Thuộc tính quan trọng tiếp theo là sự chân thật của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là chân lý, mọi lời ra từ Ngài đều chân thật và chính xác, Đức Chúa Con được gọi là Ngôi Lời, Đức Thánh Linh được gọi Thần Lẽ Thật. Bởi lẽ thật, Ngài tạo dựng thế gian, và cũng bằng lẽ thật, Ngài bảo tồn thế gian. Mọi điều Đức Chúa Trời làm cho chúng ta, Ngài đều làm qua Lời Ngài, hay nói cách khác là làm qua lẽ thật của Ngài. Từ sự chọn lựa, tạo dựng, tái sinh, ban cho chúng ta đức tin, thánh hóa chúng ta, tất cả những điều đó Ngài đều làm cho chúng ta bằng Lẽ thật của Ngài. Trong chủ đề lần này, chúng ta sẽ cùng nhau phân tích những đặc điểm của lẽ thật từ Đức Chúa Trời.
Nhưng trước hết, chúng ta cần hiểu tại sao thuộc tính này lại quan trọng, đặc biệt là trong thời hiện đại, khi chủ nghĩa tương đối lên ngôi, mọi người đều ủng hộ và cổ súy những câu danh ngôn dối trá của chủ nghĩa này. Ở thời đại này, người ta rất tôn sùng những triết lý sống như: “Mọi chân lý đều tương đối”, “Mọi tôn giáo đều đúng”, “Hạnh phúc tùy mỗi người định nghĩa”, “Điều đó đúng với anh, nhưng không đúng với tôi”, “Mọi tôn giáo đều thờ phượng chung một Thượng Đế, mọi con đường đều dẫn đến Thiên đàng”, “Hãy sống là chính mình, mỗi người là chân lý cho riêng mình”…. Đó chỉ là một số, ngoài kia còn rất nhiều người cổ súy những lối sống này. Tuy nhiên, họ đang tự mâu thuẫn với chính mình mà không nhận ra, tự mỗi triết lý đó đã tự đả phá chính nó rồi, ví dụ như câu: “Mọi chân lý đều tương đối!”, nếu câu này đúng, nghĩa là mọi chân lý đều là tương đối, thì chính câu này cũng tương đối, nghĩa là đâu đó ngoài kia, vẫn có chân lý tuyệt đối. Mọi triết lý của chủ nghĩa tương đối đều cần một nền tảng tuyệt đối để nó có thể phát biểu và đứng vững, và vì vậy nó đã tự đả phá chính nó. Chúa đã tạo dựng thế giới này bằng chân lý, nên Ngài đã đặt những ý niệm về sự đời đời, về chân lý tuyệt đối trong tâm thức con người; dù họ có muốn chối bỏ cũng không thể được. Ví dụ như, thậm chí người vô thần phát biểu một câu đơn giản: “Chúa không tồn tại!” thì họ vẫn cần Chúa để phát biểu câu này, vì nếu thực sự không có Chúa, thì mọi thứ đều sẽ có thể sai, thì chính câu “Chúa không tồn tại” cũng có thể sai, vì nếu không có lẽ thật tuyệt đối, thì tất cả chỉ đơn thuần là ý kiến chủ quan của mỗi người, chính vì vậy, những người vô thần họ vẫn cần Chúa để có thể phát biểu ý kiến của họ.
Bên trên chúng ta vừa thảo luận ở phạm trù triết học, nên có thể sẽ hơi khó hiểu cho chúng ta. Ngay bây giờ, chúng ta sẽ đi vào chi tiết những đặc tính của chân lý của Chúa. Thứ nhất, chân lý phải mang tính thần học, nghĩa là chân lý phải được mặc khải từ trên, chân lý không ra từ những suy luận của những triết gia, chân lý không phải là sản phẩm của bộ não con người. Con người không thể tự tạo ra chân lý, những triết gia ngày xưa quan sát quy luật vận hành của vũ trụ, xã hội, con người và họ đúc kết được một số điều từ những gì họ nhìn thấy, và đó cũng là sự bày tỏ của Chúa. Chân lý chỉ có thể ra từ Đức Chúa Trời, Kinh thánh nói Đức Chúa Trời là Đấng tỏ bày chân lý vì 3 ngôi Thiên Chúa chính là chân lý, Đức Chúa Cha được mô tả như sau:
“Con phó thác tâm linh con vào tay Chúa; Lạy Giê-hô-va là Đức Chúa Trời chân thật, Ngài đã cứu chuộc con.”(Thi 31:5)
“Vì vậy, những ai trên đất cầu phúc cho mình sẽ nhân danh Đức Chúa Trời chân thật mà cầu; Và những ai trên đất thề nguyện sẽ nhân danh Đức Chúa Trời chân thật mà thề.”(Es 65:16)
Đức Chúa Con thì tự xưng mình thế này:
“Ta là đường đi, chân lý và sự sống. Chẳng bởi Ta thì không ai được đến với Cha”(Gi 14:6)
Ngài cũng gọi Đức Thánh Linh thế này:
“Khi Thần Chân lý đến, Ngài sẽ dẫn các con vào mọi chân lý; vì Ngài không tự mình nói, nhưng sẽ nói những gì mình nghe, và công bố cho các con những gì sẽ đến.”(Gi 16:13)
