top of page

Sự Chết Thuộc Linh



Sự Hư Hoại Của Con Người Nghiêm Trọng Thế Nào?


Chúng ta sẽ bắt đầu loạt bài học về giáo lý ân điển, dù hầu hết mọi cộng đồng cơ đốc đều tin rằng mình được cứu bởi ân điển. Nhưng khi đào sâu vào hai chữ “ân điển” để hiểu công trình cứu rỗi của Chúa từ đầu đến cuối là thể nào, thì Hội thánh lại chia thành hai luồng quan điểm chính được gọi là thần học Calvin và thần học Arminius. Nếu nói một cách ngắn gọn, thì hai nền thần học này khác nhau ở chỗ, một bên thì cho rằng sự cứu rỗi 100% là do nơi Chúa, một bên thì cho rằng có sự góp phần của con người vào trong sự cứu rỗi. Và với sự bày tỏ của Thánh Kinh, thần học cải chánh đã đi đến kết luận về sự cứu rỗi “Duy Ân Điển”. Trong loạt bài học về giáo lý ân điển này, chúng ta sẽ đi qua 5 kết luận mà John Calvin đã đề ra, và thường được nhắc đến qua chữ “TULIP” bao gồm: Total Depravity (Sự bại hoại hoàn toàn), Unconditional Election (Sự chọn lựa không điều kiện), Limited Atonement (Sự chuộc tội hữu hạn), Irresistable Grace (Ân điển không thể cưỡng lại), Perseverance of the Saint (Sự bền đỗ của thánh đồ).


Trong chủ đề lần này, chúng ta sẽ đi qua chữ đầu tiên trong TULIP, đó là Total Depravity. Sự hư hoại này là gì, nó đến từ nguyên nhân nào, nó ảnh hưởng như thế nào, chúng ta hãy dành trọn bài này để thảo luận về nó.


Đầu tiên, trước khi tìm hiểu sự hư hoại là gì, chúng ta cần phải biết sự hư hoại không phải là gì. Thứ nhất, nó không có nghĩa là con người không thể nhận biết về sự hiện diện của Đức Chúa Trời. 


“Vì những gì người ta có thể biết về Đức Chúa Trời thì đã rõ ràng, bởi Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho họ rồi. Những gì về Đức Chúa Trời mà mắt trần không thấy được, tức là quyền năng đời đời và thần tính của Ngài, thì ngay từ buổi sáng thế người ta đã nhận thức rõ ràng khi quan sát các tạo vật của Ngài; cho nên họ không thể bào chữa được” (Ro 1:19-20)

Thánh Kinh tiết lộ cho chúng ta biết rằng chính Chúa đã bày tỏ về sự tồn tại của Ngài qua thiên nhiên, các tạo vật. Con người có nhận biết sự hiện diện của một Đức Chúa Trời có thật qua việc quan sát công trình của tay Ngài.


Thứ hai, hư hoại hoàn toàn không có nghĩa là con người không thể phân biệt điều thiện và điều ác. Mỗi một con người đều ý thức, cảm nhận được những hành vi đạo đức, đều có những tiêu chuẩn đạo đức nhất định. Chúng ta hãy nhìn xung quanh mà xem, dù là quốc gia, dân tộc nào, sắc dân nào cũng đều nhận biết rằng giết người, trộm cướp, tà dâm, nói dối,… là vô đạo đức, là sai trái. 


Vậy sự hư hoại hoàn toàn là gì? Nó chính là sự chết thuộc linh của con người. Kể từ khi A-đam phạm tội, tội lỗi và sự đoán phạt của ông đã ảnh hưởng lên toàn nhân loại, không chừa một ai, tất cả mọi người đều bị sinh ra trong tội lỗi, tất cả mọi người đều chết, chết cả thuộc thể lẫn thuộc linh. Tất cả những điều đã được bày tỏ trong Kinh Thánh như sau:


“Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi đã vào trong thế gian, và bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã lan tràn đến mọi người vì mọi người đều đã phạm tội.”(Ro 5:12)

Có nhiều mục sư khi diễn giải phân đoạn Kinh Thánh này thì chỉ nghĩ đến sự chết thuộc thể, tuy nhiên, sự chết trong câu này hoàn toàn đúng với cả sự chết thuộc linh nữa. Sứ đồ Phao-lô trong thư Ê-phê-sô đã nhấn mạnh rằng:


“Anh em đã chết vì những vi phạm và tội lỗi của mình” (Eph 2:1)

Mặc dù những tín đồ nhận thư này vẫn đang còn sống trong thân xác, nhưng họ đã chết về thuộc linh vì những tội lỗi họ đã mang từ khi sinh ra. Có nhiều người không tin rằng con người sinh ra trong tội lỗi, điển hình như Charles Finney, ông không tin rằng con người bị ảnh hưởng nguyên tội của A-đam, nhưng điều này hoàn toàn không đúng với điều Kinh Thánh bày tỏ:


“Thật, con sinh ra trong sự gian ác, Mẹ con đã hoài thai con trong tội lỗi.” (Thi 51:5)


