top of page

Bệnh Tự Ti Của Người Tin Lành



Đây là một vấn đề về hành vi của người Tin lành khiến tôi băn khoăn nhiều năm trước, vì đây là một loại bệnh mãn tính khó nhận ra nên ít người nói về nó, hoặc có nhận ra thì cũng ngại bày tỏ ý kiến vì sợ có thể “đụng chạm” với một số người nào đó đang có tầm ảnh hưởng lên cộng đồng Cơ đốc.


Nếu một ngày nọ bạn lướt news feed, tình cờ thấy có một người nào đó share 1 bài báo “Ca sĩ Lưu Chí Vỹ bày tỏ đức tin nơi Chúa”, hoặc “HLV Park Hang Seo bày tỏ niềm tin Cơ đốc”, nếu là người Cơ đốc bạn sẽ phản ứng thế nào nếu đó là lần đầu tiên bạn phát hiện về điều này. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên, vui mừng, và bấm share ngay; và có thể rất nhiều người Cơ đốc hành động giống bạn. Và nếu bạn để ý một chút, thỉnh thoảng nếu có 1 bài báo có tiêu đề tương tự như vậy đa phần những người Tin Lành sẽ share ngay vì có người nổi tiếng có niềm tin giống mình, vui vì cảm giác như có thêm “đồng minh”.


Vì sao lại như vậy? Phải chăng nó xuất phát từ một sự tự ti, mặc cảm từ lâu của chúng ta là những người Cơ đốc nhưng ngại công khai niềm tin của mình. Nghĩ cũng phải, đạo Tin lành từ lâu mang tiếng xấu nhiều hơn tiếng tốt, nào là “đạo của Mĩ”, “đạo bỏ ông bà”, “đạo đi dụ người khác”… và chúng ta hay nhận những thái độ dè bỉu, mỉa mai, cười khinh bỉ mỗi khi công khai niềm tin của mình. Vì vậy, mỗi khi phát hiện được diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng nào đó cũng có tôn giáo Tin lành, ta thường cảm thấy như có thêm đồng minh, ta share những bài báo đó để giảm bớt cảm giác mặc cảm trong lòng mình.


Có thực sự phải cần có những người nổi tiếng mang tôn giáo Tin Lành ta mới tự hào mình là người Tin Lành chăng? Những tâm tư này khiến tôi băn khoăn tự hỏi vấn đề nằm ở đâu, tôi tìm hiểu hơn về niềm tin của mình và nhận thấy rằng chỉ cần có vài điều là đã đủ làm mình thấy tự hào về Tin Lành của mình.


Đầu tiên, chỉ cần cầm cuốn Kinh Thánh trên tay là bạn đã đủ thấy tự hào. Đó là cuốn sách được thống kê trên Wikipedia là cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại, đã bán được gần 6 tỉ cuốn trên thế giới, được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trên thế giới, được tổng thống Mĩ đặt tay tuyên thệ mỗi khi nhậm chức. Thứ hai, đó chính là Chúa Giê xu của chúng ta, một người chỉ sống 33 năm trên đất, đi lại chưa được 100 km2, nhưng danh tiếng của Chúa đã lan khắp toàn cầu, và “Jesus” trở thành câu cảm thán của bất kỳ người phương Tây nào. Thực sự chỉ cần mỗi Chúa Giê-xu đã khiến ta thấy tự hào, phải không?


Không chỉ nói đến việc tự hào về những người nổi tiếng ở đời này, ngay cả chính chúng ta cũng dựa vào những thành tích, năng lực cá nhân của chúng ta để nói rằng “tôi ảnh hưởng Chúa, làm vinh hiển danh Chúa”. Thời đi học không biết có ai đã từng suy nghĩ trong đầu: “ Phải chi mình là học sinh giỏi trong lớp thì mình sẽ làm chứng cho bạn bè dễ hơn!”, hoặc khi đi làm thì nói “Phải chi tôi là người xuất sắc nhất trong công ty thì sẽ làm chứng về Chúa cho đồng nghiệp dễ hơn!”. Thậm chí chúng ta cũng được những diễn giả trong Hội thánh giảng rằng “ Bạn phải là người thành công trong môi trường làm việc của mình, là sinh viên giỏi trong khoa của mình, vì như vậy mới ảnh hưởng Chúa, làm vinh hiển danh Chúa”. Nếu chúng ta suy nghĩ như vậy thì chúng ta không làm chứng về Chúa, mà chúng ta đang làm chứng về CHÍNH MÌNH đấy.


Vì sao? Bạn hãy để ý cách Phao lô (là người có học thức, là học trò của giáo sư Ga-ma-li-ên, là người có địa vị, danh vọng) làm chứng cho người ngoại:

“Vì chúng tôi không rao giảng chính mình, mà rao giảng Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa; và bản thân chúng tôi là đầy tớ của anh em vì Đức Chúa Jêsus” (II Cor 4:5).

Ông là người trí thức, nhưng khi làm chứng cho người Hi-lạp là dân thích lý luận, cho người Giu đa thích đòi phép lạ, ông chỉ giảng về phúc âm cơ bản nhất đó là thập tự giá của Chúa. Ông không dùng kiến thức của mình, sự khôn ngoan của con người để làm chứng về Chúa vì ông biết Chúa sẽ biến khôn ngoan trở nên rồ dại, và điều mà người ta cho là rồ dại trở nên khôn ngoan. Mặc dù ông có thể kể cho người ta về background đồ sộ, bề dày thành tích trong quá khứ, có thể lý luận cách khôn ngoan nhưng nếu ông làm thế thì thập tự giá của Đấng Christ trở nên vô ích. Nên ông chỉ tập trung giảng về Tin lành của Chúa Giê-xu.


Bạn hãy nhìn cuộc đời Chúa Giê-xu xem, nếu đánh giá cuộc đời Chúa theo tiêu chuẩn của đời này thì Chúa Giê-xu là người thành công hay thất bại? Chắc chắn là thất bại, đúng không, sinh ra trong gia đình nghèo, lớn lên vẫn nghèo, thất nghiệp, đi giảng thì bị người ta ném đá, tẩy chay, bắt bớ, chế giễu, ghen ghét đến mức cuối cùng là đóng đinh trên thập tự giá như một tử tù đáng chết. Nhưng làm gì có người Tin lành nào dám nói Chúa không làm vinh hiển danh Chúa, không ảnh hưởng Chúa, đúng không. Cho nên ĐỪNG DỰA VÀO THÀNH TÍCH CỦA BẢN THÂN MÀ NÓI RẰNG ĐÓ LÀ ẢNH HƯỞNG CHO CHÚA.


Vì mục tiêu cuối cùng của việc ảnh hưởng Chúa được chép trong Mat 5:16 : “Cũng vậy, ánh sáng của các con phải chiếu sáng trước mặt mọi người, để họ thấy những việc làm tốt đẹp của các con và CA NGỢI CHA các con ở trên trời.”. Mục tiêu của việc làm chứng, ảnh hưởng về Chúa là chính Chúa chứ không phải chúng ta.


Tôi biết nói ra điều này sẽ có người phản đối vì lâu nay nhiều diễn giả vẫn giảng sai trật như vậy, tôi không mong bạn đồng tình với tôi, chỉ mong bạn nhìn lại và suy nghĩ về những điều mình đã được nghe, được dạy bấy lâu nay.

Sống Lại Thời Cải Chánh

©2024 Reformed VTM All Rights Reserved

bottom of page