Đặc tính thứ hai, đó là lẽ thật mang tính tuyệt đối, lẽ thật chỉ ra từ một nguồn duy nhất, đó là Chúa, và lẽ thật chính xác trong mọi bối cảnh, mọi thời đại, mọi nền văn minh. Không có chuyện lẽ thật đúng với quốc gia này, nhưng lại sai ở quốc gia khác; hoặc đúng ở thời cựu ước, nhưng lại sai ở thời tân ước. Lẽ thật không bao giờ lỗi thời, nhiều Hội thánh ngày nay muốn trở nên phù hợp với xu hướng của thời đại, họ thay đổi cách thờ phượng, thay đổi những nhạc cụ, những bài hát, thậm chí họ thay đổi trong cách giảng dạy. Thưa các bạn, muốn trở nên hợp thời thật ra rất đơn giản, đó là tin tưởng, giảng dạy và sống theo lẽ thật, vì lời Kinh thánh không bao giờ lỗi thời:
“Trời đất qua đi còn dễ hơn xóa một nét trong luật pháp.”(Lu 16:17)
“Cỏ khô, hoa rụng, nhưng lời của Đức Chúa Trời chúng ta đứng vững đời đời!”(Es 40:8)
Lẽ thật của Đức Chúa Trời là duy nhất, không tự mâu thuẫn, chính xác với mọi dân tộc. Tất cả tôn giáo của con người đều sai lầm, giả dối; đạo Phật, Hồi giáo, Ấn Độ giáo,… hay bất cứ tôn giáo nào phát biểu những điều trái với Lời Chúa, đều là những tôn giáo ra từ ma quỷ. Không có chuyện mọi tôn giáo đều đúng, không có chuyện mọi con đường đều dẫn đến Thượng Đế. Vì đó không phải là cách Chúa tạo dựng thế gian, Ngài tạo dựng và chọn một con đường duy nhất, con đường duy nhất dẫn đến Ngài mang tên JESUS CHRIST!.
Vì lẽ thật là tuyệt đối, đúng trong mọi trường hợp, nên nói cách khác lẽ thật của Chúa là lẽ thật khách quan, nghĩa là nó đúng với tất cả mọi người, không có chuyện đúng với người này, không đúng với người kia, việc của chúng ta là có chấp nhận lẽ thật hay không mà thôi, và vì nó mang tính khách quan, dẫn đến một kết quả tất yếu nữa, đó là lẽ thật sẽ mở trí cho con người. Người đọc Kinh thánh sẽ hiểu biết về thế giới, bản chất con người, cách xã hội vận hành, lý do mọi thứ diễn ra trong cuộc sống này, họ sẽ hiểu biết nó đầy đủ và chính xác hơn những bậc hiền triết được người đời ca tụng, vì những triết gia chỉ chiêm nghiệm cuộc sống và tự suy ra những điều mà họ cho là đúng, còn người có Kinh thánh sẽ có được những mặc khải chính xác từ Đấng Chân Thật. Một thiếu niên hiểu biết Lời Chúa có thể đối đáp và tranh luận những cụ già về cuộc sống, về con người. Lời Chúa có thể biến những triết lý, những kinh nghiệm sống của họ trở nên ngu ngốc và vô nghĩa:
“Con thấu hiểu hơn tất cả những người dạy con, Vì con suy ngẫm các chứng ước Chúa. Con thông hiểu hơn các bậc lão thành, Vì con tuân giữ kỷ cương của Chúa.”(Thi 119:99-100).
Đặc tính cuối cùng, đó là lẽ thật có tính thẩm quyền, lẽ thật không phải một cuốn sách thụ động, lẽ thật không nằm yên một chỗ, mặc cho người ta có để ý đến hay không. Lẽ thật rất mạnh mẽ và chủ động, lẽ thật đang cai trị và kiểm soát thế giới này. Lẽ thật yêu cầu con người phải tiếp nhận, tin cậy, và sống theo. Nếu bạn phủ nhận, khước từ và không sống theo lẽ thật, cuộc đời bạn sẽ đau khổ và đi vào con đường hủy diệt, Kinh thánh không phải là một cuốn sách tham khảo, nhưng là nền tảng của mọi cuộc đời, dù bạn có đón nhận Kinh thánh hay không, thì cuộc đời bạn vẫn ở trong sự điều khiển của những lẽ thật từ Kinh thánh, càng sống bạn sẽ càng thấy Kinh thánh ứng nghiệm lên đời sống bạn thế nào. Nếu những người tin, kinh nghiệm những phước hạnh từ những lời hứa của KINH THÁNH, thì những người không tin, cũng sẽ kinh nghiệm những lời cảnh báo mà KINH THÁNH đã phán rõ ràng. Con người vốn dĩ ghét lẽ thật, chạy trốn khỏi lẽ thật, và đồng thời họ cũng khiếp sợ lẽ thật, đó là lý do mà họ đã xây dựng hàng tường rào những câu châm ngôn, những triết lý yếu ớt để phòng thủ, để tự trấn an mình. Thật tội nghiệp làm sao!