“Kẻ ác lầm lạc từ trong tử cung. Mới lọt lòng đã sai phạm, dối gian” (Thi 58:3)


Dù đến ngày nay, con người vẫn cứ tin rằng “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, thậm chí vài trường phái thần học cũng cho rằng con người có khả năng chọn sống thiện lành hay gian ác, nhưng chúng ta biết rằng trẻ em ngay từ khi sinh ra đã nhiễm nguyên tội từ A-đam truyền lại. Không cần ai dạy chúng phạm tội, nhưng từ nhỏ bản chất kiêu ngạo, muốn kiểm soát người khác của chúng đã thể hiện rõ đối với cha mẹ chúng. Tiên tri Giê-rê-mi cũng viết rằng:


“Lòng người ta là dối trá hơn muôn vật, Và rất là xấu xa. Ai có thể biết được?” (Gie 17:9)

Quả thật, con người là giống loài cực kỳ gian ác, lòng dạ gian trá, và bất cứ ai cũng là nạn nhân bị chính lòng dạ mình lừa dối. Nhà thần học Matthew Henry từng nói rằng: “Sâu thẳm bên trong con người luôn có một chỗ gian ác nào đó mà chính họ cũng không biết!” Thật đúng lắm thay! Nếu là một cơ đốc nhân lâu năm, chúng ta sẽ thường kinh nghiệm việc này khi nhìn lại quá khứ của mình. Tôi cũng vậy! Khi nhìn lại những hành động của mình trong quá khứ, tôi nhận ra, những hành động đó trông thì rất tốt lành, và thậm chí ở thời điểm đó tôi cũng nghĩ động cơ của mình là chân thật. Nhưng sau khi trải qua một thời gian bước với Chúa và được Ngài bày tỏ, tôi mới nhận ra hành động đó của tôi xuất phát từ động cơ kiêu ngạo, tập trung về mình chứ không nhằm tôn cao danh Chúa. Chúng ta thấy không? Có rất nhiều khi, chúng ta nghĩ mình đang suy nghĩ đúng, làm điều đúng, có động cơ đúng; nhưng thực chất đó là sự đánh lừa của tấm lòng gian ác của chúng ta mà thôi.


Những chia sẻ bên trên là những quan điểm phổ biến trong các hệ phái cơ đốc, nghĩa là hầu hết mọi người đều hiểu rằng con người là tội nhân, có nguyên tội và kỉ tội, mang sự chết trong mình bởi tội lỗi. Ai cũng đồng ý như vậy, vì đơn giản là nó đúng. Nhưng phần phía sau đây mới là phần gây tranh cãi, và cũng là phần đánh dấu sự khác biệt của niềm tin cải chánh đối với những niềm tin khác. Đó chính là câu hỏi, liệu con người có thể tự đến với Chúa được không? Liệu con người có thể tự chọn Chúa? Liệu đức tin của con người là tự có, hay là do được ban cho?


Để trả lời những câu hỏi này, ta phải quay lại câu Kinh Thánh bên trên:


“Anh em đã chết vì những vi phạm và tội lỗi của mình” (Eph 2:1)

Con người vốn dĩ đã chết về thuộc linh, xin nhắc lại là, ĐÃ CHẾT, là không thể nghe, không thể nhìn, không thể nói, không thể suy nghĩ, không thể làm gì cả. Ở một tình trạng như vậy, thì một xác chết có thể đáp ứng trước tin lành của Chúa, có thấy nước Trời, có tin nhận Chúa được hay không? Chúng ta đã từng là những “hài cốt khô” được mô tả trong Ê-xê-chi-ên:


Ngài dẫn tôi đi vòng quanh những hài cốt ấy. Kìa, có rất nhiều hài cốt trong thung lũng đó, và các hài cốt ấy rất khô. (Ex 37:2)

Mặc dù riêng phân đoạn ở đây nói rõ những hài cốt ấy là dân Do Thái, nhưng khi đọc đến Ê-phê-sô 2:5 “nên ngay khi chúng ta đã chết vì những vi phạm thì Ngài khiến chúng ta cùng sống với Đấng Christ”. Chúng ta thấy rằng chính chúng ta cũng ở trong số những người đã chết và được Chúa kêu sống lại. Trong cái nhìn kết hợp cả cựu ước và tân ước, chúng ta biết rằng những tín đồ Đấng Christ cũng là dân Do Thái thuộc linh, cũng là con cháu của Áp-ra-ham, và chính họ cũng là những hài cốt khô ở đây đã được Chúa kêu sống lại.


