![](https://static.wixstatic.com/media/edbf0d_8f9d44ad30a14dbdb14c8d25ea427af8~mv2.jpg/v1/fill/w_980,h_551,al_c,q_85,usm_0.66_1.00_0.01,enc_auto/edbf0d_8f9d44ad30a14dbdb14c8d25ea427af8~mv2.jpg)
5 điều kiện tiên quyết để Chúa nhậm lời cầu nguyện 100%
1. CHÚA LÀ TRỌNG TÂM
Thông thường, chúng ta được dạy cầu nguyện là nói chuyện với Chúa, trình bày những nan đề, khó khăn trong đời sống để Chúa lo liệu. Điều này không sai nếu chúng ta là một tân tín hữu, mới chập chững bước đi những bước đầu tiên, chúng ta cần nhận biết Chúa là Đấng chăm sóc, quyền năng, yêu thương con cái Ngài và đáp ứng xứng hiệp của chúng ta là phải nhờ cậy Chúa trong mọi chuyện, không nương nơi sức mình, phải trình dâng những tâm tư, nan đề của chúng ta lên cho Chúa để bày tỏ lòng phó thác nơi Ngài, để Chúa thay đổi hoàn cảnh khó khăn, đưa chúng ta ra khỏi nan đề.
Nhưng nếu là một Cơ đốc nhân trưởng thành, chúng ta cần biết động cơ chính của việc cầu nguyện KHÔNG PHẢI là chúng ta mà là CHÍNH CHÚA. Khi còn là con trẻ, mỗi lần gặp thử thách, chúng ta mong muốn Chúa đổi ý để ngăn cản, không cho phép nan đề này, vấn đề kia xảy đến cuộc đời mình. Nhưng khi trưởng thành, động cơ cầu nguyện của chúng ta sẽ khác, không còn muốn thay đổi Chúa, thay đổi hoàn cảnh, mà là THAY ĐỔI CHÍNH MÌNH.
Đúng vậy! Bạn không nghe nhầm đâu! Cầu nguyện không phải để Chúa đổi ý mà là để chúng ta đổi ý.
Bạn có từng thắc mắc rằng: Sao Chúa là Đấng yêu thương mà sau khi Chúa tạo ra mình, Chúa không đưa mình về Thiên Đàng mà để mình sống trên đất mấy mươi năm để làm gì không? Vì Chúa cho bạn sống vài chục năm trên đất mục đích không phải để chu cấp, chăm sóc cho bạn, đáp ứng nhu cầu đời bạn mà là để rèn luyện bạn, gọt giũa bạn, chuẩn bị bạn cho cõi đời đời. Từ trước sáng thế, Chúa đã chọn chúng ta, Ngài chọn thời điểm và địa điểm cho chúng ta có mặt trên đời này, để Ngài thánh hóa chúng ta qua quá trình chúng ta sống trên đất này và sự thánh hóa sẽ trọn vẹn khi chúng ta về với Chúa.
“Ngay cả trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, để chúng ta được thánh hóa và không chỗ chê trách trước mặt Ngài.” Eph 1:4
“Vì những người Ngài đã biết trước thì Ngài cũng định sẵn cho họ trở nên giống như hình ảnh Con Ngài, để Con ấy được làm Con trưởng giữa nhiều anh em” Ro 8:29
Một trong những mục đích tối hậu của đời sống Cơ đốc nhân là TRỞ NÊN GIỐNG CHÚA, không phải giàu có, khỏe mạnh, phước hạnh, được nhiều người yêu mến, để giúp ích cho xã hội…Đó là mục đích của những người thế gian. Vì vậy, động cơ cốt lõi, căn bản nhất khi chúng ta đến với Chúa phải là để tự bỏ mình đi, lệ thuộc hoàn toàn vào Chúa, vì Danh Chúa được vinh hiển, vì Nước Chúa mau đến, vì Ý Chúa được nên.
Lâu nay, bạn và tôi cầu nguyện với động cơ nào, vì mình, vì gia đình mình, hay vì Chúa. Xin Chúa giúp chúng ta trưởng thành hơn trong nhận thức, để chúng ta không còn mãi là con trẻ, chú tâm vào mình, vào những chuyện của mình. Cũng giống như một đứa trẻ, lúc còn nhỏ nó sẽ không quan tâm ai ngoài chính nó, cho đến khi nào nó biết quan tâm ba mẹ, anh chị, bạn bè nó; nó mới tiến lên một bước trưởng thành mới.
Vì vậy, xin chúng ta bắt đầu từ bây giờ hãy thay đổi động cơ cầu nguyện của mình, để qua lời cầu nguyện Chúa thay đổi mình, chứ không phải dùng lời cầu nguyện để cố gắng thay đổi Chúa.
2. LẮNG NGHE CHÚA TRƯỚC KHI NÓI VỚI CHÚA
Chúa là Đấng luôn dự bị, sắm sẵn trước cho chúng ta trước khi Ngài đòi hỏi chúng ta phải đáp ứng lại với Ngài. Nếu quan sát xuyên suốt Kinh Thánh ta sẽ thấy Chúa luôn đi trước, sắm sẵn trước cho chúng ta.
