Sau những bài viết về thần học Calvin, tôi thiết tưởng rằng, chúng ta cũng cần một bài viết riêng về chủ nghĩa Arminian. Nhiều người sẽ không đồng ý về chữ “dị giáo Arminian”, nhưng tôi cho rằng, và chính Phao-lô cũng khẳng định rằng, bất cứ ai truyền một tin lành nào khác với sứ đồ đã truyền, thì họ xứng đáng bị nguyền rủa. Và chủ nghĩa Arminian chính là một loại tin lành khác, vì họ dạy rằng con người không hoàn toàn băng hoại và vẫn còn khả năng chọn lựa Chúa, dạy rằng Chúa chọn lựa chúng ta nhờ Chúa thấy trước chúng ta sẽ chọn Ngài, nên Ngài mới chọn chúng ta. Dạy rằng Chúa chết thay cho tất cả mọi người, cả những người được cứu, lẫn những người chịu phán xét trong hỏa ngục. Dạy rằng con người có khả năng chống cự lại sự kêu gọi cá nhân của Đức Thánh Linh, dạy rằng cơ đốc nhân có thể mất sự cứu rỗi, và vì vậy họ phải giữ đức tin bằng những việc làm của mình.
Trong chủ đề lần này, chúng ta sẽ cùng nghiên cứu về những vấn đề trong 5 luận điểm mà Arminius đã chủ trương và dạy dỗ hoàn toàn trái ngược với John Calvin, hay nói đúng hơn là trái với Thánh Kinh:
1. Tình trạng của con người:
Dị giáo Arminian chủ trương rằng bản chất của con người có cả phần thiện và ác, nghĩa là con người không sa đọa hoàn toàn, con người hoàn toàn có khả năng để tự mình nhận biết Chúa, tự mình ăn năn và tin nhận Chúa, tự mình đến với Chúa mà không cần một sự can thiệp nào của Đức Thánh Linh. Chúng ta đã biết rằng điều này hoàn toàn trái Kinh thánh, vì không có một con người nào tin Chúa mà không nhờ đến Đức Thánh Linh hành động. Nếu con người vẫn còn khả năng đến với Chúa thì Chúa Cha đã không việc gì phải kéo tội nhân đến với Con Ngài (Gi 6:44). Chúa Jesus đã phán về Ngài rằng: “Còn Ta, khi Ta được treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người đến với Ta”, nếu con người có thể tự đến với Ngài, Ngài đã không cần phải kéo họ đến.
Vấn đề lớn trong nhận định này của Arminius, đó là, nếu con người có khả năng để chọn Chúa, vậy thì giữa những người tin Chúa và những người chẳng tin có gì khác nhau? Người tin Chúa sở hữu điều gì mà khiến họ lại làm điều đúng đắn, đó là tin Chúa, mà những người chẳng tin lại thiếu sót?
Phải chăng những tín đồ Đấng Christ đã chọn Chúa nhờ họ thông minh hơn, nên có hiểu rõ tin lành và Đức Chúa Trời hơn? Không phải! Phải chăng nhờ con mắt thuộc linh của họ sáng hơn, nên có thể nhìn thấy Nước Trời, còn những người còn lại thì không thấy? Cũng không phải! Phải chăng những cơ đốc nhân là những người công chính, đạo đức, khiêm nhường hơn số người còn lại, nên họ đã có thể chọn Chúa? Cũng không phải! Vì tất cả con người có mặt trên đời đều là con cháu của A-đam, tất cả họ đều bị di truyền sự chết thuộc linh từ A-đam, tất cả đều là nô lệ cho tội lỗi, nô lệ cho ma quỷ.
Và nếu những người được cứu nhờ họ dựa vào sức riêng mình mà chọn Chúa, thì chẳng phải họ sẽ có cớ để khoe mình khi lên thiên đàng sao! Thật quá lố bịch và trái Kinh thánh phải không?
