![](https://static.wixstatic.com/media/edbf0d_3b0949569bae466581ae325991a8cdcd~mv2.jpg/v1/fill/w_980,h_551,al_c,q_85,usm_0.66_1.00_0.01,enc_auto/edbf0d_3b0949569bae466581ae325991a8cdcd~mv2.jpg)
Phần 1: Hạnh phúc giả tạo!
Là con người, ai trong chúng ta cũng mong muốn một cuộc sống bền vững, an toàn, khỏe mạnh, tràn đầy niềm vui, yêu thương, ai cũng muốn một cuộc đời không còn đau khổ, bất an, áp lực; nói chung, con người luôn tìm kiếm 2 chữ “hạnh phúc”. Thế nhưng, một mong muốn nghe có vẻ đơn giản như vậy lại khiến nhân loại từ xưa đến nay đau đầu, vì con người không thể hiểu thế nào là hạnh phúc thật, các triết gia, các vĩ nhân cũng cố gắng định nghĩa 2 chữ “hạnh phúc”, thế nhưng vẫn không thể có một kết luận chung vì mỗi người đều có những định nghĩa khác nhau, vì không thể hiểu hạnh phúc nên cũng không thể nào có được hạnh phúc. Thực tế mà nói, con người từ xưa đến nay vẫn đối mặt với nhiều khổ đau, bất an, ganh ghét, sự cô đơn, mất phương hướng, chán ghét cuộc đời, vân vân.
Và vì nhìn thấy xung quanh mình, ai cũng đau khổ như ai, nên chúng ta dần chấp nhận sự bất lực này, giống như Phật Thích Ca cũng đã hiểu sự bất lực này và đã phát biểu rằng: “Đời là bể khổ!”
Và để giải quyết cho vấn đề này, chúng ta dần mặc định rằng, mỗi người nên có một định nghĩa hạnh phúc cho riêng mình; nghĩa là điều gì làm mình hài lòng, thỏa mãn, khi nào được “vạn sự như ý”; thì đó là hạnh phúc. Và nói chung, con người hiện đại ngày nay ngày càng cổ xúy cho điều này, và kết quả là càng tạo ra thêm nan đề mà không giải quyết được chuyện gì. Podcast này sẽ giúp bạn hiểu được vì sao con người không thể tìm được hạnh phúc!
Câu trả lời có thể khiến nhiều người bất ngờ, đó là do bấy lâu nay con người chưa bao giờ đi tìm hạnh phúc thật, cái mà con người đi tìm, đó là cảm giác hạnh phúc, chứ không phải hạnh phúc, hay nói đúng hơn, nó là một thứ hạnh phúc giả tạo. Vì sao nó lại là hạnh phúc giả tạo, ta có 3 lý do sau đây:
Lý do thứ nhất, vì cảm giác là thứ chỉ mang tính tạm thời, nó dễ thay đổi bởi nhiều thứ tác động xung quanh chúng ta. Những người cảm thấy cô đơn, bế tắc, áp lực trong công việc; họ thường tìm đến rượu bia, những bữa tiệc tùng thâu đêm suốt sáng, đi đến các quán bar, club; sử dụng các chất kích thích để quên đi những gánh nặng của cuộc sống. Vì họ muốn tìm được cảm giác hạnh phúc cho riêng mình, tìm được cảm giác thỏa mãn vì được làm điều mình muốn; mặc dù đúng là họ có thể cảm thấy thích thú, thỏa mãn khi làm như vậy; nhưng khi quay lại với cuộc sống thật thì sao, những vấn đề vẫn còn đó, vẫn phải đối mặt với những áp lực riêng, mà thực tế ra, khi quay trở lại, cảm giác tồi tệ còn lớn hơn trước khi tìm đến những quán bar, tiệc tùng.
Những người gặp vấn đề trong các mối quan hệ như gia đình hay mâu thuẫn, vợ chồng hay nghi ngờ lẫn nhau, thất bại trong hôn nhân; thì thường tìm cách lao đầu vào công việc, cày ngày cày đêm kiếm tiền, vì muốn thoát khỏi những áp lực từ các mối liên hệ. Họ làm vậy vì nghĩ rằng tiền có thể mang lại cảm giác an toàn, hạnh phúc. Và khi làm vậy, mặc dù họ có thể có nhiều tiền hơn, mức sống khá hơn, nhưng mối liên hệ không những không được cải thiện mà còn trở nên tệ hơn trước, do phần lớn thời gian họ dành để kiếm tiền, nên mối liên hệ với những người thân càng ngày rạn nứt dần và đến một lúc nào đó không thể hàn gắn được. Nhiều gia đình tuy rất giàu có, nhưng vợ chồng thì chỉ còn nghĩa, không còn tình; con cái và cha mẹ thì có khoảng cách và lạnh nhạt . Và cuối cùng, cảm giác hạnh phúc tạm thời mà tiền đem lại cũng không còn, chẳng ai có thể sống trong một căn biệt thự, hoặc ngồi trong xế hộp sang trọng cùng với những người mà mình gần như cảm thấy lạnh nhạt, đi ra đi vô không ai nhìn mặt nhau, chẳng ai quan tâm nhau. Không một ai có thể nói rằng người sống như vậy là hạnh phúc cả. Bạn chắc còn nhớ câu nói đau lòng của Đặng Lê Nguyên Vũ: “Tiền nhiều để làm gì, để mà ngồi ở tòa như thế này?”.