“Không phải các con đã chọn Ta, nhưng Ta đã chọn và bổ nhiệm các con, để các con đi, được kết quả, và quả của các con cứ còn mãi; để bất cứ điều gì các con nhân danh Ta cầu xin Cha thì Ngài ban cho các con.”(Gi 15:16)
“Chúng ta yêu thương vì Chúa đã yêu thương chúng ta trước” (I Gi 4:19)
“Vì chúng ta là công trình của tay Ngài, được tạo dựng trong Đấng Christ Jêsus để thực hiện những việc lành mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị từ trước để chúng ta làm theo.” (Eph 2:10)
Và câu Kinh Thánh đặc biệt dạy dỗ về mối liên hệ giữa chúng ta với Chúa được chép trong Giăng 10 “Chiên Ta nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta”. (Gi 10:27)
Chúa là người chăn, chúng ta là chiên. Chiên thì phải nghe tiếng người chăn, và đi theo người chăn. Đây là chuyện ai cũng đã biết, đã học; nhưng trong đời sống thực tế rất ít người trong chúng ta làm được, đa phần chúng ta sẽ làm ngược lại, chúng ta là con chiên thích đi đường mình và muốn Chúa phải theo chúng ta, phải nghe chúng ta. Là chiên của Chúa nghĩa là chúng ta thuộc về Chúa, Chúa sở hữu chúng ta, chúng ta không sở hữu cuộc đời mình nữa. Và không còn thuộc về chính mình nữa nghĩa là phải sống theo ý Chúa, tìm kiếm mục đích Chúa dành cho đời mình.
Làm thế nào để tìm kiếm những điều đó? Trước khi chúng ta tìm Chúa, Chúa đã tìm đến chúng ta trước, Chúa đã bày tỏ cho chúng ta qua Lời của Ngài, để cho chúng ta được biết Chúa, biết bản tánh của Chúa, mục đích của Ngài, công tác của Ngài.
Vì vậy, trước khi chúng ta đến với Chúa, nói với Chúa; chúng ta phải nghe Chúa nói trước. Nếu chiên muốn theo người chăn, chiên phải nghe tiếng của Người Chăn, học tiếng của Người chăn; lúc đó chiên mới biết Người Chăn là ai để theo, để vâng phục, để đáp ứng cho xứng hiệp.
Vì vậy, trong đời sống thực tế thường ngày của chúng ta, trước khi cầu nguyện, hãy đến với Lời Chúa. Chúng ta sẽ không cầu nguyện đúng nếu chúng ta không quan tâm, thờ ơ với Lời Chúa. Học, đọc Lời Chúa là trách nhiệm của mỗi CĐN, xin đừng nghĩ đó là trách nhiệm của những mục sư, những người lo về linh vụ. Chúng ta cần tự trang bị Lời Chúa cho chính mình để chúng ta nhận biết đâu là tiếng Người Chăn Giê-xu, đâu là tiếng của những kẻ trộm đội lốt chăn bầy.
Ngày nay, như đã đề cập trong các bài viết trước, rất nhiều chiên đã nghe theo tiếng kẻ trộm vì đơn giản là không quan tâm tiếng của Người Chăn, không nghe tiếng Người Chăn. Chúng ta nên nhớ rằng nếu việc chúng ta bị dẫn dụ bởi kẻ trộm đến từ lý do chúng ta không học Lời Chúa thì trách nhiệm đó sẽ thuộc về chúng ta, chúng ta không thể đổ lỗi cho kẻ trộm, vì đó là lỗi của chúng ta, Chúa đã bày tỏ chính Ngài cho chúng ta nhưng chúng ta thờ ơ với Ngài. Xin Chúa giúp chúng ta, để Ngài giữ Lời Chúa trong lòng, trong đời sống thực tế của chúng ta để chúng ta được Chúa bảo vệ bởi Lời của Ngài, để kinh nghiệm sự linh nghiệm của Lời Chúa trên đời sống chúng ta.
3. XƯNG TỘI
Ông A-đam và bà Ê-va là 2 con người đầu tiên và duy nhất trên thế giới được trải nghiệm cuộc sống tuyệt vời trong vườn Ê-đen trước khi 2 người phạm tội. Trước khi ăn trái cấm, họ sống hòa thuận với Chúa, vui hưởng mối liên hệ khắng khít với Chúa, Kinh Thánh không cho biết thời gian này kéo dài bao lâu, chúng ta chỉ biết rằng hằng ngày Chúa đến trò chuyện với họ. Cho đến khi tội lỗi xuất hiện, tội lỗi khiến họ không thể hòa thuận với Chúa. Ngay sau khi phạm tội, họ ngay lập tức sống xu hướng về mình, sống theo sự công chính của bản thân (self-righteous) qua hành động lấy lá cây che thân mình lại.
