![](https://static.wixstatic.com/media/42f107_6bd8fafa639441878690cc58e991f52c~mv2.jpg/v1/fill/w_980,h_551,al_c,q_85,usm_0.66_1.00_0.01,enc_auto/42f107_6bd8fafa639441878690cc58e991f52c~mv2.jpg)
Vì sao cần phải học những điều này?
Nhà thần học A.W.Tozer từng phát biểu rằng: “Những điều xuất hiện trong tâm trí chúng ta, khi chúng ta nghĩ về Đức Chúa Trời, chính là điều quan trọng nhất về chúng ta”. Nghĩa là, cách nhìn của chúng ta về Chúa, sự nhận thức của chúng ta về Chúa, lăng kính chúng ta dùng để nhìn thấy Chúa, chính là những thứ định nghĩa con người chúng ta. Tầm nhìn về Chúa ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống chúng ta, tầm nhìn hạn hẹp về Chúa tạo ra một lối sống nghèo nàn và trống rỗng, tầm nhìn sâu rộng về Chúa hình thành nên một cuộc đời sống động và giàu ý nghĩa.
Chính vì vậy, sứ đồ Phao-lô, dù ông có gần như tất cả: địa vị, quyền lực, tri thức, …nhưng ông coi tất cả như rơm rác, và ông xem sự nhận biết Đấng Christ là quý hơn hết. Trong các thư tín của mình, ông cũng thường xuyên cầu nguyện cho các tín hữu ngày càng lớn lên trong sự hiểu biết Đức Chúa Trời, một số câu Kinh thánh mà chúng ta đã quen thuộc như:
“Đừng khuôn rập theo đời nầy, nhưng phải được biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí mình, để phân biệt đâu là ý muốn tốt đẹp, vừa lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời.” (Ro 12:2)
“Tôi nài xin Đức Chúa Trời của Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ, là Cha vinh quang, ban cho anh em linh của sự khôn ngoan và sự mặc khải, để anh em nhận biết Ngài.” (Eph 1:17)
“cho đến khi tất cả chúng ta đều đạt đến sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, để trở nên người trưởng thành, đạt đến tầm vóc đầy trọn của Đấng Christ.” (Eph 4:13)
“để sống một cách xứng đáng cho Chúa, đẹp lòng Ngài hoàn toàn, kết quả trong tất cả việc lành, và tăng trưởng trong sự hiểu biết Đức Chúa Trời.” (Co 1:10)
Đó chỉ là một số ít những câu Kinh thánh nhưng cũng đủ cho ta hiểu được tầm quan trọng của việc nhận biết Chúa là to lớn thế nào. Nhận biết Chúa giúp chúng ta biết mình là ai, mục đích cuộc đời mình là gì, lý do mình được sinh ra, tại sao mình lại ở đây; nhận biết Chúa thay đổi nhân sinh quan của chúng ta trong tất cả mọi khía cạnh, từ sự nghiệp, gia đình, con cái, những tiêu chuẩn giá trị, cách sử dụng thời gian, tiền bạc; nhận biết đúng về cõi đời đời sẽ giúp chúng ta có những quyết định đúng trong cõi đời tạm.
Khi nói đến các thuộc tính của Chúa, chúng ta sẽ nói đến bản chất, thân vị, công việc của Đức Chúa Trời, những phẩm chất của Ngài, sự hiện diện của Ngài, những bản tính của Ngài, Ngài thích điều gì, ghét điều gì, Ngài hướng đến điều gì,….Tuy nhiên, việc học về Đức Chúa Trời, nghiên cứu về Ngài là việc bất khả thi đối với một tạo vật hữu hạn như con người chúng ta, dù có đào sâu cách mấy đi nữa, chúng ta cũng sẽ không bao giờ chạm tới đáy, dù có mở to đôi mắt nhận thức của mình đến mấy, chúng ta cũng sẽ không bao giờ thấy được Chúa trọn vẹn. Đức Chúa Trời là một thực thể vô hạn, mọi phẩm chất của Ngài đều vô hạn vô biên. Sự hiểu biết về Đức Chúa Trời sẽ đạp đổ mọi sự kiêu ngạo, phá tan mọi sự tự hào về tri thức của con người, học về Chúa sẽ khiến cho bạn thấy mình thật nhỏ bé, chỉ là một con sâu tội lỗi trước mặt Ngài. Thậm chí có dùng cả cõi đời đời để học biết về Chúa, bạn cũng sẽ chạm đến bề nổi của môn học này.