2. Sự chọn lựa của Đức Chúa Trời:
Về sự chọn lựa của Chúa, dị giáo Arminian cũng suy diễn ra những thứ lố bịch không kém. Họ tin rằng, Đức Chúa Trời dùng sự toàn tri của Ngài để nhìn vào dòng thời gian, Ngài nhìn vào tương lai xem có ai chọn Ngài, thì Ngài sẽ chọn người đó. Điều đầu tiên, đó là họ đã hiểu sai về sự toàn tri. Bản chất của sự toàn tri Ngài là dựa nơi những điều Ngài đã định, dựa vào ý chỉ tối thượng của Ngài, chứ không phải dựa trên những kiến thức, những thông tin mà Ngài tiếp thu từ bên ngoài. Sự biết trước tương lai của Đức Chúa Trời khác với sự biết trước tương lai của tiên tri Ê-sai.
Những đầy tớ tiên tri của Ngài biết trước tương lai một cách thụ động, nghĩa là họ tiếp thu những thông tin đó từ Ngài, họ không thể tác động hay làm ảnh hưởng những biến cố trong tương lai. Nhưng Chúa thì khác, Ngài biết trước tương lai, vì Ngài đã lên kế hoạch, và định ý để nó phải xảy ra như ý Ngài muốn. Mọi thông tin, mọi tri thức, đều ra từ Ngài; Ngài không tiếp thu thông tin từ một nguồn nào khác.
Chính vì vậy, khi họ nói rằng Đức Chúa Trời nhìn trước tương lai xem ai chọn Ngài, rồi dựa vào thông tin đó, để Ngài chọn họ. Nói như vậy nghĩa là Chúa đã học hỏi, tiếp thu thông tin từ những nguồn bên ngoài, nghĩa là Ngài không còn là một Đức Chúa Trời toàn tri nữa. Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa, một khi Ngài đã lên kế hoạch, thì Ngài không cần dựa vào bất cứ điều gì, bất cứ thông tin nào, nhưng chỉ một mình Ngài thực hiện ý chỉ tối thượng của Ngài.
Ngoài vi phạm vào sự toàn tri, dị giáo này còn vi phạm vào sự tuyệt đối của Ngài. Đức Chúa Trời là Đấng Tuyệt Đối, vậy nên sự chọn lựa của Ngài hoàn toàn tùy thuộc vào Ngài, chứ không có sự cộng tác giữa 2 bên, như dị giáo Arminian đề xuất. Còn một điều cuối cùng, đó là nếu con người có khả năng chọn Ngài, nếu họ có thể tự cứu mình như vậy, thì Chúa còn chọn họ làm gì nữa!
Vậy thì Chúa chọn lựa chúng ta dựa vào điều gì? Như chúng ta đã học trong Eph 1:5 rằng: “Trong tình yêu thương, Ngài đã định sẵn cho chúng ta địa vị làm con nuôi của Ngài bởi Đức Chúa Jêsus Christ, theo mục đích tốt đẹp của ý muốn Ngài”. Chúa đã chọn, định sẵn chúng ta làm con nuôi Ngài theo TÌNH YÊU THƯƠNG và MỤC ĐÍCH TỐT ĐẸP CỦA Ý MUỐN Ngài.
Bởi tình yêu thương của Ngài, Ngài đã chọn ra một số người trong số nhân loại sẽ bị hư mất, để cứu rỗi họ. Còn số còn lại, Chúa sẽ phán xét họ vì những tội lỗi họ phạm với Ngài.
3. Sự chuộc tội của Chúa Con:
Dị giáo Arminian cho rằng, Đấng Christ chết thay cho tất cả mọi người, không chừa một ai. Đồng thời họ cho rằng sự chết của Ngài chỉ có ý nghĩa khiến sự cứu rỗi trở nên khả thi, để bất cứ ai nhận sự chuộc tội đó thì được tha. Còn thần học Calvin thì tin rằng sự chết của Ngài thực sự là một sự phán xét của Đức Chúa Cha lên Con Ngài, sự chết thay đó không phải mang ý nghĩa về mặt hình thức hay biểu tượng; nhưng đó là đích thị là một sự trừng phạt, một sự rủa sả, đó là chén đắng mà Chúa Cha đã ban cho Chúa Con. Chính vì vậy, khi ở trên thập tự, Chúa Jesus đã cất tiếng: “Đức Chúa Trời con ơi! Sao Ngài lìa bỏ Con!”, nếu đó không phải là một sự gánh tội thay, chịu phạt thay, thì tại sao Chúa Jesus lại hét lên như vậy? Và nếu sự chuộc tội của Chúa không đủ hiệu quả, còn phải chờ sự đáp ứng của con người. Thì chẳng khác nào Chúa Jesus là một Đấng Cứu Rỗi bất toàn, khi không thể cứu trọn vẹn người mà Ngài muốn cứu, một Đấng Cứu Thế đến thế gian cứu người, mà lại trông chờ vào sự góp phần của con người vào sao. Không hề như vậy! Chúa Jesus đã chết để chuộc tội thay chúng ta, để hoàn toàn cứu rỗi được chúng ta, giải quyết hết mọi tội chúng ta. Chính vì vậy, trước khi trút hơi thở cuối cùng, Ngài nói rằng: “Mọi sự đã được hoàn tất!”
