tấm lòng cứng cỏi và hành động chống nghịch của mình. Đó không phải là một câu hỏi ra từ sự khiêm nhường, kính sợ Chúa; nhưng ra từ tấm lòng kiêu ngạo, vô luân. Vì nếu bạn thật lòng nhìn thấy Nước Trời, bạn đã phủ phục trước Chúa trong sự ăn năn rồi. Vì một khi Chúa tái sinh bạn, Ngài cũng ban cho bạn đức tin và lòng ăn năn, bạn KHÔNG THỂ KHÔNG TIN Ngài. Chính vì vậy, đây gọi là Irresistable Grace- Ân điển không thể kháng cự. Và xin nhớ cho, bạn không được Chúa kéo đến trong tình trạng la hét, giãy giụa; như nhiều người mô tả. Một khi Chúa kéo bạn, bạn sẽ vui lòng tự nguyện trao phó cuộc đời bạn cho Ngài.
Bạn sẽ hỏi tiếp rằng: “Nếu chúng ta không có khả năng tin Ngài, thì sao Ngài lại phán xét chúng ta? Nếu Chúa chủ động làm mọi thứ, thì đâu còn gì cho chúng ta làm nữa!” Đúng, Kinh Thánh cho chúng ta biết, con người vẫn phải chịu phán xét vì sự vô tín của mình, như được ký thuật trong câu này:
“Ai tin Con thì không bị kết án đâu, còn ai không tin thì đã bị kết án rồi, vì không tin đến danh Con Một của Đức Chúa Trời.” (Gi 3:18)
Chúng ta đã mang bản án tử kể từ khi lọt lòng mẹ, và bản án sẽ không được cất đi cho đến chừng nào chúng ta đặt đức tin nơi Chúa; còn nếu chúng ta không tin Ngài, thì bản án vẫn nằm yên trên cuộc đời chúng ta. Và Chúa có bất công không, khi Ngài lại phán xét những người không được Ngài tái sinh, không hề, vì chính những người đó thật lòng muốn chối bỏ Ngài. Họ hoàn toàn chịu trách nhiệm cho cuộc đời tội lỗi của mình. Sự chọn lựa, sự kêu gọi của Đức Chúa Trời và trách nhiệm của con người; hai thái cực này đều được dạy rõ ràng trong Kinh Thánh, chúng có thể mâu thuẫn trong bộ não giới hạn của chúng ta, nhưng chúng hoàn toàn hợp lý trong cái nhìn của Đức Chúa Trời.
Cuối loạt bài này, chúng ta sẽ thảo luận sâu hơn về quyền tể trị của Đức Chúa Trời và trách nhiệm của con người. Nhưng một lần nữa, tôi xin nhắc lại, con người được giao cho mạng lệnh phải ăn ăn và tin nhận Chúa Jesus, họ có trách nhiệm phải thờ phượng, tôn kính, đặt đức tin nơi Ngài. Nhưng cho đến cuối cùng, họ phải nhận biết rằng, mọi phẩm chất tin kính của họ, đều đến từ Đức Chúa Trời, nếu Chúa không kêu gọi, họ sẽ không có khả năng tin nhận Ngài.
Còn một câu hỏi nữa, đó là: “Làm sao tôi nhận biết là mình đã được Chúa gọi hay chưa?” Câu trả lời cũng rất đơn giản thôi, bạn nhận biết mình đã được gọi, khi bạn đã nghe và đón nhận Tin lành, khi bạn muốn trao trọn cuộc đời bạn vào tay Ngài, khi bạn muốn đặt đức tin nơi Đấng Christ, khi bạn muốn được Đấng Cứu Thế cứu rỗi. Một khi Ngài đã gọi, Ngài đồng thời đã ban cho bạn đức tin, vậy nên dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy Ngài đã gọi bạn, chính là bạn sẽ chân thành ăn năn và tin Ngài. Vì nếu không được Chúa gọi, thì bạn thậm chí chẳng thèm quan tâm đến Chúa đâu, huống hồ chi là tin Ngài. Xin Chúa mở trí, mở lòng chúng ta để nhận biết ân điển mầu nhiệm của Ngài, hầu cho chúng ta có cớ ca ngợi sự vinh hiển của ân điển Ngài.