![](https://static.wixstatic.com/media/42f107_4d82a989a583472e83e8f9766ece1beb~mv2.jpg/v1/fill/w_980,h_551,al_c,q_85,usm_0.66_1.00_0.01,enc_auto/42f107_4d82a989a583472e83e8f9766ece1beb~mv2.jpg)
Có một câu hỏi thường xuất hiện trong các giờ giải đáp thắc mắc của các mục sư, nếu các bạn thường tham gia các kỳ trại hè, bồi linh; thì chắc có thể đã nghe qua. Đây là câu hỏi mà những bạn thiếu nữ thường hay thắc mắc và băn khoăn khi suy nghĩ về người bạn đời của mình, câu hỏi đó đại khái như thế này: “Làm thế nào có thể tìm được một người nam tin kính trong Hội thánh, vì dường như có quá ít những người nam thuộc linh trong cộng đồng cơ đốc, họ chỉ toàn bận tâm những thứ như thể thao, giải trí, phim ảnh, âm nhạc; những bạn nam đã đi làm toàn nói những chuyện kinh tế, làm ăn, tiền bạc, chức quyền; hầu như không hề thấy ai đề cập nhiều đến chuyện tâm linh; dù gặp nhau trong những buổi nhóm, họ cũng chỉ nói về những thứ bên lề như vậy.” Khi mục sư đọc những câu hỏi như vậy, có thể phòng nhóm sẽ vang lên những tiếng cười ở đâu đó. Tuy nhiên, khi nghe những câu hỏi vậy, trong đầu tôi thường xuất hiện nhiều luồng suy nghĩ và trong lòng tôi cũng có nhiều cảm giác khác nhau. Nhưng trước hết, câu hỏi này cho tôi biết 2 sự thật:
Thứ nhất, tôi biết đây là một thiếu nữ đã trưởng thành và tin kính, thể hiện qua sự quan tâm nghiêm túc cho hôn nhân của mình, việc khao khát tìm một bạn nam tin kính, được đặt ưu tiên hơn những chuyện như tính cách, ngoại hình, xuất thân của bạn nam đó; cho ta thấy đây là một người nữ tin kính và xem trọng đời sống thuộc linh của mình. Thứ hai, câu hỏi này cho tôi thấy có một sự thật đáng buồn, rằng trong Hội thánh ngày càng thiếu vắng những người nam tin kính. Tình hình nhân sự ở hầu hết các Hội thánh luôn có sự chênh lệch về giới tính, nữ giới đông hơn nam giới. Từ ban truyền giáo, chứng đạo, chăm sóc, linh vụ,… nếu để ý một chút chúng ta sẽ thấy ngay rằng nữ giới luôn đông hơn nam giới.
Do vậy, tôi cảm thấy đồng cảm và buồn cho những bạn thiếu nữ tin kính này, bạn chỉ ra một sự thật mà nhiều người trong chúng ta đã vô tình bỏ qua. Trong Hội thánh, những bạn nam ở lứa tuổi thanh thiếu niên, thậm chí thanh tráng hay tráng niên có tình trạng thuộc linh nghèo nàn, yếu đuối, nguội lạnh hơn giới nữ. Họ quan tâm đến chuyện đời tạm hơn chuyện đời đời, bàn luận về chuyện giải trí thay vì giải kinh, hỏi nhau về tiền bạc thay vì tiền hôn nhân….
Một thống kê gần đây trên toàn nước Mĩ giúp chúng ta hiểu hơn về tầm quan trọng của người nam đối với gia đình, cụ thể như sau: có 25 triệu trẻ em không có cha, có 40% học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 không có cha, hiện tại có hơn 50% em bé được sinh ra trước khi ba mẹ chúng kết hôn, có 85% tù nhân được lớn lên trong gia đình thiếu vắng người cha, 85% các trẻ mắc chứng rối loạn hành vi sống trong gia đình không có cha, 90% những thanh niên bỏ nhà đi bụi và thành người vô gia cư lớn lên mà không có cha.
Ta thấy rằng vai trò của người nam, người chồng, người cha trong gia đình là vô cùng quan trọng và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế hệ sau này. Và những con số trên là bằng chứng rõ ràng cho thấy xã hội ngày nay không hề hiệu quả trong việc giáo dục con người, trẻ em bị ảnh hưởng bởi những văn hóa đại chúng, phim ảnh, sách báo, lối sống của gia đình, dẫn đến tương lai chúng biến thành những người nam vô trách nhiệm, những người nữ thiếu tự trọng. Chúng ta là sản phẩm của văn hóa, quan niệm, tiêu chuẩn đạo đức ngày càng đi xuống của xã hội này.