Nhưng mặt tích cực của nó, đó là giúp chúng ta được mở rộng tâm trí của mình đến mức cao nhất, người hiểu biết về Chúa sẽ nhìn mọi sự việc trong cái nhìn của Chúa, do vậy nên đánh giá của họ về những khía cạnh nền tảng của cuộc sống sẽ chính xác hơn người thường. Trong giới hạn của podcast này, chúng ta sẽ sơ lược từng thuộc tính của Ngài, nhằm giúp chúng ta có một ý niệm về chúng, khởi đầu cho con đường học biết về Chúa liên tục của chúng ta.
Tự Hữu Hằng Hữu
Đầu tiên, nói đến bản chất của Đức Chúa Trời, ta phải nghĩ ngay đến sự tự hữu hằng hữu của Ngài, không có một tạo vật nào trong vũ trụ sở hữu điều này. Để dễ hình dung về sự siêu việt của thuộc tính này, chúng ta hãy nhớ đến những nỗ lực của con người trong việc tạo ra năng lượng vô hạn, có thể tự tái tạo chính nó. Từ thời phục hưng, Leonardo Da Vinci đã suy nghĩ và vẽ nên những mô hình động cơ vĩnh cửu, nhằm tạo ra cho con người một nguồn năng lượng không giới hạn. Nhưng dần dần họ khám phá ra rằng, trên đời không thể có một nguồn năng lượng vĩnh cửu như vậy, vì năng lượng nó sản sinh ra, lại được dùng để nuôi chính nó, nên nó không mang lại lợi ích gì cho con người cả, đó là vì mọi vật trong vũ trụ đều mang tính tương đối, định luật bảo toàn năng lượng đã cho ta thấy được bản chất của vạn vật là hữu hạn, định luật đó phát biểu: “Năng lượng không tự sinh ra, không tự mất đi, chỉ có thể chuyển từ dạng này sang dạng khác”
Đến tận thời hiện đại, nhà phát minh vĩ đại Tesla cũng nuôi tham vọng phát minh ra một chiếc xe có thể tự tạo ra nhiên liệu từ chính nó để mà không cần con người tiếp nhiên liệu từ bên ngoài vào. Nhưng một lần nữa Tesla lại thất bại, vì trên đời này, không thể có một động cơ, sinh vật, hay một hành tinh nào có khả năng tự duy trì năng lượng của nó được. Bất cứ một dạng vật chất nào muốn duy trì khả năng hoạt động của nó, đều phải dựa vào nguồn bên ngoài cung cấp năng lượng vào. Vũ trụ này là hữu hạn, tương đối; điều đó chứng tỏ Đấng tạo dựng nên vũ trụ là một Đấng vô hạn, và Ngài là một Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, trong Ngài có sự sống, Ngài tự tạo ra sự sống cho chính Ngài, Ngài không dựa dẫm vào bất cứ một nguồn sống, nguồn năng lượng nào khác. Trong Ngài có nguồn năng lượng vĩnh cửu, vì Ngài là Đấng Tạo Hóa, nên hiển nhiên Ngài vượt xa mọi quy luật của vũ trụ này, không những Ngài tự tạo ra năng lượng để duy trì chính Ngài, Ngài còn dùng năng lượng siêu việt đó để tạo ra vũ trụ, bởi vậy ta có thể nói rằng Ngài không giống bất cứ một tạo vật nào.
Vì vậy nên khi Môi-se hỏi rằng Chúa là ai, để ông biết mà giới thiệu Ngài với dân Do thái, Ngài nói rằng: “I AM WHO I AM”. “TA LÀ ĐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU”, nghĩa là: “Ta là Ta!” Wow! Một danh xưng vĩ đại, độc nhất làm sao! Ngài không thể dùng điều gì để mô tả sự kỳ diệu của Ngài, vì Ngài không giống bất cứ thứ gì trong vũ trụ này cả. Nên Ngài chỉ có thể trả lời: “Ta là Ta!” Và bản dịch Kinh thánh tiếng Việt đã dùng một cụm từ khá chính xác để dịch câu này, đó là: “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu”.
