![](https://static.wixstatic.com/media/edbf0d_e5c1551e2f504e9884dcacb1e7f39c54~mv2.jpg/v1/fill/w_980,h_551,al_c,q_85,usm_0.66_1.00_0.01,enc_auto/edbf0d_e5c1551e2f504e9884dcacb1e7f39c54~mv2.jpg)
Trong chủ đề này, chúng ta sẽ cùng bàn luận đến chữ thứ 5 của TULIP, đó là “P”: Perserverance of Saints- Sự bền đỗ của thánh đồ. Chữ “P” này dạy cho chúng ta về sự cứu rỗi được bảo toàn đời đời. Đây là một lẽ đạo được bày tỏ vô cùng rõ ràng trong Kinh thánh, cũng là một lẽ đạo khiến chúng ta sấp mình biết ơn Chúa, Đấng Cứu Rỗi chúng ta. Những cơ đốc nhân thật, những thánh đồ đã được chuộc mua bởi huyết báu Jesus, sẽ giữ đức tin đến cuối cùng, họ có thể sẽ sa ngã một cách nghiêm trọng, như cách mà sứ đồ Phi-e-rơ chối Chúa, nhưng cũng tương tự như Phi-e-rơ, họ sẽ trở lại, vì chính Chúa kéo họ trở lại. Một khi tội nhân đã được cứu, một khi Chúa đem một con chiên lạc trở về, thì Ngài canh giữ chúng cẩn thận, cầu thay cho chúng, nuôi dưỡng và thánh hóa chúng.
Sa-tan muốn giày đạp lẽ đạo này bằng nhiều cách, bằng chứng là chúng ta vẫn thấy nhiều mục sư, diễn giả vẫn cho rằng sự cứu rỗi có thể bị mất nếu người đó phạm tội sa ngã, và họ đặt những câu hỏi chất vấn rằng: “Nếu sự cứu rỗi không thể mất, vậy thì tôi có quyền phạm tội thỏa thích đúng không?”, “Nếu sự cứu rỗi không thể mất, vậy tại sao có nhiều người lui đi và chối bỏ đức tin, mặc dù ngày trước họ rất sốt sắng?”
Trước tiên, chưa cần tới việc trưng dẫn Kinh thánh, chúng ta hãy suy xét xem nếu sự cứu rỗi có thể bị mất, thì những chuyện gì vô lý gì sẽ xảy ra! Thứ nhất, Chúa Jesus không phải Đấng Cứu Thế, vì Ngài cứu chiên lạc trở về nhưng lại để xổng mất, mà nếu xổng mất, không lẽ Ngài lại phải đi tìm con chiên đó lần nữa, mà không chỉ một con, mà là tất cả con chiên, nếu Chúa không giữ chúng, chúng sẽ lại xổng mất, vậy Ngài chẳng cứu được ai cả sao?
Thứ hai, một khi chúng ta được cứu, nghĩa là chúng ta đã được Thánh Linh tái sinh rồi, nghĩa là chúng ta có 3 ngôi Đức Chúa Trời ngự trong chúng ta. Nếu chúng ta vì phạm tội mà để mất sự cứu rỗi, thì chẳng lẽ Thánh Linh lại phải chờ chúng ta ăn năn rồi lại tái sinh chúng ta lần nữa à? Trong đời một Cơ đốc nhân phạm tội và phải ăn năn vô số lần, vậy là Thánh Linh lại phải tái sinh chúng ta liên tục hay sao? Và nếu vậy, hễ khi nào cơ đốc nhân phạm tội, Chúa lại ra khỏi chúng ta, khi nào chúng ta ăn năn, Ngài lại quay trở vào hay sao? Quá nhảm nhí!
Thứ ba, nếu sự cứu rỗi dễ bị mất như vậy, thì khác nào cả công trình cứu rỗi mà Chúa định từ trước sáng thế, thực ra chỉ là thứ vô dụng à, sau khi Chúa Jesus chết để cứu chuộc, Ngài lại đặt tất cả vào tay con người (một tạo vật tội lỗi dễ thay đổi) định đoạt sao? Và nếu hễ phạm tội là mất cứu rỗi, thì lẽ dĩ nhiên chúng ta phải tự giữ sự cứu rỗi bằng cách tuân giữ luật pháp, làm theo Lời Chúa đúng không, thế hóa ra chẳng phải đó là sự cứu rỗi bằng việc làm hay sao? Lẽ đạo “sự cứu rỗi có thể bị mất” có thể đạp đổ Tin lành mà Chúa Jesus cùng các sứ đồ đã rao giảng, không những rao giảng, họ còn chết cho cả Tin lành đó.
