top of page

Phước Của Cơ Đốc Nhân Là Gì?

Lê Chánh Trung



Phần 1: “Phước đời tạm” hay “Phước đời đời”?


Chữ “phước” hay “phước lành” hay “phước hạnh” có lẽ là từ ngữ ta nghe rất nhiều trong đời sống hằng ngày, người ta dùng thường xuyên đến nỗi nó thành câu cửa miệng: “Con bé này vớ phải thằng chồng giàu có phước ghê”, hoặc “tưởng gặp tai nạn chết rồi mà giờ không sao, có phước ghê”. Và trong cộng đồng Cơ đốc mọi người vẫn thường xuyên chúc phước nhau, đó là một thói quen rất tốt, rất đẹp của người Cơ đốc; nó thể hiện tấm lòng chúng ta biết ơn Chúa là Nguồn Phước, Đấng ban phước cho con cái Ngài.


Tuy nhiên, liệu chữ “Phước” của người Tin lành có khác với chữ “Phước” của người ngoại, liệu Chúa của chúng ta cũng ban cùng một loại “phước” giống như các thần của họ? Chưa kể đến chuyện “Phước” là một khái niệm tương đối, nghĩa là mỗi người có 1 góc nhìn riêng, một định nghĩa riêng; có thể đó là phước của người này nhưng là họa của người kia.


Nhưng nhìn chung, khi chúng ta nghĩ đến một thứ tích cực nào đó vượt quá mong đợi của mình, vượt quá nhu cầu, suy tưởng của mình, đem lại một sự thỏa lòng, một niềm vui lớn lao thì chúng ta thường định nghĩa nó bằng một từ: “Phước”.


Bài viết này đề cập đến chữ “Phước” theo định nghĩa của Thánh Kinh, để xem phước của người Tin lành khác với phước của người ngoại thế nào. Vì theo quan sát cá nhân tôi thấy đa phần người Tin lành chúng ta quan niệm về “phước” giống y như người thế gian, đó là những “phước đời tạm” như: công việc ổn định, gia đình hòa thuận, tài sản sung túc, cuộc sống êm ấm, bình an, không gặp tai họa nào, mọi chuyện đều theo ý mình muốn, được người khác tôn trọng, khen ngợi, có danh tiếng tốt….


Và để tôi chia sẻ cho bạn cách để trắc nghiệm đời sống của mình đang đúng hay đang sai: đó là hãy xét lại xem quan niệm, mục đích sống, động cơ thôi thúc mình, lối suy nghĩ của mình có giống với người ngoại hay không. Vì nếu nói rằng Lời Chúa là chân lý mà người thế gian (con cái ma quỷ) không có chân lý vẫn có thể có lối sống giống như người Cơ đốc (con cái Chúa) có thì phải có vấn đề, đúng không?



Kinh Thánh nói rằng:


Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu (Cong 4 :12).

Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi (Gi 14:27)

Nếu chỉ có một sự cứu rỗi duy nhất, một chân lý duy nhất, thì không thể có chuyện C sống với mong muốn, động cơ, lối suy nghĩ y như người ngoại, vì chúng ta với thế gian hoàn toàn khác nhau, một bên ở trong sự sáng, một bên ở trong bóng tối. Và vì vậy, cách chúng ta suy nghĩ; nhận thức về cuộc đời, xã hội, các mối liên hệ ; cách chúng ta yêu thương nhau, giúp nhau ; cách chúng ta kiếm tiền, tiêu tiền cũng phải khác người thế gian. Vì chúng ta là những người được Chúa chọn lựa ra khỏi thế giới này, thế giới này nằm trong tay ma quỷ, còn chúng ta nằm trong tay Chúa. Chúng ta hướng về cõi đời đời, còn họ hướng về đời tạm.