Chúng ta hãy thử phân tích xem luận điểm này của dị giáo Arminian chứa những vấn đề gì! Thứ nhất, nếu Chúa đã đền tất cả mọi tội, thay cho tất cả mọi người. Vậy thì sao lại có một số rất đông những người phải xuống địa ngục? Vì bản chất địa ngục là nơi mà con người và ma quỷ sẽ phải đền mọi tội mà họ đã phạm, đúng không? Ai trong chúng ta cũng biết rằng, con người phạm tội sẽ phải trả giá, phải chịu trừng phạt ở địa ngục. Và để cứu chúng ta thoát khỏi án phạt nơi địa ngục, Chúa Jesus đã đến thế gian để chịu thay án phạt của chúng ta trên cây thập tự. Nếu Ngài đã chịu thay, thì tại sao cuối cùng họ lại phải chịu thêm lần nữa?
Có người sẽ nói, họ bị trừng phạt bị họ đã vô tín với Ngài. Nhưng xin hỏi, sự vô tín có phải là một tội không? Nó không những là một tội, mà thậm chí còn là tội lớn nhất trong mọi tội lỗi. Và khi Đức Thánh Linh cáo trách thế gian về tội lỗi, đó không phải là tội thờ thần tượng, nói dối, ghen ghét, kiêu ngạo,…mà là tội không tin Đấng Christ (Gi 16:9). Nếu Chúa chết thay cho mọi tội của những người khước từ Ngài, thì Ngài cũng đã chết cho tội vô tín của họ rồi. Nếu vậy, tội vô tín của họ cũng đã được giải quyết rồi. Vậy tại sao họ vẫn phải xuống địa ngục để trả món nợ tội của mình?
4. Sự kêu gọi hữu hiệu:
Dị giáo Arminian tin rằng con người có thể từ chối, kháng cự lại sự kêu gọi của Đức Thánh Linh. Và có thể khiến cho Thánh Linh không thể gọi người mà Ngài muốn. Chỉ cần nói tới đây, chúng ta đã thấy nó lố bịch và buồn cười thế nào rồi. Đức Thánh Linh không đủ quyền năng để chinh phục tội nhân sao! Đức Thánh Linh không thể chiến thắng được sự cứng cỏi của con người sao!
Việc chúng ta có đức tin, đó là nhờ Đức Thánh Linh đã tái sinh chúng ta bởi tin lành của Ngài rao truyền qua các đầy tớ Ngài, Ngài ban sự sống cho chúng ta – là những hài cốt khô. Bằng tin lành, Ngài đã hà hơi sống của Ngài vào chúng ta, kêu chúng ta sống lại từ cõi chết (Eph 2:5). Nhờ vậy mà chúng ta được sống, và đáp ứng với sứ điệp tin lành. Liệu một người đã sống lại bằng sự sống đời đời, đã được dựng nên mới, thì có thể trở về tình trạng cũ được không, một người mù được sáng mắt bởi phép lạ của Đức Thánh Linh thì có thể mù trở lại được không, một người được ban cho lỗ tai thuộc linh thì có thể bị điếc lần nữa sao? Và liệu một người đã được ban cho đức tin và sự ăn năn, có thể không tin và không ăn năn sao?
5. Sự cứu rỗi được bảo toàn:
Dị giáo này tin rằng cơ đốc nhân sau khi được cứu, vẫn có thể bị mất sự cứu rỗi nếu phạm tội. Họ tin rằng vì con người đã chọn để được cứu, nên dẫn đến một chuyện tất yếu, đó là con người cũng phải tự gìn giữ sự cứu rỗi mà mình đã gặt lấy được.