Vậy nên, chủ đề hôm nay, chúng ta sẽ học về những lời dạy của Kinh thánh về một người nam do Đức Chúa Trời tạo dựng là thế nào. Tuy nhiên, tôi cũng xin báo trước, đây không phải là những mánh khóe, hay kĩ năng; kiểu như: 5 bước để trở thành người chồng mẫu mực, 7 bước để làm một người cha tốt,…giống như những bài viết nhan nhản ở các trang báo cơ đốc hiện tại. Trong bài viết này, chúng ta sẽ học những nền tảng của một cơ đốc nhân tin kính, vì muốn là một người nam tin kính, trước tiên bạn phải là một cơ đốc nhân tin kính đã. Vậy đâu là nền tảng của một người cơ đốc tin kính:
Lời Chúa
Đầu tiên, sau khi một người trở nên con Đức Chúa Trời, thì gốc rễ của mọi nếp sống cơ đốc không phải do người đó tự tưởng tượng, tự suy luận mà ra. Nó phải đến từ sự bày tỏ của Ngài, muốn xây dựng một đời sống cơ đốc đúng đắn, chúng ta cần biết bản chất của Đức Chúa Trời là gì, đặc tính của Ngài là thế nào, Ngài vui thích điều gì, ghét điều gì, kế hoạch của Ngài cho những người tin là gì. Chúng ta cũng cần biết chúng ta là ai, bản chất chúng ta thế nào, tương lai chúng ta đi về đâu, tại sao chúng ta lại ở đây, lý do chúng ta được sinh ra là gì. Chúng ta chỉ có thể khám phá những điều đó trong Lời Chúa. Kinh thánh chép rằng:
‘Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, nhưng cũng nhờ mọi lời nói từ miệng Đức Chúa Trời.’ (Mat 4:4)
Câu Kinh thánh này bày tỏ một chân lý, không phải đồ ăn, thức uống giúp chúng ta sống; chúng chỉ giúp chúng ta tồn tại. Lời Chúa mới là thứ cho chúng ta sự sống, giúp chúng ta kinh nghiệm sự sống. Chúng ta thường lầm tưởng giữa 2 ý niệm: “sống” và “tồn tại”. Nói đến chữ “sống”, chúng ta thường nghĩ ngay đến những hoạt động như: hít thở ăn uống, di chuyển, sinh hoạt. Không phải như vậy đâu, đó mới chỉ là tồn tại. Nếu bạn cũng như bao nhiêu người khác, phải đi làm kiếm tiền để nuôi bản thân, mọi lĩnh vực khác của đời sống chỉ xoay quanh việc làm thế nào để kiếm thật nhiều tiền để lo tấm thân. Thì đó là bạn chỉ đang tồn tại. Sự sống mà Chúa định nghĩa, đó là sự nhận biết Đức Chúa Trời, đó là thái độ tôn kính, thờ phượng, biết ơn Ngài là Đấng Tạo Hóa. Vì ngay từ đầu, Ngài không ban cho bạn sự sống để bạn chỉ sinh tồn nuôi sống bản thân, nhưng là để bạn khám phá Ngài, để Ngài có thể bày tỏ Ngài cho bạn, để bạn nhận biết Ngài. Vậy khi nào bạn mới thực sự đang sống? Đó là khi bạn nhận biết lý do bạn có mặt trên đời, đó là khi bạn sống đúng mục đích mà Chúa tạo dựng bạn, đó là khi bạn đeo đuổi ý nghĩa thật của đời sống. Sự sống mà bạn đang có là để khám phá Nguồn Sống, khám phá Đấng ban sự sống; chứ nó không đơn giản dừng lại ở việc bạn cố gắng sinh tồn.
