top of page

Những Điều Bạn Cần Biết Về Thần Học Cải Chánh (Phần 2)



Thứ tư, Thần Học Cải Chánh mang tính lịch sử và đã được tuyên xưng. Truyền thống có thể là nguyên nhân gây suy tàn hoặc là phước lành của hội thánh. Truyền thống làm hại hội thánh khi chúng ta nâng nó lên một tầm mức thẩm quyền thiêng liêng (Ma-thi-ơ 15:6-9) nhưng sẽ giúp ích cho hội thánh khi mỗi thế hệ hâu bối tiếp nhận, xem xét và truyền lại những điều mà các bậc tiền bối của chúng ta đã học được từ lời tiên tri và các sứ đồ (2 Ti-mô-thê 2:2). Sự đổi mới có thể rất hữu ích cho công nghệ, nhưng trong giáo lý Cơ Đốc, chúng ta nên tìm kiếm “những đường lối cũ” (Giê-rê-mi 6:16) để giữ lấy “đạo đã truyền cho các thánh một lần đủ rồi” (Giu-đe 3). Thần học cải chánh giúp cho đức tin của chúng ta bằng các tiêu chuẩn giáo lý Cơ Đốc giáo trải khắp hàng thế kỷ như Lời tuyên xưng Đức Tin của người Bỉ, quyển giáo lý Heidelberg, những điều được kinh điển trong Công Đồng tại Dort, Lời tuyên xưng và Giáo lý tại Westminster, và Lời tuyên xưng lần hai của Báp-tít tại Luân Đôn.


Thứ năm, Thần học cải chánh giữ vững tính chính thống của Hội Thánh đầu tiên. Thần học cải chánh không rời bỏ di sản Cơ Đốc giáo cổ xưa của chúng ta mà còn khẳng định các giáo lý chính thống về Đức Chúa Trời và Đấng Christ để tạo thành cột trụ của truyền thống tuyên xưng đức tin vĩ đại của Cơ Đốc giáo trên toàn thế giới. Mặc dù những Nhà Cải Chánh đã bị Giáo hội Công giáo La Mã dứt phép thông công, nhưng họ đã không từ bỏ đức tin Đức Chúa Trời Ba Ngôi của các công đồng Nicaea, Constantinople, Ê-phê-sô và Chalcedon. Họ khẳng định các giáo lý rằng Đức Chúa Trời có ba thân vị trong một bản thể thiên thượng (Ma-thi-ơ 3:16–17; 28:19), và Đức Chúa Con mang bản chất con người thực sự mà không ngừng là Đức Chúa Trời trọn vẹn—hai bản chất trong một thân vị (Giăng 1:1, 14). Các nhà thần học cải chánh đã chứng tỏ mình những người nhiệt thành bảo vệ các giáo lý chính thống của Đức Chúa Trời và Đấng Christ, đồng thời chống lại các dị giáo xưa và nay. Chỉ với một lý do, những giáo lý mà họ bảo vệ đó vốn được bày tỏ trong Lời Đức Chúa Trời.


Thứ sáu, Thần học cải chánh tôn cao Đức Chúa Giê-xu Christ là Đấng Trung Bảo duy nhất của chúng ta.Đấng Christ là tất cả đối với những người tin Chúa (Cô-lô-se 3:11). Kinh Thánh dạy chúng ta phải

“coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi” (Phi-líp 3:8).

Trước đó, chúng ta đã lưu ý rằng thần học Cải chánh nhận Đức Chúa Trời là trung tâm; ở đây chúng ta phải hiểu rõ thần học này tập trung vào Đức Chúa Trời Ba Ngôi, là Đấng đã đến với chúng ta thông qua Đấng Trung Bảo duy nhất, là Chúa Giê-xu Christ. Những người Thanh giáo đã miêu tả Phúc Âm như một câu chuyện tình yêu vĩ đại nhất từng được kể—sự hiệp nhất thiêng liêng của Đức Chúa Cha giữa Con Yêu Dấu của Ngài cùng với nàng dâu vốn sa ngã và đầy tội lỗi của Đấng Christ, là Hội Thánh. Những nhà Thanh giáo đã tìm tòi cách chi tiết về vai trò trung bảo của Đấng Christ trong tư cách là Nhà tiên tri, Thầy tế lễ và Vua của dân Ngài. Sự hiểu biết về Đấng Christ là một chủ đề vinh quang vô hạn, như chép rằng

“sự giàu có không dò được của Đấng Christ” (Ê-phê-sô 3:8).

John Flavel đã nói: “Việc nghiên cứu về Chúa Giê-xu Christ là chủ đề cao quý nhất mà một linh hồn dành hết cho nó... Tấm lòng của Đức Chúa Trời bày ra cho những ai trong Đấng Christ.”

Sống Lại Thời Cải Chánh

©2024 Reformed VTM All Rights Reserved

bottom of page