Phần 1: nữ quyền độc hại!
Trong thời buổi hiện đại ngày nay, từ ngữ “nữ quyền” đã không còn mới mẻ với chúng ta. Từ trên TV, báo đài, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội; khắp nơi nhan nhản về phong trào nữ quyền. Mọi người ai ai cũng ủng hộ nữ quyền, vì mới đầu phong trào này nghe có vẻ rất tích cực, hòa bình, và đầy nhân văn. Nó chiến đấu cho sự bất công của phụ nữ ở khắp nơi, đẩy lùi định kiến “trọng nam khinh nữ”, giúp bảo vệ phụ nữ trước những sự đàn áp bất công trong các tầng lớp xã hội.
Nhưng dần dà, giới nữ bắt đầu lạm dụng và làm biến chất những mục tiêu nhân văn của phong trào này. Vì ham muốn quyền lực, họ quên đi những vai trò khác biệt và rạch ròi giữa nam giới và nữ giới, họ bắt đầu cổ súy cho những quan điểm sai lầm, như: phụ nữ có thể làm được tất cả mọi điều mà đàn ông trước giờ vẫn làm, phụ nữ phải được hưởng mọi quyền lợi mà đàn ông được hưởng: như quyền được lãnh đạo gia đình, quyền được bầu cử, được quyết định mọi chuyện theo ý mình.
Tuy nhiên, là cơ đốc nhân, chúng ta biết rằng ngay từ đầu Chúa đã tạo dựng người nam và người nữ với 2 mục đích khác nhau, vai trò khác nhau. Chúa đã định cho người nam vai trò lãnh đạo, còn người nữ có vai trò giúp đỡ người nam. Chính vì vậy, Ngài ban cho người nam những đặc điểm như có sức mạnh về thể chất, sống thiên về lý trí, tinh thần kiên định, mạnh mẽ. Ngài ban cho người nữ cơ thể nhỏ nhắn, yếu ớt, nhu mì, dịu dàng, tình cảm, quan tâm, phục vụ; để họ có thể sống đúng với vai trò làm hậu phương cho người nam.
Vậy nên, việc lạm dụng nữ quyền, đòi hỏi nữ giới được bình quyền với nam giới; đã làm sai trật tự, lề lối tạo dựng của Chúa đối với cả hai giới. Dẫn đến sự rối ren, xung đột trong mối liên hệ gia đình và xã hội. Vì sao lại như vậy? Vì trong xã hội này, có một quy luật hiển nhiên ai cũng hiểu, đó là: quyền luôn đi đôi với trách nhiệm. Chúng ta cứ để ý mà xem, xưa nay nữ giới chỉ đòi quyền của đàn ông, chứ không có người phụ nữ nào lại đòi trách nhiệm của đàn ông. Điều đó là bất khả thi, vì không thể có quyền mà không đi kèm trách nhiệm. Đàn ông có nhiều quyền hơn phụ nữ, đơn giản vì họ phải gánh nhiều trách nhiệm hơn. Và ngược lại, phụ nữ có ít trách nhiệm hơn, nên phải có ít quyền hơn đàn ông. Bây giờ ta thử đặt một trường hợp, nếu xã hội vận hành đúng như đòi hỏi của phụ nữ, nghĩa là nam nữ bình quyền với nhau, trách nhiệm ngang nhau. Thì chuyện gì sẽ xảy ra, bạn đoán được không, để tôi liệt kê ra nhé:
Thứ nhất, đàn ông sẽ không cần ga lăng với phụ nữ, sẽ không có chuyện đàn ông phải mở cửa xe, kéo ghế, tặng hoa, tặng quà cho phụ nữ. Vì cả hai đã bình quyền như nhau.
Thứ hai, khi có thảm họa xảy ra, phụ nữ sẽ không được ưu tiên giải cứu trước đàn ông. Phụ nữ phải có trách nhiệm giống đàn ông, đó là phải nhường cho người già và trẻ em.