Vậy làm sao để có thể “sống nhờ mọi Lời ra từ miệng Đức Chúa Trời”? Sau khi nhận sự sống đời đời để trở nên một cơ đốc nhân, bạn cần tăng trưởng, dầm thấm trong nó, kinh nghiệm sự sống, nếm biết ân điển của Ngài, khám phá sâu sắc hơn sự sống đời đời là thế nào. Để có thể làm được điều đó, bạn phải có trong tay Kinh thánh, bạn phải tiếp nhận Lời của Ngài thường xuyên để có thể lớn lên trong sự hiểu biết Ngài, hiểu biết thế giới vô hình, tiếp nhận những lẽ đạo thuộc linh mà thế gian sẽ không thể hiểu hoặc tiếp thu được. Từ đó, bạn sẽ được kinh nghiệm ân điển của Ngài, kinh nghiệm sự sống động trong mối liên hệ với Ngài. Không chỉ được sống đầy trọn và ý nghĩa, Lời Chúa cũng cho bạn được dự phần trong công việc Ngài, Kinh thánh chép rằng:
“Vì chúng ta là công trình của tay Ngài, được tạo dựng trong Đấng Christ Jêsus để thực hiện những việc lành mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị từ trước để chúng ta làm theo.” (Eph 2:10)
Câu này cho chúng ta biết một trong những mục đích mà Ngài tái sinh chúng ta, tạo dựng chúng ta thành một tạo vật mới, ban cho chúng ta sự sống, đó là để làm những việc lành mà Ngài đã chuẩn bị trước. Câu “Đức Chúa Trời đã chuẩn bị từ trước” cho chúng ta thấy, đây không phải là công việc của riêng chúng ta, chúng ta không phải là người khởi xướng, người tạo ra nó, mà chính Chúa là Đấng đã dự bị sẵn, chính Ngài sẽ làm công việc Ngài, nhưng trong quá trình hoàn thành nó, bởi lòng thương xót, Ngài đưa con cái Ngài vào dự phần công việc đó, đó là đặc ân Ngài ban cho chúng ta, và Ngài cũng đã định sẵn kết quả công việc Nước Trời, Ngài đã định sẵn thành quả của nó từ trước sáng thế. Chính vì vậy, việc chúng ta dự phần vào, không có nghĩa là chúng ta đang giúp đỡ, hay hỗ trợ Ngài; mà là để chúng ta được biết Ngài, được thánh hóa trở nên giống Ngài. Nhưng để làm những việc lành của Ngài, chúng ta cần phải được trang bị, không phải ít, mà phải được trang bị rất nhiều thứ, và thứ quan trọng nhất chính là Lời Chúa. Vì sứ đồ Phao-lô đã dạy rằng:
“Cả Kinh Thánh đều được Đức Chúa Trời cảm thúc, có ích cho sự dạy dỗ, khiển trách, sửa trị và huấn luyện trong sự công chính, để người của Đức Chúa Trời được toàn vẹn và sẵn sàng cho mọi việc lành.” (2 Tim 3:16-17)
Đây là câu Kinh thánh quen thuộc, nhưng Hội thánh chỉ quen thuộc ở vế đầu, họ thường bỏ qua câu 17, câu nói lên tầm quan trọng và mục đích của Kinh thánh cho cơ đốc nhân, đó là: được toàn vẹn, và sẵn sàng làm MỌI VIỆC LÀNH. Lời Chúa không chỉ là nguồn sống, mà đó còn là công cụ, là phương tiện để chúng ta sống đúng đắn, để có thể làm mọi việc mà Ngài đã chuẩn bị trong việc mở mang Nước Trời. Còn cụ thể làm thế nào để áp dụng Lời Chúa vào những việc lành đó thì chúng ta sẽ học vào những chủ đề tiếp theo. Trong phạm vi lần này, chúng ta chỉ tập trung thảo luận về những nền móng xây dựng nên một người tin kính, điều đầu tiên đó là Lời Chúa.
Đời sống cầu nguyện
Tiếp theo, chính là cầu nguyện, là một sinh hoạt tâm linh rất quen thuộc với tất cả mọi người, nhất là cơ đốc nhân, từ trẻ nhỏ đến người lớn, từ người mới tin hay đã tin Chúa lâu năm, ai cũng có thể cầu nguyện được. Và vì việc cầu nguyện đơn giản và dễ thực hiện, nó không đòi hỏi một sự kỷ luật, không đòi hỏi thời gian và tâm sức nghiên cứu giống như việc học Kinh thánh. Nên chúng ta thường xuyên xem nhẹ đời sống cầu nguyện, về mặt tâm lý, bình thường những việc khó khăn hơn sẽ được chúng ta đánh giá cao hơn, và tương tự như vậy, vì việc đọc, học, nghe Lời Chúa đòi hỏi nhiều thời gian, nỗ lực nhiều về đầu óc, và kiên trì; cho nên thông thường việc học hỏi Kinh thánh được người ta đánh giá cao hơn, quan tâm nhiều hơn, bàn luận nhiều hơn; so với việc cầu nguyện.
