top of page

Nhân Chi Sơ, Tính Bổn Thiện?



Ở Việt Nam, người ta thường nói với nhau rằng: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, để nói rằng, con người vốn dĩ là lương thiện, hiền lành. Những đứa trẻ được sinh ra đều là những tờ giấy trắng, chúng rất ngây thơ, trong sáng; cho đến những năm trở lại đây, khi người ta chứng kiến những vụ án tàn nhẫn, mà hung thủ lại là trẻ con. Tuy còn ở lứa tuổi thiếu nhi, nhưng chúng đã ra tay một cách tàn bạo với nạn nhân, chúng thậm chí còn ra tay lên chính người thân của mình. Sau hàng loạt vụ án như vậy, người ta bắt đầu đặt ra câu hỏi: Liệu trẻ con có ngây thơ như chúng ta tưởng? Bản chất con người là thiện hay ác?



Phần 1: Thí nghiệm Milgram!


Vào tháng 4 năm 1961, diễn ra phiên tòa xét xử một vị tướng của Đức quốc xã, vì tội ra tay tra tấn và giết hại nhiều người Do thái. Nhưng suốt phiên tòa, ông đều bào chữa rằng bản thân ông chỉ làm theo mệnh lệnh mà thôi, ông không hề có tội trong chuyện này. Kết thúc phiên tòa, lời bào chữa này không cứu được ông, và ông đã bị kết án tử hình. Tuy nhiên, thái độ bào chữa này lại thu hút một nhà tâm lý học Milgram. Ông tự hỏi, liệu con người nếu nhận mệnh lệnh của người khác, thì họ có thẳng tay thực hiện những hành vi mất đạo đức hay không.


Và từ đó, thí nghiệm Milgram ra đời, thí nghiệm này gồm 3 nhân vật: Giám sát, giáo viên, và học sinh. Trong đó, giám sát và học sinh là các diễn viên của Milgram cài vào, chỉ có người đóng vai làm giáo viên mới là người được thử nghiệm. Giám sát là người ra lệnh cho giáo viên đọc câu hỏi, học sinh có nhiệm vụ trả lời, nếu học sinh trả lời sai, giáo viên phải làm theo mệnh lệnh của giám sát, đó là ấn công tắc gây sốc điện học sinh, và cường độ sốc điện sẽ tăng dần sau mỗi lần học sinh trả lời sai. Điện áp cao nhất là 450 vôn, là mức điện áp cực kỳ nguy hiểm. Tuy nhiên, giáo viên không hề biết rằng, đó chỉ là những công tắc giả, thực sự không có hệ thống sốc điện nào cả, ở bên phòng của học sinh, người ta sẽ bật những tiếng kêu gào, đau đớn đã được thu âm từ trước.


Kết quả thí nghiệm khiến tất cả mọi người đều kinh ngạc, 65% trong số người được thử nghiệm, đã ấn công tắc ở cao nhất, là 450 vôn, họ sẵn sàng tăng mức điện áp lên học sinh, chỉ vì được người giám sát trấn an rằng: “Anh sẽ không chịu bất cứ trách nhiệm nào đâu, cứ tiếp tục đi!”. Kết quả này cho thấy rằng, con người chúng ta có xu hướng sẵn sàng thực hiện những hành vi vô đạo đức, nếu được ra lệnh bởi người có thẩm quyền. Ngoài ra, còn có một vài thí nghiệm khác, cho thấy rõ được xu hướng độc ác của con người, chỉ cần có người chịu trách nhiệm thay mình, con người sẵn sàng thực hiện hành vi độc ác, mà vẫn xem đó là bình thường.



Phần 2: Kinh thánh nói gì?


Thí nghiệm do con người thực hiện đã một phần nào đó nói lên bản chất sâu xa của chúng ta, nhưng nếu muốn biết rõ bản chất của một sản phẩm, ta cần phải hỏi người thiết kế ra sản phẩm đó, tương tự như vậy, muốn hiểu rõ con người, ta cần phải hỏi Thượng Đế, là Đấng Tạo Hóa tạo ra con người. Thượng đế đã bày tỏ rõ ràng về bản chất con người trong Kinh thánh như sau:


Lòng người ta là dối trá hơn muôn vật, Và rất là xấu xa. Ai có thể biết được. (Giê 17:9)