Niềm tin này có mấy vấn đề như sau: Thứ nhất, nếu sự cứu rỗi phải được giữ bởi việc làm, nếu không nó có thể bị mất do cơ đốc nhân phạm tội, vậy thì cụ thể là những tội gì đủ lớn để có thể làm mất đi sự cứu rỗi? Tội nghi ngờ chăng, hay tội tham lam, hay tội nói dối chăng? Hay là tất cả mọi tội đều có thể khiến cơ đốc nhân mất sự cứu rỗi, vậy thì làm sao cơ đốc nhân có thể giữ sự cứu rỗi được đây? Vì cơ đốc nhân phạm tội mỗi giây, mỗi phút với Chúa. Mỗi động cơ kiêu ngạo nổi lên, mọi tư tưởng bất khiết, mọi lời nói không làm vinh hiển danh Chúa, đều là tội. Nếu niềm tin này đúng, thì chắc chắn sẽ chẳng có ai được cứu!
Nếu sự cứu rỗi phải được giữ bởi việc làm của con người, thì đây chẳng phải là sự cứu rỗi dựa trên việc làm sao, nó mâu thuẫn với sola fide, sola gratia, sola Christus, và cả sola deo Gloria. Vì nó không còn là sự cứu rỗi dựa trên “duy đức tin”, vì duy đức tin nghĩa là chúng ta được cứu chỉ bằng đức tin mà thôi, chứ không phải việc làm. Niềm tin này cũng vi phạm nền tảng “duy ân điển”, vì con người sẽ trở nên xứng đáng khi vào thiên đàng, họ không được cứu bởi ân điển nhưng bởi công sức của mình. Nó cũng vi phạm lẽ đạo “duy Đấng Christ”, vì niềm tin này tin rằng có sự góp phần của con người vào công tác cứu chuộc của Đấng Christ, vì theo Arminius, việc Đấng Christ chết thay, sống lại, cầu thay, và thánh hóa; vẫn không đủ để cứu một người. Và cuối cùng, nó vi phạm nền tảng “duy vinh hiển Đức Chúa Trời”. Vì con người đã giữ sự cứu rỗi của mình, nên khi vào thiên đàng họ có cớ khoe mình trước mặt Ngài.
Còn rất nhiều vấn đề về luận điểm số 5 này, nhưng trong giới hạn của bài viết, tôi muốn tóm lược thế này. Dị giáo Arminian tạo ra một sự mâu thuẫn đối với 5 solas, đồng thời vẽ nên một Đức Chúa Trời bất năng, tương đối, yếu đuối, kém khôn ngoan, và cuối cùng là thất bại. Đức Chúa Trời đã lên một kế hoạch cứu rỗi hoàn hảo, mà kết quả của kế hoạch đó đã được Ngài định sẵn là sẽ thành công, Ngài không đặt sự sống còn của kế hoạch cứu rỗi này vào tay con người định đoạt.
Dị giáo này cũng gây ra mâu thuẫn trong lời cầu nguyện của cơ đốc nhân về sự cứu rỗi của tội nhân. Vì nếu sự cứu rỗi tùy thuộc vào sự ý chí chọn lựa của con người, thì thử hỏi, làm sao chúng ta có thể cầu nguyện xin Chúa cứu họ được? Tất cả những lời cầu xin như: “Xin Chúa Thánh Linh hành động, xin Chúa ban cho họ sự ăn năn, xin Chúa thương xót cứu rỗi họ…” đều sẽ vô nghĩa nếu như Arminius đúng.
Chúng ta cuối cùng cũng đi hết loại bài về thần học Calvin, hy vọng lời Chúa sẽ ở trong tâm trí, tấm lòng chúng ta, nguyện Chúa bày tỏ Ngài cho chúng ta, xin Ngài thương xót giúp đỡ cho những giới hạn của chúng ta. Sự cứu rỗi từ đầu đến cuối là thuộc về Chúa! Con người mãi mãi không có một cớ nào để khoe mình cả, vì vậy nên các trưởng lão ở trước ngôi Đức Chúa Trời đã quăng mão miện của họ xuống để bày tỏ sự biết ơn, tôn vinh, cùng với một sự xưng nhận về ân điển vinh quang của Ngài đã cứu họ khỏi sự chết!