Sự sống ở trong Ngài không bao giờ cạn, Ngài không thể tự tiêu diệt chính Ngài, sự sống Ngài luôn còn đó, đầy đủ trọn vẹn, không dư, không thiếu, vô hạn, vô biên, bất diệt. Ngài hiện hữu trước cả thời gian, và khi thời gian kết thúc, Ngài vẫn còn đó. Ngài không có khởi đầu, không có kết thúc. Thời gian, không gian, vật chất, năng lượng đã bắt đầu kể từ thời điểm Ngài tạo dựng vũ trụ, trước thời điểm đó, là sự hiện hữu của Đức Chúa Trời vĩnh hằng. Thi thiên 93:2 chép “Ngôi Chúa đã lập vững từ thời xưa; Chúa hiện hữu từ trước vô cùng”. Từ “trước vô cùng” là khi nào, chúng ta không biết, mọi vật trong vũ trụ đều có khởi đầu và kết thúc, vũ trụ không hằng hữu. Chính vì vậy mà Einstein đã thừa nhận ông đã thất bại trong việc tìm ra hằng số vũ trụ, ông cho rằng vũ trụ là hằng hữu, và để chứng minh cho lý thuyết đó, ông đã cố công đi tìm hằng số vũ trụ. Nhưng ông không thể, vì đơn giản vũ trụ có điểm khởi đầu và kết thúc. Nhưng Chúa thì không phải vậy, Ngài không có điểm khởi đầu và kết thúc. Điều này một lần nữa được nhắc đến trong Mi-chê 5:1 “Hỡi Bết-lê-hem Ép-ra-ta, Ngươi ở trong hàng nghìn Giu-đa là nhỏ lắm, Nhưng từ nơi ngươi, Một Đấng cai trị trên Y-sơ-ra-ên sẽ được sinh ra; Nguồn gốc của Ngài từ đời xưa, Từ trước vô cùng”. Tương tự như vậy, trong Thi-thiên 90:2 “Trước khi núi non sinh ra, Đất và thế gian được dựng nên, Từ trước vô cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa Trời.”
Ngài không cần một không gian nào để chứa Ngài, đối với Ngài, không có quá khứ hay tương lai, Ngài luôn luôn ở thì hiện tại, Ngài không cấu thành từ bất cứ vật chất nào, chúng ta biết mọi thứ đều cấu tạo từ các nguyên tử, nhưng Chúa không được cấu thành từ cái gì cả. Ngài luôn luôn hiện hữu, không có một thời điểm nào mà không có sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Trước khi mọi vật được dựng nên, thì chỉ có Chúa vĩnh hằng hiện diện, hiện diện một cách trọn vẹn, hoàn hảo, Ngài không hề cô đơn, cũng không thiếu thốn thứ gì, vì Ngài không cần bất cứ thứ gì.
Chính vì những tính chất đó vượt ra khỏi tầm hiểu biết của con người. Nên dù có cố gắng tưởng tượng đến mấy đi nữa, chúng ta cũng sẽ không thể hình dung nổi sự tự hữu hằng hữu của Ngài. Đó là vẻ đẹp của Đức Chúa Trời chúng ta, càng được Ngài bày tỏ về Ngài, chúng ta càng nhận ra hóa ra chúng ta chẳng biết gì cả.