Họ đầy dẫy mọi điều bất chính, gian ác, tham lam, hiểm độc; lòng đầy ganh tị, giết người, gây gổ, dối trá, nham hiểm; nói hành, vu khống, thù ghét Đức Chúa Trời, xấc xược, kiêu ngạo, khoe khoang, chuyên làm điều ác, không vâng lời cha mẹ; dại dột, bội tín, không có tình người, không có lòng thương xót. Họ thừa biết luật của Đức Chúa Trời định rằng những ai phạm các tội như thế là đáng chết. Vậy mà chẳng những họ làm những điều đó, lại còn tán thành cho người khác làm nữa. (Ro 1:29-32)

Lời Chúa nói rất rõ ràng, tấm lòng con người là nơi chất chứa mọi điều xấu xa, gian ác. Tấm lòng con người là một kẻ dối trá tài ba, và nạn nhân bị lừa dối thường xuyên nhất, không phải là ai khác, mà là chính bản thân họ. Con người thường xuyên tự lừa dối mình, và họ thậm chí còn thấy hài lòng với điều đó, họ lừa dối chính mình về những lối sống sai trật, họ tích cực cổ súy những lối sống tội lỗi, như: “Sống là phải hưởng thụ, vì chết là hết! Trên đời này chẳng có Thượng đế nào cả, tôi có quyền sống theo ý tôi muốn!”


Ngoài ra, còn có những câu về cuộc sống nghe rất triết lý, nhưng thực chất chỉ là một sự lừa gạt tinh vi, như: “Hạnh phúc không phải là đích đến, mà là quá trình đi đến đó!”, hay là: “Sống trên đời không cần phải có mục đích, miễn là phải sống trọn vẹn mỗi ngày là được!” Đó chẳng qua là những câu trấn an, chống chế cho một tình trạng tuyệt vọng không lối thoát của loài người. Vì họ sống xa Thượng Đế, nên họ không thể tìm được mục đích sống cho mình, và để tự trấn an cho tình trạng khốn cùng của mình, họ phát biểu nên những câu nghe có vẻ triết lý, nhưng nó chỉ thể hiện rất rõ vòng lẩn quẩn không lối thoát của con người mà thôi. Bản chất của nó cũng giống như khoảnh khắc mà tử tù ngồi cố tận hưởng bữa ăn cuối cùng, cố tìm cách tự an ủi mình ở những giờ phút cuối cùng, trước khi ra pháp trường. Con người cũng vậy, sống theo những câu triết lý dối trá và giả tạo như vậy, chỉ khiến con người càng lấn sâu trong tình trạng tuyệt vọng của mình. Họ chỉ có thể thay đổi khi quay trở về sống đúng mục đích mà Thượng đế đã thiết lập, khi Ngài tạo dựng nên họ.



Phần 3: Trẻ con có phải là tờ giấy trắng?


Trở lại với câu hỏi ở tựa đề, có phải một đứa bé được sinh ra là hoàn toàn ngây thơ, trong sáng, là một tờ giấy trắng, như chúng ta vẫn nghĩ? Kinh thánh thì nói hoàn toàn ngược lại, trẻ con sinh ra như một tờ giấy đen, đầy tội lỗi và gian ác. Kinh thánh chép rằng:


“Kẻ ác lầm lạc từ trong tử cung. Mới lọt lòng đã sai phạm, dối gian.” (Thi 58:3)

“Thật, con sinh ra trong sự gian ác, Mẹ con đã hoài thai con trong tội lỗi.” (Thi 51:5)

Bạn hãy quan sát một đứa bé mà xem, không ba mẹ nào dạy cho nó cách nói dối, nhưng nó đã biết nói dối ngay khi còn rất nhỏ. Không ai dạy nó phải sống ích kỷ, nhưng nó đã thể hiện bản tính ích kỷ từ khi còn rất nhỏ, ví dụ, nó có thể không thèm chơi món đồ chơi mà ba mẹ cho, nhưng nếu có một đứa bé khác bò lại, và cầm món đồ chơi đó, nó sẽ giật lại ngay. Đó là điều chúng ta thường xuyên thấy ở những đứa trẻ. Chúng ta nghĩ trẻ con không biết nói dối, mà luôn luôn nói thật sao, không đâu, trẻ con chỉ nói thật khi chúng không có lý do nào để nói dối mà thôi, nếu có lý do rõ ràng, chúng sẽ nói dối ngay lập tức. Ngoài ra, trẻ con thường có tật ăn vạ với người lớn, mỗi lần có điều gì khiến nó không hài lòng, nó sẽ ăn vạ ngay, nó sẽ kêu la, khóc lóc, nằm vật ra nền nhà, thậm chí còn đánh lại cả ba mẹ, vì sao vậy, đó là biểu hiện rất rõ cho sự kiêu ngạo trong con người chúng, khi chúng xem mình là trung tâm, bắt mọi thứ phải chiều theo ý mình. Những kẻ ác không trở nên ác độc bởi môi trường xung quanh, họ đã ác độc kể từ khi sinh ra, trẻ con không cần dạy để trở nên dối trá, hay ích kỷ; đó là bản năng của chúng rồi.