Chúng ta thấy rằng, cái cảm giác hạnh phúc mà con người muốn có chỉ là thứ mang tính nhất thời, và việc đi tìm thứ hạnh phúc giả tạo đó để lại hậu quả không hề nhỏ chút nào, nó khiến con người ngày càng trầm cảm hơn, thay vì có được hạnh phúc như họ từng nghĩ. Tuy nhiên, có nhiều người đến tận lúc gần đất xa trời mới nhận ra sự thật đau lòng này.
Lý do thứ hai, thứ cảm giác hạnh phúc này có được dựa trên những mong muốn cá nhân của chúng ta, và điều này sẽ tạo ra rất nhiều xung đột, nan đề trong xã hội con người.
Điều này được thấy rất nhiều ở giới tội phạm, một tên tội phạm có thể làm mọi thứ để có được cái hắn muốn, để hắn cảm thấy thỏa mãn, hạnh phúc; bằng cách giết người, cướp bóc, khủng bố, vân vân. Có ai có thể chấp nhận một người có được hạnh phúc của mình bằng cách đó không, chắc chắn là không! Vì để có được cảm giác hạnh phúc của mình, một người có thể xâm phạm đến lợi ích của người khác.
Hoặc trong cuộc sống thường ngày, nhiều người cảm thấy rất hạnh phúc, thỏa mãn, khi nói xấu người khác; họ cảm thấy vui khi nói dối người khác để có được lợi ích bản thân. Nhiều người muốn thăng chức, nên tìm cách dìm đối thủ xuống, hoặc kiếm cách chơi xấu đồng nghiệp của mình, và khi đạt được mục đích, họ vẫn thấy vui, thấy thỏa mãn, dù người khác có bị thiệt thòi.
Chúng ta có thấy rằng khi thứ cảm giác hạnh phúc này được thỏa mãn theo kiểu này, có phải là tạo ra rất nhiều xung đột giữa con người với nhau không? Vì mong muốn của con người hầu hết là muốn có lợi cho mình, cho bản thân, còn người khác có ra sao thì họ không cần quan tâm.
Và khi sống theo kiểu này, họ có thể nhầm tưởng mình có cảm giác hạnh phúc khi xâm phạm đến lợi ích của người khác, nhưng không, mọi hành động đều phải trả giá, nếu là một tên tội phạm thì hắn sẽ lãnh bản án tương ứng với tội của mình. Với những người không phải là một tội phạm, thì đừng vội mừng, tất cả những hậu quả bạn phải gánh trong tương lai không thể nào lường hết được đâu, vì cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, và hễ gieo gì thì gặt nấy, cái thứ bạn gặt luôn lớn hơn cái thứ bạn gieo xuống, đó là quy luật cuộc sống.
Nói đến đây sẽ có người hỏi, vậy nếu có được cảm giác hạnh phúc mà không hại gì đến người khác, ngược lại còn đem đến điều tốt cho người khác, ví dụ như làm từ thiện, thì có được không, có thể có hạnh phúc không? Câu trả lời là: “Không!” Vì sao vậy?
Đầu tiên, đúng là những người nhận được từ thiện từ bạn sẽ sống tốt hơn một chút. Tuy nhiên, về phần bạn, bạn vẫn không thể có được hạnh phúc nhờ làm việc tốt, đó vẫn là thứ hạnh phúc giả tạo, vì nó vẫn dựa trên sự thỏa mãn của cá nhân mỗi người.
Con người chúng ta không phải là Thượng Đế, con người là tạo vật do Thượng Đế tạo ra, Kinh thánh chép rằng: “Đức Chúa Trời sáng tạo loài người theo hình ảnh Ngài. Ngài sáng tạo loài người theo hình ảnh Đức Chúa Trời. Ngài sáng tạo người nam và người nữ.”
Và Thượng Đế tạo ra con người là vì Ngài, không phải vì chính con người. Tương tự như việc con người tạo ra hàng tỉ sản phẩm để phục vụ con người, không ai tạo ra cái xe vì chính cái xe, nhưng cái xe được tạo ra để phục vụ con người, để làm thỏa mãn ý muốn con người, chứ không phải để thỏa mãn ý muốn của cái xe.
