![](https://static.wixstatic.com/media/edbf0d_d18adc2a029248adac8949f78f7af228~mv2.jpg/v1/fill/w_980,h_551,al_c,q_85,usm_0.66_1.00_0.01,enc_auto/edbf0d_d18adc2a029248adac8949f78f7af228~mv2.jpg)
Những việc lành của chúng ta hoàn toàn không góp phần gì cho sự cứu rỗi của chúng ta; nhưng có quan điểm khác cho rằng, việc lành góp phần trong sự cứu rỗi. Đây là cuộc tranh luận quan trọng đã nổ ra dữ dội giữa các Cơ Đốc nhân kể từ khi Giáo Hội được cải chánh.
Tôi tin chắc rằng những việc lành của chúng ta không bao giờ làm chúng ta xứng đáng được cứu. Để xứng đáng với sự cứu rỗi có nghĩa là chúng ta phải làm gì đó để xứng đáng có được nó. Thế thì, những việc chúng ta làm sẽ phải thật tốt lành, thật hoàn hảo, không có sự pha trộn tội lỗi nào trong đó, đến nỗi Đức Chúa Trời buộc phải ban cho chúng ta sự cứu rỗi. Tôi tin rằng Tân Ước rất rõ ràng không ai trong chúng ta có thể sống một cuộc sống đủ tốt để kiếm được sự cứu rỗi. Chúng ta nhận được sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong khi chúng ta còn là kẻ có tội (Ê-phê-sô 2:1-6). Đó là lý do tại sao chúng ta cần một Đấng Cứu Rỗi, một sự chuộc tội—cũng như tại sao chúng ta cần ân điển.
Người ta thường nói “Không ai là hoàn hảo cả” và tất cả chúng ta đều nhất trí với điều đó. Nhưng không phải ai cũng thực sự hiểu câu nói đó. Bằng cách nào đó, nhiều người nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ hạ tiêu chuẩn xuống một chút và “miễn là cuộc sống của tôi ít tội lỗi hơn của người khác, thì nói một cách tương đối, tôi đủ tốt để vào vương quốc của Ngài.” Nhưng chúng ta quên rằng Đức Chúa Trời đòi hỏi phải hoàn toàn tuân theo luật pháp của Ngài, và nếu chúng ta không vâng lời Ngài một cách tuyệt hảo, thì chúng ta ắt phải nhận được sự cứu rỗi qua một con đường khác. Và con đường khác đó chính là Đấng Christ. Đấng Christ trao mọi công đức của chính Ngài cho chúng ta. Khi tôi tin Ngài bởi đức tin, thì sự công bình của Ngài trở nên sự công bình của tôi dưới cái nhìn của Đức Chúa Trời. Vì vậy, chính việc lành của Ngài đã cứu - chứ không phải việc tốt của chúng ta.
Tuy nhiên, với lòng biết ơn Chúa, chúng ta được kêu gọi phải vâng phục. Chúa Giê-xu phán: “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì vâng giữ các điều răn của ta.” Martin Luther đã dạy rằng sự xưng công bình chỉ duy đức tin. Nhưng ông đã mở rộng khái niệm này bằng cách nói rằng sự xưng công bình chỉ qua duy đức tin, chứ không phải qua một đức tin nào đó mà không kèm theo bông trái của đức tin thật. Nếu người đó có đức tin chân chính, thì đức tin chân chính đó sẽ thể hiện qua một đời sống vâng lời. Nói đơn giản, chúng ta được vào thiên đàng nhờ sự công bình của Chúa Giê-xu, nhưng phần thưởng trên thiên đàng sẽ được phân phát tùy theo sự vâng lời của mỗi chúng ta.