Thứ ba, phụ nữ cũng phải làm những công việc nguy hiểm giống đàn ông, những ngành nghề mà trước đây chỉ có đàn ông đảm nhiệm, ví dụ như: thợ điện, lính cứu hỏa, xây dựng quân đội, công nhân hầm mỏ, ….
Thứ 4, phải xét xử ngang nhau những vụ bạo lực gia đình đến từ người vợ, xử công bằng cho những người chồng bị vợ hành hung. Cũng chẳng cần lên án các vụ xâm hại tính dục phụ nữ, vì đàn ông và phụ nữ là như nhau, có quyền ngang nhau. Nếu xã hội thường phớt lờ những vụ xâm hại tính dục nam giới thì đối với nữ giới cũng nên phớt lờ như vậy.
Nếu là bạn, bạn có đồng tình với những điều trên không, tôi nghĩ là không. Ngoài ra, xã hội cũng sẽ xảy ra rất nhiều điều lố bịch khác, nếu như phong trào nữ quyền này được thực thi. Về phương diện nếp sống cơ đốc, nếu phong trào nữ quyền len lỏi vào trong Hội thánh, nó sẽ đảo lộn trật tự gia đình mà Chúa đã sắp đặt. Người nữ sẽ xem thường và quay lưng với những phẩm chất cao đẹp mà Chúa đã ban cho, như nhu mì, hiền lành, khiêm nhường, thuận phục chồng. Người nữ sẽ không chu toàn trách nhiệm mà Chúa đã giao cho họ, đó là phải giúp đỡ chồng mình; mà ngược lại, họ sẽ muốn đàn áp những quyền lợi của người chồng, muốn lãnh đạo gia đình, muốn quyết định mọi chuyện theo ý mình. Sa-tan đã lợi dụng sự kiêu ngạo của người nữ và gieo vào lòng người nữ những nghi ngờ về sự sáng tạo khôn ngoan của Chúa, bằng những lập luận ngụy tạo của mình, hắn đã thành công trong việc thuyết phục người nữ sống trái với lề lối tạo dựng của Ngài.
Ngoài ra, phong trào nữ quyền cũng gây ra mối đe dọa cho người nam. Quyền lãnh đạo của người nam sẽ bị lấn át, những vai trò, trọng trách của người nam sẽ bị hạ bệ. Người chồng dần dần sẽ thấy mình không còn được tôn trọng bởi người vợ, tất cả mọi trách nhiệm như bảo vệ, chu cấp, gây dựng gia đình, quyền dạy dỗ con cái… sẽ bị kiềm hãm vì người vợ đã xen vào giành quyền điều khiển.
Ở ngoài xã hội, thống kê thực tế đã cho thấy, những người nữ phấn đấu chứng tỏ quyền của mình, giành những vị trí lãnh đạo trong công ty, doanh nghiệp; thường có tỉ lệ ly hôn cao hơn những người đàn ông cùng chức vị. Ở Thụy Điển, một quốc gia châu Âu nổi tiếng về bình đẳng giới đã cho thấy, để đạt được những thành công trong sự nghiệp, phụ nữ đã phải đánh đổi, trả giá, chịu những đổ vỡ cá nhân ở mức độ cao hơn nhiều so với đàn ông. Ngoài ra, việc được đề bạt lên vị trí cao trong lĩnh vực chính trị tạo ra một xác suất ly hôn ở nữ giới cao hơn so với nam giới.
