top of page

Những Điều Bạn Cần Biết Về Thần Học Cải Chánh (Phần 3)


Thứ bảy, Thần học cải chánh trình bày một thế giới quan toàn diện - nhiều hơn năm điểm của Thần học Calvin hay năm nguyên tắc Sola. Khi ai đó, “Thần học Cải chánh là gì?” họ thường nhận được câu trả lời dựa trên “năm điểm của thần học Calvin”, giáo lý về sự sa ngã toàn diện của con người, sự lựa chọn thiêng liêng vô điều kiện, sự chết của Đấng Christ chỉ cho những người được chọn, quyền tể trị của Đức Chúa Trời trong việc cứu rỗi dân Ngài, và sự kiên trì cuối cùng của dân Ngài trong ân điển để được sự sống đời đời và vinh hiển. Hoặc, nhiều người có thể nghe năm nguyên tắc sola (tiếng Latinh có nghĩa là duy chỉ): chỉ dựa trên Kinh Thánh, chúng ta được cứu chỉ nhờ ân điển, chỉ qua đức tin, chỉ nơi Đấng Christ, và chỉ một mình Đức Chúa Trời được vinh hiển.


Tuy nhiên, một cuộc khảo sát về giáo lý Cải chánh hoặc thần học hệ thống cho thấy rằng thần học Cải chánh còn nhiều điều hơn là chỉ xoay quanh giáo lý về sự cứu rỗi. Thần học cải chánh cũng bao gồm các giáo lý trong Kinh thánh liên quan đến sự hiện hữu đời đời của Đức Chúa Trời và các công trình sáng tạo, sự quan phòng và sự tể trị; liên quan đến nguồn gốc của loài người, bản chất của chúng ta, việc chúng ta phạm tội và hậu quả của tội lỗi; liên quan đến thân vị vinh quang của Đấng Christ, bản tính, chức vụ, sự nhập thể, sự chịu khổ và sự chết của Ngài, cùng vinh hiển theo sau; liên quan đến Đức Thánh Linh và công tác của Ngài trong sự sáng tạo và cứu chuộc; liên quan đến Hội Thánh, sự thiết lập, sứ mạng và giáo nghi có trong Hội Thánh; liên quan đến trải nghiệm ân điển của Cơ Đốc nhân, đời sống phục vụ bởi lòng biết ơn trong sự vâng phục luật pháp của Đức Chúa Trời và chức thầy tế lễ của họ; và cuối cùng là những điều vinh quang kíp xảy đến khi Đức Chúa Trời hoàn tất mọi thánh ý của Ngài. Thần học cải chánh là một một lời tuyên ngôn về “toàn bộ ý định của Đức Chúa Trời” (Công vụ 20:27) trong chừng mực mà Đức Chúa Trời đã tiết lộ điều đó cho chúng ta biết (Phục truyền luật lệ ký 29:29).


Điều thứ tám, Thần học cải chánh mang hơi thở sống đạo tin kính. Sự dạy dỗ nhận Đức Chúa Trời là trung tâm kêu gọi chúng ta phải thực sự sống với điều đó. Lời Chúa nhằm để khắc sâu sự khôn ngoan trong Lời Đức Chúa Trời qua đức tin nơi Đấng Christ (2 Ti-mô-thê 3:15), và khởi đầu của sự khôn ngoan ấy là kính sợ Chúa (Châm ngôn 9:10). Mặc dù nhiều người chỉ áp dụng thần học theo cách khô khan về mặt lý thuyết, trong khía cạnh học thức, nhưng thần học Cải chánh trong lịch sử đã quan tâm đến điều mà Phao-lô dạy:

“Mục đích của sự răn bảo, ấy là sự yêu thương, bởi lòng tinh sạch, lương tâm tốt và đức tin thật mà sanh ra.” (1 Ti-mô-thê 1:5).

Các nhà thần học cải chánh thường nói về “lòng ngoan đạo” như một từ đồng nghĩa với “tôn giáo chân chính”. John Calvin đã nói: “Tôi gọi 'lòng ngoan đạo' đó là sự tôn kính hiệp với tình yêu dành cho Đức Chúa Trời đến từ sự hiểu biết Đức Chúa Trời. Mặc dù thần học Cải Chánh có thể được giảng dạy ở mức độ học thuật cao, nhưng nó phải nhằm mục đích giải thích sự hiểu biết về Đức Chúa Trời theo cách mà trẻ em có thể thực hành qua nếp sống ở nhà và người lớn có thể thực hành trong đời sống thực tiễn của họ (Cô-lô-se 3:20–25). Ví dụ, Gisbertus Voetius, một giáo sư nổi tiếng về Thần học cải chánh, ông thường xuyên dành thời gian dạy giáo lý cho trẻ mồ côi. Những tín hữu Thanh giáo ở Anh Quốc khuyến khích những người không có trình độ học vấn cao vẫn nên có những buổi thờ phượng tại tư gia để Lời Đức Chúa Trời thấm nhuần vào mọi đời sống của từng thành viên trong gia đình (Phục truyền luật lệ ký 6:7). Lời Chúa phải sản sinh đời sống tin kính! A-men!

Sống Lại Thời Cải Chánh

©2024 Reformed VTM All Rights Reserved

bottom of page