Nhưng sự thật không phải như vậy, có lần một người hỏi diễn giả lừng danh Charles Spurgeon rằng: “Theo ông, giữa việc đọc Kinh thánh và cầu nguyện, cái nào quan trọng hơn?”. Spurgeon trả lời ngay: “Thế cho tôi hỏi, giữa việc hít vào và thở ra, cái nào quan trọng hơn?”. Để trở thành một người tin kính, nhất là khi bạn là nam giới, là giới tính được Chúa giao cho trách nhiệm lãnh đạo. Bạn không thể xem thường việc cầu nguyện, tuyệt đối không! Đối với một cơ đốc nhân, cầu nguyện là hành động chúng ta sử dụng phần tâm linh để tương giao với Chúa, cầu nguyện là một hình thức thờ phượng và hầu việc Đức Chúa Trời. Sứ đồ Phao-lô dạy tín hữu rằng: “Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi”. Việc cầu nguyện phải diễn ra thường xuyên trong nếp sống sinh hoạt của người cơ đốc, chúng ta không thể kinh nghiệm sự sống động trong mối liên hệ với Chúa nếu không cầu nguyện. Giờ cầu nguyện là giờ chúng ta ngợi khen, thờ phượng Ngài, tôn vinh ân điển vinh quang của Ngài, đó là giờ chúng ta được khoái lạc trong Ngài, đó là giờ chúng ta trải lòng, sống thật trước mặt Ngài. Qua sự cầu nguyện, cơ đốc nhân được Ngài bổ sức lại, tha thứ tội lỗi, chữa lành những thương tổn trong lòng. Đức Chúa Trời rất muốn chúng ta cầu nguyện cùng Ngài, Ngài muốn chúng ta bày tỏ đức tin nương cậy Ngài, Ngài muốn ban cho chúng ta những điều tốt lành mà Ngài đã hứa trong Kinh thánh, với điều kiện chúng ta phải cầu xin Ngài. Nó cũng giống như một người cha, đôi khi ông muốn cho con mình một món đồ chơi, hoặc một món ăn ngon nào đó, nếu đứa con nhút nhát không dám xin cha mình, ông sẽ ra hiệu, gợi ý để con mở lời, rồi ông sẽ vui vẻ cho ngay. Đó cũng tương tự với mối liên hệ với Cha trên trời của chúng ta, có những thứ Cha rất muốn ban cho, và Ngài cũng đã hứa một khi chúng ta xin, Ngài sẽ cho ngay.
Trong Giăng 15:16 Chúa Jesus phán rằng: “Không phải các con đã chọn Ta, nhưng Ta đã chọn và bổ nhiệm các con, để các con đi, được kết quả, và quả của các con cứ còn mãi; để bất cứ điều gì các con nhân danh Ta cầu xin Cha thì Ngài ban cho các con.” Hoặc trong câu 7 Chúa phán: “Nếu các con cứ ở trong Ta và lời Ta cứ ở trong các con, hãy cầu xin bất cứ điều gì mình muốn, các con sẽ nhận được điều đó.”
Sau khi tích lũy được đầy đủ Lời của Ngài, có một sự hiểu biết nhất định về Ngài, chúng ta sẽ khám phá những điều Chúa muốn trên đời sống mình, và khi đó, cầu nguyện là phương cách để Chúa thi hành những điều đó trên đời sống chúng ta, chúng ta sẽ kinh nghiệm Lời Chúa ứng nghiệm trên đời sống chúng ta, và càng ngày sự nhận biết trong tâm trí, trong tấm lòng chúng ta về Chúa sẽ càng tăng lên. Chúng ta sẽ đầy dẫy Đức Thánh Linh, sống một đời sống đầy trọn và khoái lạc trong Ngài, chúng ta sẽ kinh nghiệm sự bình an thật, niềm vui thật, sự ăn năn thật trên bước đường theo Chúa, có thêm sức mạnh để vác thập tự tiếp bước trên con đường hẹp. Vì vậy, hãy cầu nguyện không thôi, hãy xem việc cầu nguyện như là hít thở, nếu không làm, chúng ta sẽ chết.
Đó là lý do tại sao từ thời luật pháp, thời các tiên tri, đến thời Chúa Jesus và các sứ đồ, có rất nhiều tấm gương cầu nguyện để chúng ta noi theo, và nổi bật nhất trong sự cầu nguyện chắc chắn phải là Chúa Jesus, dù đã trải qua một ngày bận rộn và mệt mỏi, Ngài vẫn dành thâu đêm cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời. Tôi tin rằng vì lý do đó mà có đôi lúc Ngài ngủ quên trên thuyền, trong khi đang gặp bão, vì lúc đó có thể Ngài đã quá kiệt sức, đến nỗi không thể dậy nổi dù con thuyền đang gặp bão dữ dội.
Đó là 2 nền tảng vững chắc xây dựng một đời sống tin kính, dù nam hay nữ, trẻ hay già, dù có là mục sư hay tín đồ bình thường, nó quan trọng đối với tất cả các cơ đốc nhân. Trước khi trở thành một người nam tin kính, một người chồng, một người cha tin kính, bạn phải xây dựng cho mình những nền tảng tin kính như bao người khác. Sau khi đã là một người cơ đốc tin kính, thì việc trở thành một người nam tin kính sẽ vô cùng đơn giản và dễ hiểu, và đó cũng là vấn đề chúng ta sẽ thảo luận trong lần tới.
(còn tiếp)