Ở ngoài xã hội đã như vậy, thì trong bối cảnh niềm tin cơ đốc, việc người nữ cầm quyền người nam gây ra nhiều tác hại hơn chúng ta tưởng. Trong Kinh thánh, việc người vợ không ở đúng vị trí giúp đỡ, muốn cầm quyền chồng mình đã được chứng thực là sẽ gây ra hậu quả tai hại đến mức nào. Chúng ta có liên tưởng ngay đến câu chuyện của cặp vợ chồng đầu tiên trong vườn Ê-đen, khi con rắn cám dỗ Ê-va, mặc dù bà cũng đã biết đây là trái cấm, bà không hỏi ý kiến chồng, trong khi A-đam đang đứng ngay cạnh bà. Bà đã chủ động phạm tội, và tệ hơn, bà còn thao túng luôn cả A-đam, và cuối cùng cả 2 vợ chồng cùng phạm tội. Một cặp vợ chồng tương tự khác, đó là Áp-ra-ham và Sa-ra, vì chiều theo lời vợ, ông đã đến ăn nằm với A-ga và sinh ra Ích-ma-ên, mặc dù Chúa đã hứa với cả 2 vợ chồng ông về sự ra đời của Y-sác. Mặc dù trong cả 2 câu chuyện, cả A-đam và Áp-ra-ham đều có lỗi, (về vấn đề trách nhiệm của người nam, chúng ta sẽ được học ở những chủ đề sau), nhưng xuất phát điểm đầu tiên, là do người vợ muốn kiểm soát chồng mình. Và bởi vì Chúa giao trách nhiệm lãnh đạo gia đình cho người chồng, cho nên cuối cùng, A-đam vẫn phải chịu toàn bộ trách nhiệm cho sai phạm của gia đình ông, và Áp-ra-ham vẫn phải là người lo giải quyết xung đột xảy ra trong gia đình sau khi Ích-ma-ên sanh ra. Ta thấy rằng, khi cả 2 vợ chồng không còn giữ đúng thứ bậc, vai trò Chúa đặt để, họ đã tạo ra nhiều nan đề trong gia đình, trong Hội thánh, và xã hội.
Trong Hội thánh, vì phong trào nữ quyền đã len lỏi vào từ lâu, cho nên dần dần những vị trí, những chức vụ mà Chúa giao phó cho người nam đã bị xem nhẹ, và Hội thánh giao nó cho giới nữ, điển hình như chức vụ rao giảng Lời Chúa. Kinh thánh đã nói rõ trong I Tim 2:12, rằng người nữ không được dạy dỗ, cai trị trên người nam. Trong bức thư gửi cho Hội thánh Cô-rinh-tô, Phao-lô cũng đã dạy phụ nữ trong Hội thánh phải yên lặng lắng nghe và thuận phục. Tuy nhiên, bởi sự thỏa hiệp của các hội thánh hiện đại với văn hóa nữ quyền, họ đã chọn bỏ ngoài tai những lời dạy rõ ràng của Kinh thánh, và giải nghĩa những câu này theo ý riêng mình. Họ đã cho phép phụ nữ được giảng dạy trong những buổi thờ phượng chính của Hội thánh, thậm chí có nhiều nơi còn cho phụ nữ có thẩm quyền lãnh đạo trên toàn Hội thánh, là điều không hề đúng với sự bày tỏ của Kinh thánh.
Nói về chức vụ rao giảng, đây là một thiên chức đặc biệt, người rao giảng không đơn giản chỉ là dạy dỗ, giải nghĩa Kinh thánh, giúp tín đồ hiểu ý nghĩa của bản văn; mà rao giảng chính là thờ phượng Đức Chúa Trời, rao ra vinh quang của Ngài, đại diện cho Ngài để răn dạy, cảnh báo, khích lệ, quở trách Hội thánh. Chúng ta cứ tưởng tượng ngày xưa dân Do thái nhìn vào mặt Môi-se và thấy vinh quang chói lòa của Thiên Chúa thế nào, thì hình ảnh của người rao giảng cũng gần giống như vậy, qua môi miệng người rao giảng, tín đồ sẽ nghe, thấy, cảm nhận vinh quang của Đấng Christ. Chức vụ rao giảng là một đặc ân cao quý cho những ai đang nhận nó, và chính vì là đặc ân, nó cũng là một trọng trách khổng lồ cho họ. Vì nếu giảng sai ý nghĩa đoạn Kinh thánh, nếu giảng với động cơ sai trật, nếu lạm dụng Kinh thánh để giảng theo ý riêng, thì họ đang trực tiếp phạm thượng và làm ô uế tin lành của Ngài. Họ sẽ khiến hàng trăm, hàng ngàn tín đồ đi lạc, và nếu vị diễn giả đó không làm đúng thiên chức của mình, ông sẽ tạo ra cả một thế hệ sai lạc, xa khỏi Lời Chúa. Chính vì trọng trách và gánh nặng lớn như vậy, Chúa đã chọn giao chức vụ rao giảng cho người nam, vì Ngài đã tạo dựng người nam, ban cho họ khả năng đúng với chức vụ này.