Vậy thì tại sao bản chất con người vừa mới sinh ra là đã sai phạm, dối trá? Đó là bởi vì từ khi con người đầu tiên phạm tội sa ngã, họ đã xa cách Thượng đế, Kinh thánh chép rằng: “Bởi một người mà tội ác đã vào trong thế giới.” Vì người đầu tiên đã có mầm mống gian ác, và tội lỗi; nên tất cả mọi người trên thế giới đều bị di truyền bởi bản chất tội lỗi đó. Vì vậy cho nên, “Chẳng có một ai công chính cả, Dù một người cũng không. Chẳng có một người nào hiểu biết, Chẳng có một người nào tìm kiếm Đức Chúa Trời. Tất cả đều lầm lạc, đều trở nên vô ích; Chẳng có một ai làm điều lành, dù một người cũng không.” (Ro 3:10-12)

Phần 4: Kết quả của những kẻ ác?


Vậy thì kết cục của những kẻ ác sẽ như thế nào? Kinh Thánh chép rất nhiều về số phận của những kẻ ác, chúng ta sẽ cùng xem qua một số câu nổi bật:


Vì Đức Giê-hô-va biết đường lối người công chính, Nhưng đường lối kẻ ác sẽ bị diệt vong. (Thi 1:6)

Đức Chúa Trời là thẩm phán công minh, Là Đức Chúa Trời hằng ngày nổi giận với kẻ ác. (Thi 7:11)

Kìa kẻ dữ cưu mang gian ác, Hoài thai hiểm độc, Và sinh ra dối trá. Hắn đào hầm, đào hố. Nhưng lại té xuống hố đã đào. Tội ác hắn đổ lại trên đầu hắn. Và sự bạo hành giáng trên trán hắn (Thi 7: 14-16)

Ngoài ra, còn rất rất nhiều câu Kinh thánh khác, tuyên bố rõ rằng, Thượng Đế sẽ báo thù kẻ ác, vì hằng ngày kẻ ác phạm vô số tội lỗi với Ngài: ghen ghét, tham lam, kiêu ngạo, ích kỷ, dối trá, phạm thượng, giết người, v.v…, và tội lớn nhất mà con người phạm với Ngài, đó là tội vô tín. Tội vô tín là gì? Đó là tội không tin nhận sứ điệp tin lành của Ngài, là sứ điệp mà Ngài dùng Chúa Giê-xu bày tỏ cho con người, sự vô tín là thể hiện cao nhất cho sự chống đối của con người đối với Thượng Đế.


Kẻ ác sẽ rất khốn khổ trong đời này, cả cuộc đời họ phải nghĩ cách để đấu đá, vụ lợi, dìm người khác xuống, và họ phải gánh trọn mọi hậu quả từ những việc ác họ gây ra. Họ phung phí cả một đời người, sống một cách vô nghĩa, và đó cũng là mẫu số chung cho những người sống quay lưng với Chúa, không ai có thể tìm ra mục đích sống của đời mình nếu quay lưng với Chúa. Không chỉ khổ trong đời này, họ còn phải chịu hình phạt đời đời sau khi chết nếu không ăn năn, và tin nhận Chúa Giê-xu. Chỉ có Chúa Giê-xu mới có thể giúp họ thoát khỏi cơn thạnh nộ của Thượng Đế, đồng thời Ngài cũng giúp họ thoát khỏi tội lỗi, và sống một cuộc đời thực sự có ý nghĩa và thỏa lòng.


Sống Lại Thời Cải Chánh

©2024 Reformed VTM All Rights Reserved

bottom of page