![](https://static.wixstatic.com/media/edbf0d_d57ae7a11b5844b8bb9a56a1c733c95e~mv2.jpg/v1/fill/w_980,h_551,al_c,q_85,usm_0.66_1.00_0.01,enc_auto/edbf0d_d57ae7a11b5844b8bb9a56a1c733c95e~mv2.jpg)
Cơ Đốc Nhân sống giữa thế giới này nghĩa là sống trong những mâu thuẫn, xung đột của mối liên hệ. Đơn giản vì chúng ta không phải là những thánh nhân, mà là những tội nhân sống với nhau, vì vậy bản chất tội lỗi như kiêu ngạo, ích kỷ, ghen ghét,… sẽ tạo ra những bất đồng và dẫn đến những nan đề, tổn thương trong mối liên hệ. Trong thực tế, chúng ta càng sống gần nhau, chúng ta sẽ càng khám phá tội lỗi của nhau nhiều; nó không giống nhiều người vẫn thường nghĩ, mối liên hệ nào sống càng gần nhau sẽ càng thân thiết, yêu thương nhau hơn; hoàn toàn không phải như vậy. Đặc biệt trong đời sống hôn nhân, vợ và chồng ở cùng nhau hằng ngày sẽ khám phá bản chất tội của nhau nhiều hơn người khác. Chúng ta trước hết cần xem nó là điều tất yếu phải xảy ra, trước nhà thờ vợ và chồng có thể đã thề nguyện cách dạn dĩ và tự tin nhưng bước vào đời sống vợ chồng thực tế ta mới thấy thực sự bản chất tội trong chúng ta mạnh mẽ thế nào.
Một thực trạng tiêu cực khác tôi thấy rất thường xảy ra trong Hội Thánh ngày nay dẫn đến những nan đề trong hôn nhân, đó là: vợ hoặc chồng hoặc cả 2 chưa thực sự có mối liên hệ với Chúa.
Chắc bạn đã nghe nhiều câu chuyện vợ phải “tin Chúa” để lấy được chồng, chồng phải “tin Chúa” để lấy được vợ, hoặc cả vợ và chồng đều lớn lên trong gia đình truyền thống Tin Lành nhưng cả 2 đều chưa là con Chúa, hoặc là bác sĩ bảo cưới (bạn hiểu tôi muốn nói gì rồi đấy). Và vì vậy, đời sống gia đình không khác gì mang ách chung với kẻ chẳng tin.
Và hôn nhân như vậy không phải là hôn nhân mà Chúa tạo dựng từ ban đầu. Bạn hãy nhớ lại vì sao Chúa lại thiết lập hôn nhân cho con người. Trong Sáng thế ký 2:7-25 dạy rất rõ về tiến trình Chúa dẫn A-đam từ một người trưởng thành độc thân đến mối liên hệ với Ê-va. Đây là những mốc thời gian quan trọng:
“Bấy giờ, Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sinh khí vào lỗ mũi, thì người trở nên một sinh linh.” (câu 7)
“Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ tạo nên một người giúp đỡ thích hợp với nó.” (câu 18)
“Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy đất nắn nên mọi loài thú đồng và chim trời, rồi đưa đến trước mặt con người để xem con người đặt tên chúng là gì, và bất cứ tên nào con người đặt cho mỗi sinh vật đều thành tên riêng của nó.” (câu 19)
“A-đam đặt tên cho mọi loài gia súc và chim trời cùng mọi loài thú rừng; nhưng phần A-đam thì chẳng tìm được một ai giúp đỡ thích hợp với mình.”(câu 20)
“Giê-hô-va Đức Chúa Trời khiến cho A-đam ngủ mê, và lấy đi một xương sườn, rồi lấp thịt thế vào. Giê-hô-va Đức Chúa Trời dùng chiếc xương sườn đã lấy từ A-đam dựng nên một người nữ và đưa đến cho A-đam.” (câu 21,22)
“A-đam và vợ, cả hai đều trần truồng nhưng không thấy ngượng ngùng.” (câu 25)
Tiến trình đó như sau:
Chúa dựng nên A-đam là người trưởng thành (câu 7) - Chúa đặt vấn đề về hôn nhân (câu 18)– Chúa giao công việc cho A đam (câu 19) – A-đam nhận biết sự giới hạn của mình (câu 20) – Chúa đáp ứng nhu cầu (câu 21,22)– A-đam kinh nghiệm đời sống hôn nhân (câu 25).