Thượng đế tạo ra con người để con người thờ phượng và phục vụ Ngài, chứ không phải để con người đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Chính vì vậy, khi con người sống theo ý mình, không theo ý Thượng Đế, con người tự sẽ chuốc lấy khổ đau, và càng cố gắng thỏa mãn mình, càng cố gắng làm mình hạnh phúc, con người càng khổ đau.
Đó cũng là lý do thứ 3 vì sao thứ cảm giác hạnh phúc mà chúng ta tìm kiếm lâu nay chỉ là thứ hạnh phúc giả tạo, dù chúng ta có cố làm việc tốt cho xã hội, giúp đỡ nhiều người, có thể chúng ta thấy vui, thấy tự hào, thấy hạnh phúc. Tuy nhiên, những nhu cầu sâu thẳm trong chúng ta vẫn không thể nào được lấp đầy, đó là lý do vì sao nhiều người vẫn thấy cuộc đời mình vô nghĩa dù đã cố gắng làm từ thiện mấy chục năm, tập sống đạo đức, có giá trị. Chúng ta vẫn sẽ đau khổ vì chúng ta đã sống sai mục đích tạo dựng của Thượng Đế, giống như một cái điện thoại được người ta sản xuất để nghe gọi, nó lại muốn được dùng để đóng đinh, thì khác nào đang tự làm khổ mình.
Và đó là 3 lý do vì sao thứ cảm giác hạnh phúc mà con người tìm kiếm lâu nay chỉ là thứ hạnh phúc giả tạo, không phải là hạnh phúc thật. Nó mang tính ngắn hạn, nhất thời; nó xâm phạm đến lợi ích của người khác, nó đi sai mục đích tạo dựng ban đầu của Đấng Tạo Hóa tạo ra con người. Vì vậy, con người cứ mãi lẩn quẩn trong những nan đề, khổ đau của mình mà không hề có lối ra.
Phần 2: Hạnh phúc thật
Chúng ta đã thảo luận về hạnh phúc giả tạo, cụ thể là 3 lý do khiến con người không thể hạnh phúc. Ở podcast này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem dưới góc nhìn của Kinh thánh, là Lời của Thượng Đế, hạnh phúc sẽ được hiểu như thế nào nhé. Vì sao lại phải nhìn dưới lăng kính của Kinh thánh, vì con người là tạo vật của Đấng Tạo Hóa, nên chỉ có Ngài mới biết được tạo vật của Ngài cần gì, sống thế nào để có được hạnh phúc thật.
Kinh thánh thật ra nói rất nhiều về hạnh phúc, phương cách để sống hạnh phúc, kinh nghiệm một sự sống thật, sống một cuộc đời có ý nghĩa. Trong giới hạn podcast này, chúng ta sẽ tìm hiểu một số câu Kinh thánh tiêu biểu nhé!
Kinh thánh chép rằng: “Nhưng phàm ai nương náu mình nơi Chúa sẽ khoái lạc. Cất tiếng reo mừng đến mãi mãi, Vì Chúa bảo hộ các người ấy; Kẻ nào ái mộ danh Chúa, cũng sẽ nức lòng mừng rỡ nơi Chúa.” (Thi thiên 5:11).
Câu này giúp ta hiểu rằng hạnh phúc thật đến từ việc nương náu mình nơi Chúa. “Nương náu” ở đây có nghĩa là tin cậy, phó thác cuộc đời cho Chúa, vâng lời Chúa, đặt Chúa làm ưu tiên cao nhất trong đời sống. Trước đây, mọi quyết định của chúng ta là do chúng ta làm chủ, bây giờ chúng ta phải để Chúa làm chủ. Điều gì Chúa cấm, chúng ta sẽ không làm; ngược lại, điều gì là mạng lệnh của Chúa, chúng ta phải làm theo. Và trong lòng thì tin cậy Chúa, tin rằng Chúa là Đấng nắm giữ tương lai của mình và của nhân loại.
Và kết quả là chúng ta sẽ tràn đầy niềm vui, trải nghiệm được một sự hạnh phúc lâu dài, vì Chúa là Đấng tốt lành, khi chúng ta dâng đời sống mình cho Ngài, chúng ta sẽ hiểu được sự tốt lành của Ngài, vì Chúa sẽ bảo vệ và chăm sóc chúng ta.
Một câu Kinh thánh khác chép rằng: “Chúa sẽ chỉ cho tôi biết con đường sự sống; Trước mặt Chúa có trọn sự khoái lạc, Tại bên hữu Chúa có điều vui sướng vô cùng.” (Thi thiên 13:5)
Câu này mô tả cho ta thấy Chúa là Đấng ban Sự Sống, và vì Ngài là Nguồn Sự Sống, chỉ có Ngài mới giúp chúng ta kinh nghiệm sự sống thật, là sống một cuộc đời tương giao với Chúa, tập chú vào Chúa, và nhờ đó chúng ta sẽ kinh nghiệm hạnh phúc thật. Nó hoàn toàn khác với thứ “cảm giác hạnh phúc” ngắn ngủi, giả tạo, mà con người tự tìm kiếm.