Một khi đã đi qua 4 chữ cái đầu của TULIP, chúng ta sẽ thấy một sự thật rõ ràng, đó là sự cứu rỗi sẽ còn lại đến đời đời, nó không thể mất. Vì từ trước sáng thế, Chúa đã chọn chúng ta để ban cho sự cứu rỗi, Ngài ban Con Ngài đến để gánh một sự phán xét, một sự thịnh nộ kinh khiếp thay cho những người được cứu, Đức Thánh Linh tái sinh tội nhân, để cho họ kinh nghiệm sự cứu rỗi. Một chương trình cứu rỗi vĩ đại như vậy không thể cuối cùng lại được định đoạt bởi con người – một tạo vật giới hạn, yếu đuối, chống nghịch, gian ác, dối trá.
Nếu chúng ta đã được học về các thuộc tính của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ biết Chúa là Đấng Tuyệt Đối, hoặc là Ngài làm hết mọi thứ, hoặc là Ngài không làm gì cả. Ngài không phân chia công việc của Ngài cho con người, như cách người ta hay giảng dạy: Chúa làm 99%, để con người làm nốt 1% còn lại. Chúa của Kinh thánh không phải là Đấng như vậy. Tương tự như công cuộc sáng tạo, trong sự cứu rỗi, Chúa là Đấng làm tất cả mọi thứ, Chúa định, Chúa chuộc tội, Chúa gọi, Chúa tái sinh, Chúa xưng công chính, Chúa làm cho vinh hiển; con người không đóng góp bất cứ một điều gì vào sự cứu rỗi cả, chính vì vậy, con người cũng không thể tự mình làm mất sự cứu rỗi.
Chúng ta đã biết đức tin và sự ăn năn của con người là món quà từ Chúa, nó vốn dĩ không do chúng ta tạo ra, hay đạt được. Và một lẽ đương nhiên, chúng ta không thể đánh mất thứ vốn không phải là của chúng ta. Chúa ban cho đức tin thì chỉ Chúa mới có quyền cất đi hoặc giữ lại. Nhưng theo sự bày tỏ của Thánh Kinh, Chúa sẽ giữ lại đức tin cho đến cuối cùng. Dù rằng trong thực tế, chúng ta sẽ tranh đấu cho niềm tin, chúng ta sẽ gặp nhiều bắt bớ chỉ vì giữ niềm tin, vì đức tin nơi Đấng Christ, chúng ta sẽ bị người đời chế nhạo, khinh khi, tẩy chay. Chúng ta sẽ làm mọi thứ để không phản bội Chúa như Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, nhưng sau cùng, chúng ta phải biết, chúng ta có thể làm được mọi điều đó, là nhờ chính Chúa Jesus đã giữ chúng ta.
Đó chỉ là những lập luận mà một người chỉ cần hiểu một chút về logic, đã có thể phản biện lại được. Còn Kinh thánh thì bày tỏ thế nào, tôi sẽ đi qua từng câu và sẽ giải thích ngay bên dưới câu đó:
“Ta ban cho chúng sự sống đời đời, chúng chẳng hư mất bao giờ, và chẳng ai cướp được chúng khỏi tay Ta. Cha Ta, Đấng vĩ đại hơn tất cả, đã cho Ta những chiên ấy, và chẳng ai cướp được chúng khỏi tay Cha.” (Gi 10:28-29)
Tội nhân được cứu, là những người được hưởng sự sống đời đời, không phải là sự sống tạm thời. Chúa Jesus nhiều lần tự xưng Ngài là Bánh Hằng Sống, là Nước Hằng Sống, ai đến cùng Ngài sẽ chẳng bao giờ đói khát nữa. Nếu sự cứu rỗi có thể bị mất tùy vào những nỗ lực của con người, nghĩa là Ngài chẳng phải là bánh hằng sống gì cả, sự sống đời đời trở nên vô nghĩa, vì người nhận nó có thể trở về tình trạng hư mất. Giăng 3:16 đã nói rõ, “ai tin thì CHẲNG BỊ HƯ MẤT, nhưng được sự sống đời đời”
“Thật, Ta bảo thật các ngươi, ai nghe lời Ta và tin Đấng đã sai Ta thì được sự sống đời đời và không bị phán xét, nhưng vượt khỏi sự chết mà vào sự sống”. (Gi 5:24)
Câu này tương tự như câu trên, nhưng mô tả rõ hơn về những người sẽ tin Ngài, đó là những người đã được giải thoát khỏi sự chết và đã kinh nghiệm sự sống. Chúng ta tin rằng một khi đã được Chúa giải phóng khỏi cái chết thuộc linh giam cầm chúng ta bao nhiêu lâu nay, chắc chắn sự chết không quyền gì trên chúng ta. Nếu tin rằng sự cứu rỗi có thể mất nếu chúng ta phạm tội, thì nghĩa là chúng ta sẽ liên tục sống rồi lại chết, rồi lại sống trở lại, cũng giống như chúng ta đang ở đường hẹp, hễ phạm tội thì chúng ta lại nhảy qua đường rộng, rồi nếu ăn năn chúng ta lại nhảy trở lại về đường hẹp sao? Quá nhảm nhí phải không?