Phần 2: vai trò người nữ trong hội thánh
Nói như vậy, không có nghĩa người nam quan trọng hơn người nữ. Chúng ta đều biết rằng, dù nam hay nữ thì chúng ta đều được tạo dựng theo hình ảnh Đức Chúa Trời, cả 2 đều có giá trị như nhau trước mặt Chúa, cả 2 đều nhận sự cứu rỗi như nhau, cả 2 đều được Chúa bày tỏ về Ngài ngang nhau theo ý Ngài muốn.
Về phần người nữ, Chúa đã giao cho họ những vai trò quan trọng khác, phù hợp với bản tánh, con người của họ. Mặc dù họ không đứng trong vị trí rao giảng và lãnh đạo Hội thánh, tuy nhiên, họ cũng được Chúa ban cho những ân tứ như dạy dỗ, nghiên cứu Kinh thánh, truyền giáo, chăm sóc, nâng đỡ, khích lệ,… và Ngài sử dụng họ trong môi trường Ngài muốn đặt để.
Kinh thánh đã dạy rõ ràng về tầm quan trọng của người nữ trong Hội thánh như thế nào, trong Tít 2: 3-5 có chép: “Các cụ bà cũng vậy, phải cư xử một cách thánh khiết, không nói xấu, không nghiện rượu. Các cụ phải biết dạy điều hay lẽ phải để huấn luyện các phụ nữ trẻ biết yêu chồng, thương con, tiết độ, trong trắng, đảm đang việc nhà, hiền thục, thuận phục chồng, để đạo của Đức Chúa Trời không bị xúc phạm.”
Trong I Tim 2: 9-10 có chép: “Ta cũng muốn rằng phụ nữ nên ăn mặc đứng đắn, trang điểm giản dị và lịch sự, không bới tóc cầu kỳ hay đeo vàng, ngọc hoặc dùng quần áo đắt tiền, nhưng làm các việc thiện, là điều phù hợp với người phụ nữ tin kính.”
Ta thấy rằng, mục vụ của phụ nữ trong Hội thánh chính là phụ nữ, phụ nữ lớn hơn phải làm gương, sống cuộc đời tin kính, dạy dỗ cho những phụ nữ trẻ hơn, phải dạy họ chăm lo gia đình, sống tiết độ, thánh sạch, thuận phục chồng, sống vinh hiển cho đạo của Đức Chúa Trời, siêng năng làm việc thiện, không gây vấp phạm…..
Nói một cách bao quát, dù nam hay nữ, thì chúng ta cũng nhận một đại mạng lệnh như nhau từ Chúa Jesus, đó là truyền bá phúc âm cứu rỗi đến những người chưa tin, và dạy dỗ, gây dựng những người đã tin. Đó là công tác quan trọng và là mục tiêu của Hội thánh, là mạng lệnh cho cả nam lẫn nữ, trong việc mở mang vương quốc Đức Chúa Trời.
Nếu một chị em nào có được ân tứ chia sẻ và giải nghĩa Kinh thánh, hãy sử dụng nó đúng khuôn khổ, ví dụ như các buổi nhóm giữa các chị em phụ nữ với nhau, hoặc các buổi bồi linh, trại hè cho giới trẻ, dạy đạo cho thiếu nhi, thiếu niên. Hoặc có thể dùng Lời Chúa để nâng đỡ, khích lệ một số tín hữu còn con đỏ, yếu đuối; an ủi, chăm sóc những người đang gặp hoạn nạn, thử thách. Người nữ có vô số môi trường và công tác để phục vụ Ngài, xin chúng ta đừng vì một chút ganh tị với chiếc bục giảng mà Chúa giao cho người nam, mà phạm tội với Chúa.