Sự tể trị
Tiếp theo, chúng ta sẽ nói đến thân vị và công việc Ngài. Sự tể trị bày tỏ thân vị tối thượng của Ngài, Ngài là Chúa tể của hoàn vũ, Ngài kiểm soát mọi thứ, tất cả mọi chuyển động của những nguyên tử, từng giọt mưa rơi xuống đất, đến sự vận hành của hàng tỉ thiên hà trong vũ trụ, từ thế giới vô hình, đến thế giới hữu hình, tất cả đều nằm trong lòng bàn tay Đức Chúa Trời. Nhiều cơ đốc nhân khi nhìn chung quanh, thấy tội ác tràn lan, sự nhạo báng, phạm thượng Đức Chúa Trời ở khắp nơi, họ lại nghĩ rằng Satan đang nắm quyền tuyệt đối trên xã hội này, vậy cho nên Satan mới có thể lộng hành trên khắp thế giới, gây ra biết bao tội ác kinh khủng. Nhưng không, Kinh thánh lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần về quyền tể trị tối cao của Ngài, Ngài toàn quyền hành động theo ý muốn Ngài, mà không bị ảnh hưởng bởi bất cứ quyền thế nào.
“Đức Chúa Trời chúng ta ở trên các tầng trời; Ngài làm bất cứ điều gì vừa ý Ngài.”(Thi 115:3)
“Tất cả cư dân trên đất đều kể như con số không. Ngài làm theo ý Ngài muốn cả với cơ binh trên trời Lẫn dân cư trên đất. Không ai cản được tay Ngài Hoặc hỏi: “Ngài làm gì vậy?””(Da 4:35)
“Hai con chim sẻ không phải chỉ bán được một đồng sao? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý muốn của Cha các con. Ngay cả tóc trên đầu các con cũng được đếm hết rồi”(Mat 10:29-30)
Ngài tể trị các vì sao, các hành tinh, cả dải ngân hà, bảo tồn chúng cho đến ngày nay. Ngài tể trị trên thiên nhiên, Ngài vẽ đường đi cho sấm sét, giới hạn biên giới của biển cả, Ngài nuôi sống các động vật, cây cỏ trên đất mỗi ngày. Ngài tể trị trên xã hội loài người, có kỳ định cho con người, tuổi thọ của chúng ta đã được định từ trước khi chúng ta sinh ra. Ngài tể trị trên tâm trí, cảm xúc, thậm chí cả ý chí chọn lựa của con người. Đó là về phương diện vĩ mô, còn trên khía cạnh cá nhân, thì Chúa chọn thời điểm và quốc gia mà tôi ra đời, Ngài chọn ba mẹ cho tôi, chọn cả màu da, ngôn ngữ của tôi. Trong từng bước trên đường đời, Ngài chọn từng người thầy, từng người bạn ảnh hưởng lên tôi, chọn người bạn đời cho tôi, Ngài cai trị lên mọi chuyện lớn nhỏ xảy ra trong cuộc đời tôi từ sức khỏe, tiền bạc, thử thách, hoạn nạn, vui buồn, và đặc biệt là Ngài đã cai trị để cứu tôi. Kinh thánh chép:
“Lòng của vua trong tay Đức Giê-hô-va khác nào dòng nước chảy; Ngài muốn làm nghiêng lệch nó bên nào tùy ý Ngài.”(Ch 21:1)
Và điều khiến cơ đốc nhân hát lên trong sự vui mừng, đó là Chúa tể trị tuyệt đối lên sự cứu rỗi nhân loại, Ngài nắm trong tay số lượng người được cứu, từ trước sáng thế, tên họ đã được biên vào sách sự sống, và Ngài đã đang, và sẽ cứu trọn vẹn tất cả những người Ngài đã chọn để ban cho họ sự sống đời đời.