Rất nhiều phân đoạn Kinh Thánh phân tích về sự phân biệt rạch ròi giữa con của sự sáng và con của sự tối tăm:


“Đừng khuôn rập theo đời nầy, nhưng phải được biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí mình, để phân biệt đâu là ý muốn tốt đẹp, vừa lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời” (Ro 12:2)

“Nếu các con thuộc về thế gian thì thế gian hẳn yêu thương những người thuộc về mình. Nhưng vì các con không thuộc về thế gian, và Ta đã lựa chọn các con từ giữa thế gian, nên thế gian ghét các con” (Gi 15:19)


Nếu chúng ta chỉ có sự trông cậy trong Đấng Christ về đời nầy mà thôi, thì trong cả mọi người, chúng ta là kẻ khốn nạn hơn hết. (I Cor 15:19)


Lời Chúa dạy rằng chúng ta không thuộc về đời này, chúng ta đã được Chúa chọn lựa giữa thế gian. Chúng ta trông cậy Chúa, chứ không trông cậy vào tiền của, con người, danh tiếng như người ngoại. Vì vậy, nếu lâu nay bạn hình dung phước hạnh là những chuyện tạm bợ ở thế giới này, là: có được điều mình muốn, được yêu, được chú ý, được tôn trọng, được công nhận bởi người khác thì mong bạn hãy xem lại, vì phước hạnh của người Cơ đốc lớn hơn những điều đó rất nhiều.


Thành thật mà nói, nếu chúng ta trông cậy vào những phước hạnh tạm bợ, mong muốn sống trong cuộc đời để ai cũng yêu thương mình, tôn trọng mình là một chuyện viễn tưởng. Vì để sống cho đúng một Cơ đốc nhân theo Lời Chúa không thể có chuyện “tốt đời-đẹp đạo” như người ta vẫn nói, nghĩa là ở trong nhà thờ ai cũng thương, cũng quý mến; ra ngoài xã hội ai cũng thương, cũng quan tâm. ĐÓ LÀ CHUYỆN KHÔNG THỂ CÓ. Vì chúng ta là con cái sáng láng, mà thế gian thì ghét và không tiếp nhận sự sáng, cho nên họ sẽ ghét chúng ta theo như Lời Chúa đã báo trước.


Khi nào chúng ta còn mong đợi phước hạnh theo kiểu sống ở đâu cũng được mọi người thương, cũng có người làm chứng tốt về mình như những điều mà người thế gian tìm kiếm, thì mong chúng ta đừng quên Chúa Jesus của chúng ta bị ghét nhiều nhất, bị phản bội, bị nói xấu, bị sỉ nhục, xúc phạm, bêu xấu nhiều nhất. Thành thật mà nói, không có một Cơ đốc nhân nào mang tiếng xấu nhiều như Cứu Chúa của chúng ta. Trải qua vài chục thế kỷ, họ vẫn mỉa mai Chúa, và lấy cái tên Jesus ra làm trò cười để giễu cợt. Nhưng Đức Chúa Cha đẹp lòng hoàn toàn về Chúa Jesus.


Cho nên là Cơ đốc nhân hãy tập cho mình cách tư duy, suy nghĩ giống như Chúa nghĩ, tập định nghĩa lại mọi thứ về cuộc đời, thẩm định lại phước hạnh theo góc nhìn của Thánh Kinh, rèn tập đời sống như Chúa đã sống, vui với những điều Chúa vui, buồn với những điều Chúa buồn. Và khi chúng ta tập luyện những điều đó, chúng ta sẽ bị ghét, bị khinh bỉ, bị cười cợt như Chúa đã, đang, và sẽ bị như vậy. Và lúc đó chúng ta sẽ kinh nghiệm thế nào là “trò không hơn Thầy, tôi tớ không hơn Chủ”.



“Thật, tất cả những người muốn sống cuộc đời tin kính trong Đấng Christ Jesus đều sẽ bị bắt bớ”(II Tim 3:12)


Phần 2: Cơ đốc nhân ĐÃ NHẬN ĐỦ mọi phước hạnh! (Eph 1:3; II Phi 1:3-8)


Nếu hỏi rằng C có phước không thì chắc chắn ai cũng trả lời là có (dù có thật sự kinh nghiệm phước hay chưa thì ta chưa biết). Nhưng nếu hỏi rằng: “Chúa đã ban phước, đang ban phước, hay sẽ ban phước cho người tin Ngài?”, có thể sẽ có vài người lúng túng không biết trả lời thế nào.


