top of page

Quan Điểm Của Tiến Sĩ Martyn Lloyd-Jones Về Sự Kêu Gọi Bước Lên Tin Chúa




Chúng ta phải rao giảng Lời Chúa, và nếu chúng ta làm đúng như vậy, sẽ có một lời kêu gọi xác quyết trong sứ điệp dành cho người nghe, và sau đó chúng ta phải tin rằng Đức Thánh Linh toàn quyền hành động trên họ.


Đầu những năm 1970, Tiến sĩ Martyn Lloyd-Jones là diễn giả tại một hội nghị bộ trưởng ở Hoa Kỳ và trong một phiên chất vấn, người ta đã hỏi ông vài câu hỏi sau:


“Trong những năm gần đây, đặc biệt là ở Anh Quốc, trong số những người theo Tin Lành Cải chánh, ngày càng có nhiều lời chỉ trích về hệ thống kêu gọi bước lên tin Chúa do Billy Graham và nhiều người khác áp dụng. Vậy thưa ông, Kinh Thánh có sự dạy dỗ như thế nào cho cách thức kêu gọi bước lên tin nhận như vậy hay không?”


Ông trả lời: “Ồ, thật khó để trả lời điều này một cách ngắn gọn mà không dẫn đến sự hiểu lầm. Hãy để tôi trả lời nó như thế này: Lịch sử của hệ thống kêu gọi bước lên tin Chúa là một lịch sử mà các bạn phải quen thuộc hơn bất kỳ ai khác, bởi vì nó bắt đầu ở Mỹ. Nó bắt đầu vào những năm 1820; người khởi xướng đầu tiên là Charles G. Finney. Điều này đã dẫn đến một cuộc tranh cãi lớn. Asahel Nettleton, một người theo chủ nghĩa Calvin thuần túy và là nhà truyền bá Phúc Âm, ông không bao giờ đưa ra “lời kêu gọi bước lên tin Chúa” hay yêu cầu mọi người rời khỏi chỗ ngồi mà đến phía trên. Những cách thức lạ này được đem vào đầu những năm 182O và đã bị lên án vì nhiều lý do bởi tất cả những người theo Thần Học Cải Chánh.”


Một lý do nữa là không có bằng chứng nào cho thấy điều này đã được thực hiện trong thời Tân Ước, bởi vì khi đó các môn đồ đã hoàn toàn tin cậy vào quyền năng của Đức Thánh Linh. Để tôi đưa ra ví dụ, Phi-e-rơ rao giảng vào Ngày Lễ Ngũ Tuần dưới sự vận hành của Đức Thánh Linh, không cần phải đưa ra bất cứ lời kêu gọi quyết định hay lựa chọn nào, vì họ đã cảm động và bị tác động bởi quyền năng của Lời Chúa và của Đức Thánh Linh đến nỗi họ phải thốt lên và ngắt lời nhà truyền giáo rằng,

"Hỡi anh em, chúng ta phải làm chi?" (Công vụ 2:36).

Đó là câu trả lời của Kinh Thánh dành cho vấn đề đang được đặt ra. Một khi bạn bắt đầu thêm vào một điều gì đó trong cách truyền giáo mà Kinh Thánh không đề cập, thì bạn thường muốn đưa vào yếu tố tâm lý để thao túng ý chí người nghe. Kinh Thánh không dạy như thế. Nhưng khi truyền giảng, sự kêu gọi phải ẩn trong sứ điệp rao giảng. Chúng tôi tin Đức Thánh Linh vận hành trong sứ điệp, vì vậy chúng tôi cũng tin nơi quyền năng của Ngài. Cá nhân tôi không đồng ý với hệ thống kêu gọi bước lên tin Chúa như Billy Graham sử dụng. Tôi chưa bao giờ mời gọi mọi người tiến về phía trước để tin Chúa; vì có một mối nguy hiểm to lớn khi mọi người tiến lên trước khi họ thật sự được Đức Thánh Linh tác động bên trong. Chúng tôi tin vào công tác của Đức Thánh Linh, đó là Ngài làm cho người nghe Phúc Âm bị cáo trách và được tái sanh, và Ngài sẽ thực hiện công việc của Ngài. Có một mối nguy hiểm luôn tiềm tàng trong việc đưa mọi người tiến lên cầu nguyện tin Chúa và tuyên bố họ thuộc gia đình của Đức Chúa Trời trước khi họ thực sự sẵn lòng cho việc đó.


Đặc biệt, những nhà truyền giáo thuộc Thanh Giáo e ngại cái mà họ gọi là “đức tin nhất thời” hoặc “một lời tuyên xưng giả”. Trong số đó có Thomas Shepard, người đã xuất bản một loạt bài giảng nổi tiếng về Mười người nữ đồng trinh. Điều tuyệt vời của cuốn sách đó là đã giải quyết vấn nạn về Lời tuyên xưng giả. Những trinh nữ dại dột nghĩ rằng họ ổn cả. Đây là một mối nguy hiểm rất lớn.


Tôi có thể tóm tắt nó như thế này: Tôi cảm thấy rằng việc tạo ra áp lực để buộc mọi người phải quyết định bước lên tin Chúa đến từ men vô tín, tức là không tin vào cách mà Đức Thánh Linh vận hành. Chúng ta buộc phải rao giảng Lời Chúa, và nếu chúng ta làm đúng như thế, luôn có một lời kêu gọi để người nghe có một quyết định bên trong tấm lòng được ẩn chứa trong sứ điệp rao giảng, và sau đó chúng ta tin Đức Thánh Linh hành động trên người nghe. Và tất nhiên đó là điều Ngài làm vì Kinh Thánh cho biết như thế. Ngay sau khi sứ điệp truyền giảng kết thúc, một số người có thể đến gặp trực tiếp với người truyền giáo để cần sự giúp đỡ. Tôi nghĩ nhà truyền giáo ấy sẽ rất vui khi thấy bất kỳ ai muốn đặt câu hỏi cho ông ấy hoặc muốn được giúp đỡ thêm. Nhưng đó là một điều rất khác so với việc gây áp lực nhằm thao túng tâm lý để người nghe buộc phải tiến lên. Tôi cảm thấy thật dại dột khi gây áp lực trực tiếp lên ý chí của họ. Thứ tự trong Kinh Thánh dường như là thế này – Chân Lý được trình bày trong tâm trí, điều đó làm lay động tấm lòng, và chính sự lay động tấm lòng đó tiếp tục làm lay động ý chí. Vinh hiển thuộc duy Đức Chúa Trời, A-men!

Sống Lại Thời Cải Chánh

©2024 Reformed VTM All Rights Reserved

bottom of page