“Vì tôi đoan chắc rằng dù sự chết, sự sống, các thiên sứ, các bậc cầm quyền, việc hiện tại, việc tương lai, các quyền lực, chiều cao, chiều sâu, hoặc một tạo vật nào cũng không thể phân rẽ chúng ta khỏi tình yêu thương của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Jêsus, Chúa chúng ta.” (Ro 8:38)
Câu này của sứ đồ Phao-lô tương tự như câu của sứ đồ Giăng trong Gi 13:1 “Ngài đã yêu thương những người thuộc về mình trong thế gian thì yêu cho đến cuối cùng”. 2 câu này đều công bố một lẽ thật chắc chắn: Những người Ngài đã biết trước từ trước khi sáng thế, Ngài đã quyết định có một mối liên hệ yêu thương với những người được chọn của Ngài, và Kinh thánh khẳng định rằng không có một thế lực nào, không có một việc hiện tại hay tương lai nào có phân rẽ chúng ta khỏi mối liên hệ cứu rỗi trong Đấng Christ. Việc hiện tại hay việc tương lai cho ta thấy, dù đời sống theo Chúa của chúng ta có phạm tội, thậm chí tội nặng như Phi-e-rơ chối Chúa đi nữa, thì Ngài cũng có cách bảo toàn đức tin chúng ta, không những bảo toàn, Ngài còn hoàn thiện đức tin chúng ta, vì chính Chúa Jesus là tác giả của đức tin chúng ta.
“là những người nhờ đức tin được gìn giữ bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, để nhận sự cứu rỗi là điều sẵn sàng bày tỏ ra trong thời kỳ cuối cùng” (I Phi 1:5)
Câu Kinh thánh có nghĩa rằng những cơ đốc nhân sẽ được bảo vệ bởi quyền năng Đức Chúa Trời, Ngài bảo vệ chúng ta bằng chính đức tin mà Ngài đã ban cho. Đúng vậy, cho nên hễ ai chất vấn: “Nếu Chúa giữ sự cứu rỗi vậy thì tôi sống sao cũng được!”, thì không phải tôi, nhưng chính sứ đồ Phi-e-rơ sẽ trả lời họ rằng: “Chúa sẽ giữ chúng ta bằng đức tin của chúng ta, Ngài không bao giờ để chúng ta mất đức tin”, vì vậy chuyện ai sống sao cũng được chỉ là chuyện tưởng tượng mà thôi, vì Chúa không bao giờ cho phép chuyện đó xảy ra, ngược lại, Chúa sẽ liên tục tôi luyện đức tin chúng ta ngày càng trở nên mạnh mẽ, để ngày cuối cùng, chúng ta có cớ ca ngợi Đức Chúa Trời vinh hiển.
“Anh em chớ làm buồn cho Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì nhờ Ngài anh em được ấn chứng đến ngày cứu chuộc” (Eph 4:30)
Những câu Kinh thánh trên chỉ về công tác bảo vệ của Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con, còn đây là câu chỉ về công tác của Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh chính là Đấng bắt đầu cuộc đời cơ đốc nhân, chính Đức Thánh Linh đã đem tin lành đến với chúng ta qua những thánh đồ Ngài, qua Lời Ngài. Chính Đức Thánh Linh đã kêu gọi chúng ta cách cá nhân, Ngài kêu chúng ta sống lại từ kẻ chết, tái sinh chúng ta, ban cho chúng ta lỗ tai thuộc linh để hiểu tin lành, ban cho chúng ta đức tin và sự ăn năn để cứu rỗi chúng ta, và chính Ngài sẽ là Đấng làm chứng rằng chúng ta đã được cứu, được thuộc về Thiên Quốc.