Kinh Thánh đã giải đáp cho chúng ta câu hỏi này rất rõ ràng:


“Chúc tụng Đức Chúa Trời, Cha của Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ, Ngài ĐÃ ban cho chúng ta trong Đấng Christ MỌI PHƯỚC HẠNH thuộc linh ở các nơi trên trời” (Eph 1:3)

“Quyền năng của Đức Chúa Trời ĐÃ ban cho chúng ta MỌI ĐIỀU liên quan đến SỰ SỐNG VÀ SỰ TIN KÍNH, qua sự nhận biết Ngài là Đấng đã kêu gọi chúng ta bằng vinh quang và nhân đức của Ngài” (II Phi 1:3)


Lời Chúa qua 2 câu Kinh Thánh cho thấy Chúa ĐÃ BAN ĐỦ mọi thứ phước hạnh cho chúng ta là “những người trung tín trong Đấng Christ Jesus” (Eph 1:1), “những người nhờ sự công chính của Đức Chúa Trời chúng ta và của Cứu Chúa Jêsus Christ, đã nhận lãnh cùng một đức tin quý giá như chúng tôi.” (II Phi 1:1).


Chúa đã ban đủ mọi phước hạnh cho chúng ta không do nơi chúng ta, không tùy thuộc vào sự trung tín, đời sống tương giao, sự sốt sắng hầu việc Chúa của chúng ta mà nó do nơi ÂN ĐIỂN, tình yêu dư dật của Ngài, Ngài ban cho chúng ta những “phước thuộc linh” hay “điều thuộc về sự sống và sự tin kính” vào thời điểm chúng ta tiếp nhận Chúa Jesus, chấp nhận dâng cuộc đời cho Chúa để thuộc về Ngài, đây là điều mà Ngài ban cho chiên của Ngài, tất cả con cái Ngài.


Mọi sự trong cuộc sống của con cái Ngài, từ sự chu cấp, bảo toàn, gìn giữ, ơn thần hựu của Chúa điều động cuộc đời chúng ta cho đến việc bảo đảm sự cứu chuộc, xưng công bình, làm cho vinh hiển,…tất cả đều là công tác của Chúa, đến từ lòng thương xót, ân sủng của Chúa, hoàn toàn không do nơi chúng ta.


Nếu bao lâu nay, chúng ta đi nhóm, hầu việc Chúa, làm chứng, học Lời Chúa, dâng hiến,…, chúng ta thực hành tất cả những nếp sống Cơ đốc với suy nghĩ nếu làm được thì Chúa ban phước cho, còn nếu không làm được thì mất phước. CHÚNG TA NHẦM! Vì chuyện được ban phước hay không được ban phước tùy thuộc hoàn toàn vào Chúa, không do nơi lòng thành hay nếp sống đạo của chúng ta.


Và chữ “MỌI” trong 2 câu Kinh Thánh trên cho ta thấy Chúa đã ban đầy đủ phước rồi. Ngài biết nhu cầu của chúng ta và Ngài đã đáp ứng đầy đủ, không thiếu gì cả.


Bao lâu nay nếu trong đời sống theo Chúa chúng ta thấy mình nghèo, thiếu thốn; xin hãy nhớ rằng chúng ta đã có một “gia tài kếch xù” được chính Chúa của vũ trụ này ban cho.

Vậy tại sao chúng ta vẫn cảm thấy đời sống mình còn thiếu thốn, vẫn chưa thấy giá trị của “gia tài” Chúa ban ? Vì chúng ta chưa sử dụng đúng những điều Chúa ban cho, cũng tương tự như việc ai tặng cho chúng ta một món quà, chúng ta phải sử dụng đúng mục đích của nó thì ta mới thấy được giá trị thật của món quà đó.