Thực tế mà nói, để một người nữ hữu dụng trong nhà Chúa, nó vô cùng đơn giản, chỉ cần bạn sống đúng với vai trò một người vợ trong gia đình, là bạn đã và đang phục vụ Hội thánh rồi. Người chồng có rất nhiều trách nhiệm cần phải lo, như công việc nhà Chúa, chu cấp gia đình, bảo vệ gia đình, dạy dỗ con cái, kỷ luật và trau dồi Lời Chúa cho bản thân,…và vì vậy, anh ta rất cần sự giúp đỡ và thuận phục của người vợ. Nếu gia đình anh ta có phạm tội, hoặc gây ra hậu quả nào, một mình anh là người phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa, chính vì vậy anh rất cần sự thuận phục của người vợ, để có thể dễ dàng thực hiện mọi quyết định ảnh hưởng đến gia đình trong thẩm quyền của mình.
Vì vậy, người vợ đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng hôn nhân theo đúng mục đích Chúa. Vợ phải vừa giúp người chồng biết Chúa thêm hơn, đồng thời không đặt mình vào vị thế lên mình dạy dỗ, giáo dục người chồng. Nhưng dịu dàng khuyên bảo, nhu mì nhắc nhở người chồng về những trách nhiệm Chúa giao cho chồng mình. Có người sẽ đặt vấn đề: “Chúa dạy phải thuận phục chồng như thuận phục Chúa, vậy nếu người chồng bảo người vợ làm điều gì đó trái Lời Chúa thì sao? Chúng ta có phải vâng phục không?” Câu hỏi này có vẻ hơi hóc búa, nhưng thật ra câu trả lời vô cùng đơn giản, đứng trước những vấn đề này, chúng ta chỉ cần bắt chước các sứ đồ: “Thà vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn vâng lời người ta”. Riêng trong bối cảnh hôn nhân, ở trường hợp này, người vợ không những không nghe lời người chồng, mà còn cậy ơn Chúa khuyên bảo người chồng, và nhân cơ hội này bày tỏ Chúa cho người chồng biết. Nếu người chồng là một người chưa tin, dù bạn đã giải thích tận tường, mà anh ta vẫn bắt bạn phải sống trái ý Chúa, nếu không anh ta sẽ ly dị, thì bạn sẽ phải đồng ý ly dị để giữ đức tin mình nơi Chúa. Trên hết, chúng ta tin cậy nơi quyền tể trị của Chúa trên mọi sự, Ngài tể trị trên cả những người chồng như vậy.
Hy vọng đây cũng là lời kết cho chủ đề gây tranh cãi này, chúng ta dù nam hay nữ, cũng đã được Chúa sáng tạo theo hình ảnh Đức Chúa Trời, đều nhận chung một ơn cứu rỗi, đều uống chung một Thánh Linh, đều gánh vác chung một đại mạng lệnh, đều đã thấy vinh quang của tin lành, đã nếm trải ân điển ngọt ngào của Đức Chúa Trời. Xin Chúa giúp chúng ta thuận phục Ngài, và chu toàn trách nhiệm mà Chúa đã giao cho chúng ta trên đất. Xin hãy nhớ rằng, Chúa không lầm lẫn khi Ngài chọn giới tính cho chúng ta, Ngài không để phụ nữ thiệt thòi như chúng ta tưởng đâu, đừng tin vào những lời rêu rao sai lẽ thật của thế gian, đừng để những lập luận của ma quỷ làm mờ mắt chúng ta. Ngài cho người nam nhiều quyền hơn người nữ, vì người nam có nhiều trọng trách phải gánh hơn người nữ. Và ngược lại, vì người nữ có ít trách nhiệm hơn người nam, nên họ có ít quyền hành hơn người nam, đó là quy luật về quyền và trách nhiệm mà Chúa đã tạo ra cho xã hội này. Nguyện Chúa soi sáng cho chúng ta!
----LCT----