“Ngài lại nói: “Vì vậy, Ta đã bảo các con rằng nếu Cha không ban cho thì không ai có thể đến với Ta được.”” (Gi 6:65)
Tất cả những người tin Chúa Jesus, họ không tự mình đến với Ngài, nhưng tất cả đều đến trong ý muốn của Chúa, và tất cả những người khước từ Chúa Jesus, họ cũng khước từ trong sự cho phép của Ngài. Nhưng tại sao lẽ đạo về quyền tể trị của Chúa lại thường gây vấp phạm cho nhiều người? Họ nói rằng: “Nếu Chúa tể trị tất cả mọi thứ, không lẽ chính Ngài gây ra điều ác, và làm tội lỗi vào trong thế gian?” Chắc chắn là không phải vậy! Đức Chúa Trời là Đấng thánh khiết, Ngài không thể là tác giả của điều ác, Ngài không thể tạo ra tội lỗi, Ngài cực kỳ ghét tội lỗi. Tuy nhiên, Ngài có quyền cho phép tội ác xảy ra, và ngay từ trước sáng thế, Ngài đã quyết định tạo dựng một thế giới mà điều ác sẽ xảy ra, vì chỉ có như vậy Ngài mới bày tỏ hết tất cả mọi bản tính của Ngài. Nếu tội lỗi không hiện hữu, chúng ta sẽ không thấy rõ sự thương xót, sự tha thứ, sự công chính, sự thánh khiết của Ngài. Mặc dù vậy, con người vẫn phải chịu trách nhiệm cho mọi tội lỗi của họ, vì chính họ muốn phạm tội, họ không phạm tội trong trạng thái bị thôi miên, mất kiểm soát; mà họ phạm tội với đầy đủ sự tỉnh táo và ý muốn hướng về điều ác. Chính vì vậy, họ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho tội lỗi mình. Chúa cho phép điều đó xảy ra, không có nghĩa là Ngài đồng lõa, tiếp tay cho tội lỗi, nhưng vì Ngài muốn bày tỏ và thi hành sự phán xét, Ngài đã quyết định phó mặc họ cho tội lỗi.
Đây là một vấn đề hóc búa và huyền nhiệm, đồng thời nó cũng dễ gây vấp phạm cho chúng ta, nó là một lẽ thật, mặc dù khó nuốt đối với bất cứ ai, nhưng đó là điều Kinh thánh bày tỏ, Đức Chúa Trời tể trị trên cả điều ác, điều đó không biến Ngài thành kẻ ác, mà ngược lại, nó cho ta thấy một Đấng Khôn Ngoan, Tối Thượng, và Vĩ Đại Vô Song.
Sự tể trị chính là thuộc tính căn bản nhất của Đức Chúa Trời, nếu Ngài không tể trị, nếu Ngài để mọi tạo vật vận hành một cách tự do theo ý chúng muốn, nếu Ngài để sự cứu rỗi tùy thuộc vào tay con người, thì lúc đó chính con người mới là Chúa. Nhưng tạ ơn Chúa, chúng ta có một Đức Chúa Trời tể trị, lẽ đạo này mang đến sự an ủi cho những đau khổ của chúng ta, vì mọi đau khổ, bệnh tật, bắt bớ, hoạn nạn không xảy ra một cách ngẫu nhiên vô nghĩa nhưng chúng đều đến trong sự cho phép của Ngài, để hoàn thành kế hoạch của Ngài trên cuộc đời chúng ta. Như Spurgeon đã từng nói: “Sự tể trị của Ngài là chiếc gối êm ả đem đến cho cơ đốc nhân một giấc ngủ ngon.”
Sự thánh khiết
Thuộc tính tiếp theo, một thuộc tính được Kinh thánh bày tỏ rất khác biệt, đó là sự thánh khiết. Đức Chúa Trời thánh khiết, là một Đấng hoàn toàn tách biệt với mọi tạo vật, đức thánh khiết nói lên một bản chất tinh ròng, thuần khiết của Ngài, chữ “thánh” bày tỏ vị trí cao trọng của Ngài, đáng được mọi tạo vật tôn quý và thờ phượng. Trước khi bước vào chức vụ, tiên tri Ê-sai đã thấy gì nơi ngai của Đức Chúa Trời?
“Các sê-ra-phim cùng nhau tung hô rằng: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn quân! Khắp đất đầy dẫy vinh quang Ngài!””(Es 6:3)
Khi sứ đồ Giăng ở đảo Bát-mô, được mặc khải về thiên đàng đã thấy gì?
“Bốn sinh vật ấy, mỗi con có sáu cánh, chung quanh và bên trong mình đầy những mắt; ngày đêm nói luôn không dứt: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay, Chúa là Đức Chúa Trời Toàn Năng, ĐẤNG ĐÃ CÓ, HIỆN CÓ VÀ ĐANG ĐẾN!””(Kh 4:8)
Các thiên sứ không kêu “Quyền năng thay!”, hay “Nhân từ thay!”, hay “Công chính thay!”; nhưng lại kêu lên “Thánh thay!” đến 3 lần và ngày đêm ca tụng không ngừng nghỉ. Tôi tin rằng ngay trong lúc bạn đang nghe podcast này, thì tại nơi Chúa ngự, các thiên sứ vẫn đang ca ngợi sự thánh khiết của Đức Chúa Trời. Vì sao sự thánh khiết của Ngài lại được tôn ngợi liên tục như vậy?