Ngay trong câu Kinh Thánh II Phi 1:3b cho chúng ta thấy, Chúa đã ban cho chúng ta qua sự nhận biết Ngài. Chúng ta chỉ có thể kinh nghiệm những phước hạnh Chúa ban, thấy được giá trị những điều Chúa ban khi chúng ta nhận biết Chúa. Và càng biết về Ngài, chúng ta càng kinh nghiệm thêm hơn về ơn phước của Ngài.


Chúng ta được ban phước là tùy thuộc nơi Chúa nhưng sự kinh nghiệm phước Chúa mới là điều tùy thuộc nơi trách nhiệm của chúng ta. Mọi điều chúng ta làm, thờ phượng hầu việc Chúa, gây dựng đức tin anh em, làm chứng về Chúa, chiến đấu với ma quỷ,… không phải để nhận thêm phước, mà là để thêm lên trong sự kinh nghiệm những phước hạnh đã được ban cho.


Phước hạnh này là phước hạnh thuộc linh, là phước đời đời, nó không phải là vật chất thấy được và nó to lớn đến nỗi sẽ giúp chúng ta “tránh khỏi sự băng hoại trong thế gian gây nên bởi tham dục, và trở nên người dự phần vào bản tính thiên thượng” (II Phi 1:4). Nghĩa là: Điều Chúa ban cho có tác dụng giúp chúng ta chiến thắng bản chất tội lỗi của mình, chiến thắng sự hư hoại của thế gian, và khiến chúng ta trở nên giống Chúa ngày càng hơn. Đây thực sự là một món quà vĩ đại mà tâm trí con người chúng ta không thể nào mường tượng ra được cho đến khi nào chúng ta kinh nghiệm được nó.


Nhưng làm thế nào để thêm lên trong sự kinh nghiệm những phước hạnh quý báu này. Đọc tiếp phân đoạn II Phi 1:5-7, ta sẽ học được những điều sứ đồ Phi-e-rơ dạy cách làm thế nào kinh nghiệm phước hạnh Chúa:


“Chính vì lý do đó mà anh em phải cố gắng hết sức để thêm cho đức tin mình lòng nhân đức, thêm cho nhân đức sự tri thức, thêm cho tri thức tính tiết chế, thêm cho tiết chế tính kiên nhẫn, thêm cho kiên nhẫn lòng tin kính, thêm cho lòng tin kính tình huynh đệ, thêm cho tình huynh đệ tình yêu thương”.


Đây là những bước thực hành một cách cụ thể trong tiến trình kinh nghiệm phước Chúa, và lý do tại sao tiến trình kỳ diệu này cần phải có trong đời sống theo Chúa của chúng ta được giải thích trong câu 8:


“Vì nếu anh em có những điều nầy và có dư dật, thì sẽ không sợ mình thiếu hiệu năng hoặc không kết quả trong sự nhận biết Chúa chúng ta là Đức Chúa Jesus Christ”( II Phi 1:8)

Câu Kinh Thánh nói lên bản chất của việc kinh nghiệm phước hạnh của Chúa chính là sinh bông trái trong sự nhận biết Chúa, biết vui hưởng sự sống đời đời mà Chúa ban cho khi trở nên con cái Ngài, và sự nhận biết Chúa cũng là mục đích đời đời của người theo Chúa, không phải là công danh, tiền của, hay được mọi người ngưỡng mộ…


Nhìn lại cuộc sống của mình, chúng ta hãy tự trắc nghiệm bản thân 2 câu hỏi này:


“Điều gì đang chi phối cuộc đời tôi”?


“Mục đích Chúa cứu tôi là gì?”


Ai cũng có câu trả lời riêng cho mình, nhưng nếu đáp án của bạn cho 2 câu hỏi này khác nhau, bạn cần đặt lại vấn đề về mối liên hệ của mình với Chúa. Vì nếu là một người đã biết Chúa, đã nhận sự sống đời đời Chúa ban, là nô lệ của Chúa Jesus, là người thuộc về Ngài, thì đáp án cho 2 câu hỏi này phải giống nhau. Điều chi phối cuộc đời tôi phải là mong mỏi được biết Chúa và được giống Chúa ngày càng hơn.