“Giu-đe, đầy tớ của Đức Chúa Jêsus Christ và là em của Gia-cơ, gửi cho những người được kêu gọi, được Đức Chúa Trời, là Cha, yêu thương, và được Đức Chúa Jêsus Christ gìn giữ.” (Giu 1)
Đây chỉ là một số ít những câu Kinh thánh bày tỏ lẽ đạo rõ ràng này, những người được cứu là những người được Đức Chúa Cha chọn lựa, được Đức Chúa Con tuôn huyết báu ra để chuộc tội, được Đức Thánh Linh tái sinh. Một khi Cha đã chọn, thì Ngài sẽ không bỏ quên người đó; một khi Con đã chuộc tội, thì Ngài sẽ không để bất cứ giọt máu nào của Ngài phải uổng phí; một khi Đức Thánh Linh đã tái sinh, thì Ngài sẽ không để người đó phải chết thêm một lần nào nữa. Người được cứu sẽ được 3 ngôi Đức Chúa Trời gìn giữ, bảo vệ, để cuối cùng họ sẽ hiện diện trong vương quốc của Ngài.
Người được Chúa bảo toàn cho sự cứu rỗi không phải là người thụ động hay hâm hẩm trong đức tin, ai nghĩ như vậy chứng tỏ họ chưa hiểu sự cứu rỗi của Ngài, vì sao? Chúng ta hãy cùng xem vài câu Kinh thánh sau đây:
“Ngay cả trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, để chúng ta được thánh hóa và không chỗ chê trách trước mặt Ngài” (Eph 1:4) => Ngài chọn chúng ta, là để chúng ta được thánh hóa và không chỗ trách được, vì vậy, nếu chúng ta được Chúa chọn, chúng ta sẽ không thụ động trong nếp sống cơ đốc, ngược lại, chính Ngài sẽ nhào nặn, tỉa sửa, uốn nắn cuộc đời chúng ta để khiến chúng ta trở nên giống Con Ngài.
“Sự tin đạo thuần khiết, không hoen ố trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là thăm viếng trẻ mồ côi, người góa bụa trong cơn hoạn nạn của họ, và giữ mình khỏi sự ô uế của thế gian.”(Gia 1:27) => Đức tin thuần khiết, là một đức tin sống động trong kết quả của nó, người có đức tin là người giữ mình khỏi sự ô uế của thế gian, họ sẽ tiếp tục tìm cầu Đấng Christ, chăm xem Lời Ngài, nhìn biết Ngài và đeo đuổi sự công chính của Ngài.
“Ân điển đó dạy chúng ta từ bỏ sự không tin kính và dục vọng trần gian để sống một cách tiết độ, công chính và tin kính trong đời nầy, đang khi chờ đợi niềm hi vọng phước hạnh và sự xuất hiện vinh quang của Đức Chúa Trời vĩ đại, cũng là Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ, là Đấng đã hi sinh vì chúng ta để chuộc chúng ta khỏi mọi gian ác, và tinh luyện chúng ta thành một dân thuộc riêng về Ngài, là dân sốt sắng làm các việc lành” (Tit 2:12-14) => Câu Kinh thánh rất rõ ràng, ân điển cứu chuộc chúng ta dạy chúng ta sống tin kính, tiết độ và công chính trong đời này, với một niềm hy vọng hiện hữu trong tương lai. Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi tội lỗi, điều ác, rèn luyện chúng ta trở thành một dân “sốt sắng làm các việc lành”.
Không ai được cứu xong lại trở nên thụ động trong đức tin, ngồi yên một chỗ rồi phó mặc cho Chúa, cơ đốc nhân là những người sống động, sốt sắng làm các việc công chính, đeo đuổi học biết ý muốn Chúa, mưu cầu sự thánh khiết. Có thể tiến trình mỗi người sẽ nhanh, chậm khác nhau; nhưng chính Chúa mới là Đấng hành động, để biến chúng ta từ những hài cốt khô, trở nên một tạo vật mới, sống động và có ý nghĩa.
Dù có thể chúng ta không hiểu hết 5 luận điểm Calvinism, nhưng đó là điều Kinh thánh bày tỏ. Chúng ta cần hiểu những thuộc tính của Đức Chúa Trời mới có thể hiểu sự cứu rỗi của Ngài, và đồng thời qua sự cứu rỗi được bày tỏ, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về Chúa của chúng ta. Cho đến cuối cùng, tất cả mọi người được xưng công chính sẽ quăng mão miện mình xuống và tung hô: “Sự cứu rỗi thuộc về Chúa!”