Chúng ta cứ để ý bất cứ điều gì, bất cứ ai thuộc về Đức Chúa Trời, đều được gắn liền với chữ “thánh”. Đức Chúa Cha được gọi là Cha Thánh, Chúa Jesus được gọi là Con Thánh, Linh của Ngài được gọi là Thánh Linh, dân Ngài được gọi là Hội thánh, lời của Ngài được gọi là Kinh thánh, mỗi cơ đốc nhân thì được gọi là thánh đồ, đền thờ của Ngài được gọi là đền thánh, núi Si-ôn của Ngài được gọi là núi thánh, những bài hát tôn vinh Ngài được gọi là thánh ca….
Khi hướng dẫn Môi-se thực hiện các nghi thức làm đền tạm, dâng tế lễ, Ngài hướng dẫn một cách tỉ mỉ từng chi tiết, từ những con chiên, con bò được dâng lên, đến bàn thờ, đến những chiếc áo của các thầy tế lễ,… để tất cả đều được biệt riêng ra thánh, và Ngài có thể ngự giữa họ. Ngài ghét sự bất khiết, Ngài không thể lại gần một nơi, một vật, một con người bất khiết, vì vậy mọi thứ thuộc riêng về Ngài đều phải nên thánh.
Và đó cũng là một trong những mục đích Ngài chọn lựa, cứu rỗi chúng ta, Kinh thánh chép rằng: “Ngay cả trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, để chúng ta được thánh hóa và không chỗ chê trách trước mặt Ngài” (Eph 1:4). Ngài yêu thương chọn lựa, và cứu rỗi chúng ta; nhưng Ngài không thể ở gần chúng ta nếu chúng ta không nên thánh.
Chính vì vậy, một khi đã trở thành người thuộc về Ngài, một trong những mục tiêu mà chúng ta phải đeo đuổi, đó là nên thánh. Trách nhiệm của một tín nhân, đó là ăn năn, lìa bỏ tội lỗi, hướng đến những điều cao trọng, thánh thiện, như mệnh lệnh Chúa đã truyền: “Các con phải thánh, vì Ta là thánh.” (I Phi 1:16)
Vì bản tính thánh khiết, nên Ngài rất ghét tội lỗi, những thứ ô uế, bất khiết. Kinh thánh nhiều lần bày tỏ thái độ gay gắt của Ngài đối với tội lỗi, kẻ ác, ma quỷ….như sau:
“Vì Chúa chẳng phải là Đức Chúa Trời bằng lòng với điều ác; Kẻ ác sẽ không được ở với Chúa. Kẻ kiêu ngạo chẳng đứng nổi trước mắt Chúa; Chúa ghét tất cả kẻ làm ác. Chúa hủy diệt bọn nói dối; Đức Giê-hô-va ghê tởm kẻ khát máu và lũ gian tà.” (Thi 5:4-6)
Trong cựu ước cũng ghi lại những cái chết hy hữu và đột ngột, khi có người làm nhơ bẩn những vật thánh của Chúa trong lúc thờ phượng:
“Nhưng Na-đáp và A-bi-hu chết trong khi dâng một thứ lửa lạ trước mặt Đức Giê-hô-va.”(Dan 26:61)
“Khi đến sân đạp lúa của Na-côn, U-xa giơ tay lên nắm hòm của Đức Chúa Trời, bởi vì những con bò vấp ngã. Cơn thạnh nộ của Đức Giê-hô-va bèn nổi phừng cùng U-xa; Đức Chúa Trời hành hại người vì cớ lầm lỗi người, và người chết tại đó, gần bên hòm của Đức Chúa Trời.” (II Sa 6:6-7)
Ta thấy rằng, thật đáng sợ khi mạo phạm đến bản tính thánh khiết của Ngài, Na-đáp, A-bi-hu, U-xa đã lãnh hậu quả ngay tức thì mà không có một cơ hội giải bày nào. Vậy mà con người ngày nay hầu hết đều xem thường sự thánh khiết của Ngài, các bạn và chính mình tôi, lắm lúc chúng ta cậy ân điển đã ban mà xem thường sự thánh khiết của Ngài, chúng ta thỏa hiệp với những hành động bất khiết trong thế giới, trong đầu chất đầy những suy nghĩ ô uế, gian ác; xin Chúa thương xót tha thứ và thánh hóa cho chúng ta.