Đó là một hình ảnh đau thương, phũ phàng nhưng rất chính xác về tình trạng con người, họ là những xác chết. Họ không thể tìm kiếm Chúa, chẳng quan tâm gì đến Ngài, họ trong một tình trạng luôn luôn chống nghịch và từ chối Đức Chúa Trời, họ không thể tin vì xác chết vốn chẳng có đức tin. Chúng ta vẫn hay nghe nhiều nhà truyền giáo chia sẻ trong các buổi truyền giảng rằng: “Bạn đang vẫy vùng dưới nước, Đấng Christ chính là một cái phao được ném ra để cứu bạn, và bạn phải chụp lấy nó”. Nhưng điều đó không đúng, bạn không vẫy vùng, bạn đã chết, thậm chí chết trơ xương, bạn không thể chụp cái gì cả. Chúa phải cứu bạn, hoàn toàn là bởi Ngài, không có cái gọi là sự “hợp tác” trong sự cứu rỗi. Vì nếu Chúa không hành động, bạn sẽ là người mà Phao-lô mô tả như sau:


“Chẳng có một người nào hiểu biết, Chẳng có một người nào tìm kiếm Đức Chúa Trời” (Ro 3:11)

Bạn sẽ là một người kém hiểu biết, chạy xa khỏi Chúa, chỉ quan tâm đến bản thân mình mà thôi. Đó là lời của sứ đồ, thế còn lời của chính Chúa Jesus của chúng ta thì sao:


“Nếu Cha, là Đấng đã sai Ta, không kéo đến thì không ai có thể đến với Ta, và Ta sẽ làm cho người ấy sống lại trong ngày cuối cùng” (Gi 6:44). 

Đây không phải là lời của John Calvin, không phải là lời của Martin Luther hay là Augustine, nhưng đây là lời của Chúa Jesus Christ. Chữ “kéo” ở đây không có nghĩa là Chúa dùng một thứ gì đó để cuốn hút, hấp dẫn tội nhân đến với Ngài; nhưng “kéo” ở đây nghĩa là lôi kéo, lôi xềnh xệch một cách mạnh mẽ, nó giống như cảnh tội phạm bị lôi đến tòa án vậy. Chúa kéo chúng ta đến với Con Ngài một cách mạnh mẽ và quyết đoán. Bởi vì xu hướng thông thường của con người là chạy xa khỏi Ngài, chối bỏ Lời Ngài, dù những người trong câu này là một số rất đông người đã đến với Chúa, nhưng họ không đến với Ngài vì Ngài, họ đến vì chính mình. Và khi họ nghe Chúa bày tỏ sự thật về Ngài, lẽ dĩ nhiên họ sẽ bỏ về khi nhận ra Chúa không phải là người họ tìm kiếm.


Chúng ta mang một bản chất chết chóc, hai tai đã điếc trước những sứ điệp phúc âm, mắt mù lòa trước vinh quang của Nước Trời, tấm lòng chai đá trước Đấng Christ Jesus. Vì vậy, việc tự chúng ta có thể hiểu phúc âm, hiểu biết Chúa và đáp ứng tin nhận Chúa là điều bất khả thi. Vì vậy, đức tin của chúng ta chính là một món quà từ nơi Chúa, Ngài là tác giả của đức tin, Ngài tạo ra đức tin trong chúng ta, và chính Ngài sẽ tỉa sửa, hoàn thiện đức tin đó như thư Hê-bơ-rơ đã chép:


“Hãy nhìn xem Đức Chúa Jêsus, Đấng khởi nguyên và hoàn tất của đức tin, là Đấng vì niềm vui đặt trước mặt mình, vui chịu thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện đang ngồi bên phải ngai Đức Chúa Trời”(He 12:2)  

Hãy cảm ơn Chúa khi chúng ta đã được chính Chúa kéo đến, trong lúc mỗi chúng ta còn đang chạy xa khỏi Ngài, chúng ta không xứng đáng, vì tình yêu và sự thương xót của Ngài, Ngài đã kéo chúng ta bởi sự kêu gọi thánh của Ngài. Ngài cho chúng ta lỗ tai thuộc linh để nghe hiểu tin lành, ban cho chúng ta tấm lòng “bằng thịt” và cất lòng “bằng đá” ra khỏi chúng ta. Ngài kêu chúng ta sống lại từ cõi chết, ban Con Ngài chết thế chúng ta, tha tội cho chúng ta và làm hòa chúng ta với Đức Chúa Trời.


Đây là lẽ đạo đang bị phớt lờ đi trong rất nhiều Hội thánh lớn trên thế giới, cộng với những triết lý, những danh ngôn tôn vinh con người, nhiều giáo sư giả như Joel Osteen, Joyce Meyer,… đã và đang thao túng và lừa dối nhiều người, và chính những tín đồ ngồi trong những nhà thờ đó cũng không biết mình là nạn nhân. Họ giảng rằng con người từ sâu bên trong vẫn chứa những điều tốt lành, thánh thiện, thậm chí Joel Osteen có lần còn nói rằng 99.9% những người trong xã hội này không phải là người xấu. Wow! Những giáo sư giả thích dỗ ngọt tín đồ của họ, giăng bẫy họ và rồi cuối cùng sẽ hủy diệt họ. Xin Chúa giữ chúng ta đừng bao giờ quên bản chất gian ác của mình, để từ đó chúng ta chân thành biết ơn Chúa đã đoái thương và cứu chuộc chúng ta.

Sống Lại Thời Cải Chánh

©2024 Reformed VTM All Rights Reserved

bottom of page