Phần 3: Vậy những phước hạnh đó là gì?


Trong 2 phần trước, ta biết rằng Cơ đốc nhân thẩm định, đánh giá về phước hạnh hoàn toàn khác người thế gian, chúng ta cũng biết Cơ đốc nhân đã nhận được đủ mọi phước hạnh từ Chúa ban cho tùy theo ân điển của Ngài, cũng như phương cách để khám phá và vui hưởng phước hạnh Chúa cho.


Vậy những phước hạnh đó là gì? Trong phần này, bài viết sẽ chỉ ra 3 phước hạnh lớn nhất mà Chúa đã ban cho chúng ta trong cuộc đời này.


Phước hạnh 1: CHÍNH CHÚA


Khi chúng ta tin Chúa, Chúa không hứa điều gì khác hơn ngoài việc lời hứa ban cho SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI. Sự sống đời đời là thứ đầu tiên mà một người tin sẽ nhận được, sự sống đời đời như một tờ giấy bảo chứng rằng chúng ta là con cái Chúa, cuộc đời đã thuộc về Ngài. Và lâu nay chúng ta được dạy rằng sự sống đời đời là ở Thiên Đàng sau khi qua đời, vậy trong đời này chúng ta có thể kinh nghiệm sự sống đời đời được không. Câu trả lời là có!


Chúa Giê-xu đã định nghĩa sự sống đời đời như sau: “Sự sống đời đời là nhận biết Cha là Đức Chúa Trời duy nhất và chân thật, cùng Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng Cha đã sai đến.” (Gi 17:3).


Sự sống đời đời không chỉ là phước hạnh đời sau, mà chính xác đó là SỰ NHẬN BIẾT CHÚA. Chúa ban cho chúng ta được biết Ngài, Ngài bày tỏ chính Ngài cho chúng ta, Ngài đã chọn chúng ta từ trước sáng thế và định sẵn cho chúng ta để trở nên giống Con Ngài. Đó là phước hạnh lớn nhất mà chúng ta nhận được khi tin Chúa, không phải được gạo, được tiền của nhà thờ, không phải địa vị, chức phận trong Hội Thánh, không phải để có được sự bảo bọc của một cộng đồng tôn giáo, không phải để lấy được chồng, được vợ có đạo, không phải được phúc-lộc-thọ như người thế gian tìm kiếm; mà Chúa ban cho chúng ta CHÍNH NGÀI- là Nguồn Ân Điển, Đấng Tạo Hóa, Đấng Chọn Lựa, Đấng Công Chính, Yêu Thương, Thánh Khiết,….


Nhận biết Chúa là kinh nghiệm đầu tiên khi chúng ta tin Chúa, và đó cũng nên là điều mỗi chúng ta đeo đuổi trong đời này và cả đời sau. Vì trong đời này chúng ta chỉ là kẻ ở trọ, chúng ta còn quê hương đời đời để trở về. Và khi về Thiên Đàng ở với Chúa, chúng ta sẽ tiếp tục được Chúa bày tỏ về Ngài, đó là phước hạnh đời đời dành cho chúng ta là người tin Ngài.


Phước hạnh 2: LỜI CHÚA


Điều thứ 2 mà chúng ta có được đó là Lời của Ngài, nếu tìm hiểu về lịch sử sinh tồn của cuốn Kinh Thánh mà chúng ta đang có, chúng ta sẽ phải kinh ngạc về cách Chúa bảo tồn Lời mặc khải của Ngài. Trải qua nhiều thế kỷ bị tấn công, bách hại, trừ diệt; Lời Chúa vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay, không những thế Kinh Thánh còn là sách bán chạy nhất mọi thời đại (theo thống kê trên wikipedia). Chúa đã mặc khải đầy đủ, trọn vẹn về cội nguồn của chính Ngài, chương trình của Ngài cho nhân loại, cho người thuộc về Ngài để chúng ta có được sự hướng dẫn, có niềm hy vọng, có sự bình an qua những lời hứa, lời bảo toàn của Ngài. Lời Chúa cho chúng ta sự khôn ngoan hơn tất cả những người không có Lời Chúa dù họ có là vĩ nhân, là triết gia, hay bất kỳ ai nổi tiếng đi nữa.