Yêu thương
Không cần phải nói, đây là điều được nhắc nhiều nhất trong cuộc đời cơ đốc nhân, từ lúc bắt đầu được cứu, cho đến lúc về nhà Cha, nhiều người trong chúng ta đã kinh nghiệm tình yêu, nếm trải ân điển ngọt ngào của Đấng Cứu Thế yêu dấu chúng ta. Một trong những lý do mà Ngài chọn lựa chúng ta từ trước sáng thế, định cho chúng ta sự cứu rỗi, giữ gìn đức tin chúng ta, đó là bởi tình yêu sâu đậm của Ngài đối với con cái Ngài. Nếu là một cơ đốc nhân thật, thì chắc chắn tấm lòng bạn sẽ dâng trào cảm xúc khi nghĩ đến tình yêu của Ngài, một tình yêu vô điều kiện, một tình yêu không thể miêu tả trong không gian 3 chiều này, vì Kinh thánh mô tả nó có đến 4 chiều, một loại tình yêu vượt mọi hiểu biết tưởng tượng của con người:
“để cùng với tất cả các thánh đồ, anh em có thể thấu hiểu chiều rộng, chiều dài, chiều cao, chiều sâu của tình yêu ấy, và biết được tình yêu thương của Đấng Christ, là tình yêu vượt quá mọi sự hiểu biết, để anh em được tràn đầy mọi sự sung mãn của Đức Chúa Trời.” (Eph 3:18-19)
Đức Chúa Trời là sự yêu thương, chúng ta đều biết điều đó, yêu thương là bản chất của Ngài, Ngài không thể không yêu. Tình yêu đó đã hiện diện từ cõi vĩnh hằng ở trong 3 ngôi Thiên Chúa, Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, Đức Thánh Linh yêu thương nhau bằng một tình yêu cao sâu mầu nhiệm. Khi Chúa Jesus đến thế gian, Ngài đã nhiều lần bày tỏ tình yêu Cha dành cho Ngài:
“Cha yêu thương Con và giao tất cả mọi sự trong tay Con.” (Gi 3:35)
“Vì Cha yêu thương Con và bày tỏ cho Con mọi điều Cha làm. Cha sẽ còn bày tỏ cho Con những việc vĩ đại hơn những việc nầy nữa để các ngươi phải kinh ngạc.”(Gi 5:20)
Cha yêu thương Đấng Christ, giao hết mọi sự vào tay Đấng Christ, thẩm quyền, vinh hiển, sự tôn trọng, ngai phán xét, tất cả mọi sự Cha đều làm trong Con Ngài. Sự sáng tạo vũ trụ, bảo tồn vũ trụ, chọn lựa chúng ta, kêu gọi, tha tội, cứu chuộc, xưng công chính, thánh hóa, làm cho vinh hiển. Đức Chúa Cha không làm bất cứ một điều gì ngoài Đấng Christ. Ngài tôn vinh Đấng Christ, bày tỏ Đấng Christ cho chúng ta. Chúa Jesus cũng yêu Đức Chúa Cha, Ngài bày tỏ điều đó qua sự vâng phục Cha, nếp sống cầu nguyện với Cha, Ngài đặt ý muốn Cha, công việc Cha giao cho là mục tiêu cao nhất, mong ước của Ngài là Cha được sáng danh. Kinh thánh chép rằng:
“Đức Chúa Jêsus nói với họ: “Lương thực của Ta là làm theo ý muốn của Đấng đã sai Ta, và hoàn tất công việc của Ngài.””(Gi 4:34)
“Vậy, Đức Chúa Jêsus cất tiếng phán cùng họ rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, Con chẳng tự mình làm việc gì được; chỉ làm điều chi mà Con thấy Cha làm; vì mọi điều Cha làm, Con cũng làm y như vậy.”(Gi 5:19)
Chúa Jesus yêu thương Cha, Ngài vui lòng dốc tâm sức hoàn thành mọi ý muốn Cha, thậm chí là phó mạng sống mình, vì đó là kế hoạch mà Cha đã giao cho Ngài thực hiện. Và trong tương lai, Ngài sẽ tiếp tục làm những công việc Cha giao, Ngài sẽ tái lâm, phán xét, thiết lập vương quốc 1000 năm bình an, ….