Ta thấy rằng trước khi bước vào hôn nhân, A-đam kinh nghiệm mối liên hệ với Chúa rất khắng khít và rất cụ thể: thực hiện trách nhiệm Chúa giao, hiểu ra nhu cầu của mình là cần người giúp đỡ, Chúa đáp ứng cho A-đam và cho ông bước vào hôn nhân
Vậy mục đích tối hậu của hôn nhân theo Kinh Thánh là gì? Có phải như người ta vẫn thường dạy: hôn nhân để xây dựng tình yêu vợ chồng, cùng sống tới cuối đời, đáp ứng mong muốn của nhau, làm vừa lòng nhau, cùng xây đắp hạnh phúc cho nhau, blah blah. Đó là định nghĩa hôn nhân của người đời, qua những cuốn sách tâm lý dạy về tình yêu hôn nhân, nó khiến con người ta quên mất Chúa, quên mất ai đã thiết lập ý nghĩa của hôn nhân. Và điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây và cũng là điều khiến tôi băn khoăn đó là trong Hội Thánh, trong những cộng đồng Cơ đốc, các diễn giả Cơ đốc vẫn lấy những triết lý đó, những nguyên tắc về hôn nhân được xây dựng bởi những người vô thần mà dạy lại cho các cặp vợ chồng Cơ đốc, quá nguy hiểm và đáng buồn!!
Chẳng lẽ Kinh Thánh không dạy về hôn nhân hay sao mà lại lấy những điều từ thế gian ra để dạy những người con Chúa như vậy. Thật sự, ngay từ đầu cuốn Kinh Thánh đã dạy về mục đích hôn nhân cho chúng ta: HÔN NHÂN LÀ ĐỂ LÀM TRÒN VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM CHÚA GIAO TRÊN ĐẤT NÀY. Và hôn nhân chỉ có giá trị ở đời tạm, không phải là giá trị đời đời; vì khi qua đời tất cả mọi người chỉ là những tạo vật như nhau trước mặt Chúa, không ai là vợ là chồng của ai cả. Bước vào hôn nhân KHÔNG PHẢI để vợ chồng làm vui lòng nhau, mà là để cả 2 LÀM VUI LÒNG Chúa. Vì bản chất của người vợ là Người Giúp Đỡ của người chồng, giúp đỡ cái gì vậy? Đó là giúp người chồng làm những chuyện mà Chúa giao cho người chồng.
Vậy trở lại vấn đề khi có xung đột giữa vợ chồng với nhau, ta phải làm gì?
Ngồi trong những giờ hội thảo Cơ đốc, những buổi nhóm chia sẻ về chủ đề hôn nhân, tôi vẫn thường xuyên nghe các diễn giả mang danh Cơ đốc nhưng lại chia sẻ về những thủ thuật tâm lý, đại loại như: “phải khám phá tính khí của nhau, phải hiểu ngôn ngữ tình yêu của nhau, ngôn ngữ của vợ là gì, ngôn ngữ của chồng là gì. Phải yêu đối phương bằng cách đáp ứng những điều đó, làm hài lòng nhau. Người chồng cần được tôn trọng, được ghi nhận; người vợ cần được quan tâm, chăm sóc, chia sẻ, lắng nghe…”. Tất cả những điều đó chỉ là bề nổi của tảng băng, vì đối với chúng ta là những tín đồ Chúa Giê-xu, tất cả những điều đó đều là con người xác thịt, là bản chất tội lỗi đã được đóng đinh lên cây thập tự rồi, hay nói cách khác, tất cả chúng ta đều đã chết rồi. Cả vợ lẫn chồng đều phải được biến đổi, được thánh hóa để càng ngày càng giống Chúa hơn, chứ không phải để dung hòa, giúp nhau thỏa mãn cái bản chất tội lỗi của nhau.
Chìa khóa để giải quyết xung đột đó là chính Chúa, chính Lời của Chúa. Vì đó chính là nền tảng chung để 2 vợ chồng cùng nhìn lại, cùng soi chiếu đời sống của chính mình cần từ bỏ điều gì, cần tha thứ chuyện gì, cần phải trưởng thành trong những vấn đề nào. Và điều đầu tiên cần làm đó là nhận biết tội lỗi của bản thân và xin Chúa thương xót tha thứ cho mình, đồng thời cũng tha thứ cho người phối ngẫu của mình. Và đó là tầm quan trọng của mối liên hệ với Chúa của mỗi người ảnh hưởng thế nào đến mối liên hệ giữa 2 người với nhau. Xin chúng ta nhớ cho mối liên hệ hôn nhân phải phục vụ cho mối liên hệ với Chúa, không phải ngược lại. Mục đích hôn nhân là VÌ CHÚA, KHÔNG PHẢI VÌ CON NGƯỜI.
Và khi vợ chồng mỗi người chạy đến với Chúa giải quyết những trục trặc riêng tư với Chúa, thì tự động cả 2 sẽ chạy đến với nhau.