“Các điều răn Chúa làm cho con khôn ngoan hơn kẻ thù con, Vì các điều răn ấy ở cùng con luôn luôn. Con thấu hiểu hơn tất cả những người dạy con, Vì con suy ngẫm các chứng ước Chúa. Con thông hiểu hơn các bậc lão thành, Vì con tuân giữ kỷ cương của Chúa.
(Thi 119 : 98-100)

Phước hạnh 3: HỘI THÁNH CHÚA


Phước hạnh lớn tiếp theo mà Chúa ban cho chúng ta chính là thân thể của Ngài- Hội Thánh Chúa. Khi chúng ta tin Chúa, chúng ta ngay lập tức được đưa vào thân thể Ngài, là cộng đồng Hội Thánh, cộng đồng con dân Chúa. Bởi vậy, không có một người nào có thể “tin Chúa một mình”, nghĩa là ngày chủ nhật tự thờ phượng Chúa một mình, tự mình gây dựng lấy mình, tự lớn lên một mình, tự hầu việc Chúa một mình. Đó là chuyện không thể. Vì Ngài không cứu chúng ta cách riêng lẻ, mà Ngài cứu chúng ta vào trong thân của Ngài, chúng ta là những nhánh nho lấy sự sống gốc nho thật là chính Chúa Giê-xu, chỉ nhánh nào còn trong cây nho mới hưởng sự sống từ gốc nho, mới sinh trưởng, lớn lên và kết quả. Khi chúng ta tự cô lập mình khỏi Hội Thánh, chúng ta sẽ không nhận sự sống mà Chúa ban qua Hội Thánh, và do đó chúng ta sẽ chết dần trong thuộc linh của mình.


Không những phải ở trong Hội Thánh, chúng ta còn phải gắn kết, liên hệ với Hội Thánh một cách bền bỉ, nghĩa là phải sinh hoạt, tăng trưởng trong một Hội Thánh trong một khoảng thời gian rõ ràng. Ngày nay, vẫn còn những “tín đồ quốc tế”, mỗi tuần đi du lịch ở mỗi Hội Thánh khác nhau, để vẫn yên tâm rằng mình vẫn đi nhóm đều nhưng không phải chịu trách nhiệm gì cho khỏe, đỡ liên hệ đỡ phiền. Lâu nay, nếu chúng ta vẫn xem việc đi nhóm giống như đi tham quan, đi dạo chơi thì chúng ta hãy xem lại, chúng ta ở trong thân Chúa hay không, nếu ở trong thân Chúa thì hãy trắc nghiệm lại vai trò, trách nhiệm của chúng ta trong thân Chúa là gì, vì không có một chi thể nào trong thân Chúa mà lại vô dụng cả. Chính Đức Thánh Linh đã lập nên vị trí của chúng ta trong thân Ngài, theo chỉ định của Ngài: “Nhưng bây giờ, Đức Chúa Trời đã sắp đặt các chi thể của thân, mỗi chi thể theo ý Ngài muốn.” (I Co 12:18).


Ở trên là 3 phước hạnh lớn nhất mà Chúa đã ban cho chúng ta là con cái Ngài, đây là những điều tuy lớn lao nhưng rất nhiều tín đồ ngày nay bỏ quên hoặc xem nhẹ, thay vào đó họ chú tâm vào những thấy được như tiền của, sự trọng vọng, sự công nhận, yêu thương của người khác. Xin Chúa thương xót tha tội chúng ta vì đã quên ơn Ngài, không sống đúng là một người con của Ngài, nguyện Chúa cho chúng ta năng lực của Ngài để kinh nghiệm phước hạnh này cách đầy trọn.


Sống Lại Thời Cải Chánh

©2024 Reformed VTM All Rights Reserved

bottom of page