Không chỉ có tình yêu giữa ba ngôi Thiên Chúa, Ngài còn bày tỏ tình yêu với các thiên binh, thiên sứ, Ngài yêu các tạo vật của Ngài, và rõ ràng nhất là tình yêu thương Ngài dành cho con người. Đó là một tình yêu vô điều kiện, Ngài yêu, không phải vì chúng ta tốt lành, có giá trị; nhưng Ngài yêu vì Ngài là Đấng Tốt Lành, vì Ngài yêu nên chúng ta trở nên có giá trị trước Ngài. Các sứ đồ đã tôn ngợi tình yêu Chúa rằng:
“Hãy xem Đức Chúa Cha đã ban cho chúng ta tình yêu thương lớn dường nào, đến nỗi chúng ta được gọi là con cái của Đức Chúa Trời, và chúng ta thật là con cái Ngài! Sở dĩ thế gian không biết chúng ta, vì thế gian không biết Ngài” (I Gi 3:1)
“Đấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, và làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời là Cha Ngài, đáng được sự vinh hiển và quyền năng đời đời vô cùng! A-men.”(Kh 1:6)
“Nhưng Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta.”(Ro 5:8)
“Trong tình yêu thương, Ngài đã định sẵn cho chúng ta địa vị làm con nuôi của Ngài bởi Đức Chúa Jêsus Christ, theo mục đích tốt đẹp của ý muốn Ngài”(Eph 1:5)
“Như Cha đã yêu thương Ta thể nào, Ta cũng yêu thương các con thể ấy. Hãy cứ ở trong tình yêu thương của Ta.”(Gi 15:9)
Ngài yêu thương chúng ta, Ngài bày tỏ qua hành động chọn lựa chúng ta từ trước sáng thế để nhận ơn cứu rỗi, Ngài đến thế gian chịu chết để đền tội chúng ta, không những Ngài giải quyết tội lỗi chúng ta, Ngài còn sắm sẵn một vương quốc phước hạnh cho con cái Ngài, để được ở với Ngài đời đời. Và điều đặc biệt nhất, nhưng thú thật, nếu nó không được viết trong Kinh thánh, tôi và các bạn chắc sẽ không dám tin đâu, Đức Chúa Cha yêu chúng ta bằng tình yêu mà Ngài dùng để yêu Con Một Ngài, trong lời cầu nguyện của Đấng Christ, Ngài đã tiết lộ rằng:
“Cha đã yêu thương họ như Cha đã yêu thương Con” (Gi 17:23b)
Chúa Cha yêu chúng ta như Chúa Cha yêu Con Một quý báu của Ngài, thật không thể tin được, Ngài yêu chúng ta bằng một tình yêu bất biến, vĩnh hằng, vô hạn, sâu nhiệm, tình yêu mà ba ngôi Đức Chúa Trời dành cho nhau. Thật tình yêu của Đức Chúa Trời là thứ nằm ngoài giới hạn tưởng tượng của chúng ta, đúng không?
Chúng ta đã học một số thuộc tính nền tảng nhất của Đức Chúa Trời, dù không nhiều, nhưng cũng đủ để chúng ta chiêm ngưỡng Chúa mỗi ngày, ca khen Chúa luôn luôn, đúng không? Lần tới, chúng ta sẽ tiếp tục đào sâu và phân tích những mỹ đức đẹp đẽ khác của Thiên Chúa. Cảm ơn các bạn!