Ngoài ra, trong sách Thi-thiên còn một số câu Kinh thánh như:
Ngài đã đổi sự buồn rầu tôi ra sự khoái lạc, Mở áo tang tôi, và thắt lưng tôi bằng vui mừng (Thi 30:11)
Tôi sẽ vui mừng và khoái lạc bởi sự nhân từ của Chúa; Vì Chúa đã đoái đến sự hoạn nạn tôi, biết nỗi sầu khổ linh hồn tôi. (Thi 31:7)
Con thưa với Đức Giê-hô-va rằng: “Ngài là Chúa của con, Ngoài Ngài ra, con không có phước nào khác.” (Thi 16:2).
Và còn rất nhiều câu khác, tất cả những câu Kinh thánh này đều khẳng định rằng chính Chúa là Nguồn hạnh phúc, Nguồn Phước Hạnh, những người tin Ngài sẽ kinh nghiệm niềm vui, sự bình an, sự thỏa lòng thật sự. Là điều không thể có được từ tiền bạc, địa vị, quyền lực, hay những thú vui tầm thường.
Đó là những câu trong phần Cựu ước của Kinh thánh, giúp ta hiểu nguồn sự sống, nguồn hạnh phúc thực sự đến từ đâu. Vậy thì làm sao để có được hạnh phúc đó, hãy cùng đến với một số câu trong Tân ước. Chúng ta sẽ tìm hiểu từ trong lời dạy của chính Chúa Giê-xu, là Con Thượng Đế đến làm người, để xem Ngài dạy gì về điều này.
Kinh thánh chép rằng:
Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời. (Giăng 3:16)
Ai tin Con thì được sự sống đời đời, ai không chịu tin Con thì chẳng kinh nghiệm được sự sống đâu, nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người ấy. (Giăng 3: 36)
Kẻ trộm chỉ đến để cướp, giết, và hủy diệt; còn Ta đã đến để chiên được sự sống và sự sống sung mãn. (Giăng 10:10)
Vậy Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha. (Giăng 14:6)
Những câu Kinh thánh này đều chỉ cho chúng ta con đường đi đến sự sống thật, phương cách duy nhất để kinh nghiệm một hạnh phúc bất diệt, đó là đặt lòng tin vào Chúa Giê-xu, Con Thượng Đế. Chúa Giê-xu là nguồn sự sống, là Đấng ban sự sống, chúng ta phải tin Ngài để nhận được sự sống đời đời, nhận được hạnh phúc đời đời. Còn nếu bạn thắc mắc rằng Chúa Giê-xu thực sự là ai, hãy đón xem ở những podcast tiếp theo nhé, mình sẽ làm 1 podcast riêng nói chi tiết về Ngài. Trở lại vấn đề chính, vậy tin Chúa Giê-xu nghĩa là thế nào? Tin ở đây, nghĩa là chúng ta đồng tình với mọi điều Chúa Giê-xu dạy dỗ, tấm lòng muốn vâng phục Ngài, muốn dâng cuộc đời mình cho Ngài, và mỗi ngày chúng ta sống để tìm biết về Ngài. Và Chúa hứa rằng, những ai tin Ngài, sẽ nhận được sự sống đời đời.
Kinh thánh chép rằng:
“Sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus Christ, là Đấng Cha đã sai đến." (Giăng 17:3)
Nghĩa là Chúa ban cho chúng ta một mối liên hệ với chính Ngài, Chúa ban cho chúng ta một tâm trí có thể nhận biết về Ngài, hiểu những lời Ngài dạy, một tấm lòng muốn thuận phục Ngài.
Và khi hoàn toàn thuận phục Ngài, chúng ta sẽ kinh nghiệm được hạnh phúc thật, được ban cho từ Đấng Tạo Hóa, là Nguồn Sự Sống.
Và đó là những lời dạy của Đấng Tạo Hóa về hạnh phúc của con người, phương cách để con người có thể kinh nghiệm sự sống thật, và đây không phải là những lý thuyết suông. Chính mình cũng như hàng tỉ những người tin Chúa Giê-xu trong mọi thời đại đều đã kinh nghiệm hạnh phúc thật, niềm vui thật. Đến nỗi những người tin Chúa sẵn sàng chịu chết để giữ đức tin nơi Ngài, bởi vì khi đã kinh nghiệm sự sống thật từ Chúa Giê-xu, họ không còn thấy điều gì quý giá hơn Ngài cả, ngay cả chính mạng sống của mình.