Đó là chuyện của tổ phụ loài người, còn chúng ta là CĐN thì sao? Kinh Thánh cho biết :
“Nầy, tay Đức Giê-hô-va chẳng phải ngắn mà không cứu được; Tai Ngài cũng chẳng phải nặng mà không nghe được đâu. Nhưng chính vì sự gian ác của các ngươi Đã phân cách các ngươi với Đức Chúa Trời mình, Và tội lỗi các ngươi đã che khuất Ngài khỏi các ngươi Đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa.”
(Es 59:1-2)
Chúa muốn cứu chúng ta, muốn nghe lời cầu nguyện chúng ta nhưng vì tội lỗi ngăn trở khiến chúng ta xa cách Ngài. Vì Chúa là Đức Chúa Trời thánh khiết, Ngài không thể đến gần những điều tội lỗi, bất khiết. Bởi vậy cho nên khi dân Do thái đi trong hoang mạc, mọi chi tiết xây dựng đền tạm, cách dâng tế lễ thiêu, cách thiết kế bàn thờ của Chúa; mọi thứ đều được Chúa dạy cách kĩ lưỡng, bảo đảm mọi thứ đều thánh khiết, Chúa mới có thể nhậm của tế lễ. Ngày nay, nhờ huyết cứu chuộc của Chúa Giê-xu một lần duy nhất cho tất cả chúng ta, con người có thể đến gần Chúa, cầu nguyện và thờ phượng Chúa cách tự do. Dẫu vậy, trong đời sống cầu nguyện của chúng ta vẫn cần xưng tội với Chúa và cầu xin Chúa tha thứ để Chúa giải quyết những tội lỗi còn vương vấn trong đời sống chúng ta và Ngài hứa sẽ tha thứ chúng ta: “Còn nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín, công chính sẽ tha tội cho chúng ta và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính” (I Gi 1:9)
Nhận biết tội lỗi là bước quan trọng đầu tiên trong tiến trình nhận biết Chúa, các tiên tri, sứ đồ ngày xưa cho chúng ta hiểu về nguyên tắc quan trọng này:
Tiên tri Ê-sai sau khi được Chúa cho thấy mặc khải, ông đã vội vàng xưng tội trước mặt Chúa: Tôi liền kêu lên: “Khốn cho tôi! Tôi chết mất! Vì tôi là người có môi ô uế ở giữa một dân có môi ô uế, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giê-hô-va vạn quân!” (Es 6:5)
Khi Nê-hê-mi nghe tin dữ về tường thành Giê-ru-sa-lem, ông đã đau buồn mấy ngày, sau đó bắt đầu cầu nguyện với Chúa, sau khi ca ngợi Chúa, ông bắt đầu xưng tội: “Xin mắt Chúa đoái thương và tai Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của con là đầy tớ Chúa, đang ngày đêm cầu nguyện vì dân Y-sơ-ra-ên, là các đầy tớ Chúa ở trước mặt Chúa và xưng các tội của chúng con là dân Y-sơ-ra-ên đã phạm với Ngài. Thật, con và tổ phụ đã phạm tội. Chúng con có làm những việc đồi bại chống lại Chúa, không vâng giữ điều răn, các quy định và luật lệ của Chúa đã phán dạy Môi-se là đầy tớ Chúa.” (Ne 1: 6-7)
Gióp sau khi được Chúa trả lời và bày tỏ chính Ngài, ông đã nói rằng: “Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, Nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài: Vì vậy, tôi lấy làm gớm ghê tôi, Và ăn năn trong tro bụi.” (Giop 42:5-6)
Phi-e-rơ sau khi được Chúa bày tỏ Ngài qua phép lạ đánh cá, ông đã nói rằng: “Lạy Chúa, xin ra khỏi tôi, vì tôi là người có tội” (Lu 5:8)
Còn nhiều nhân vật nữa trong Kinh Thánh mà chúng ta thấy rằng khi họ nhận biết tội lỗi của mình, con người xấu xa của mình nghĩa là họ đang tiến lên một bước mới trong quá trình nhận biết Chúa. Ngày nay, chắc hẳn bạn sẽ thường gặp nhiều người nói rằng: “Tôi cảm thấy sự hiện diện của Chúa trong đời sống tôi, tôi có một kinh nghiệm mới với Chúa, tôi hiểu hơn về Chúa”. Nếu tôi trong trường hợp đó, có thể tôi sẽ hỏi 1 câu hỏi: “Bạn có hiểu hơn về tội lỗi của mình không, bạn có khám phá thêm về tội lỗi của mình không?”
Vậy tội lỗi là gì? Đó là:
Trật mục tiêu, sai tiêu chuẩn: Khi chúng ta không đeo đuổi chuẩn mực của Thiên Chúa mà đi tìm những chuẩn mực của chính mình.
Không làm điều mình cần làm: Ví dụ, khi bạn không ghét ai, bạn có tội không? Câu trả lời là: Có. Đơn giản vì đó là tội “không yêu”. Bạn không ghét ai không có nghĩa là bạn không phạm tội. Khi bạn biết điều mình cần làm nhưng không làm thì đó là tội. Khi bạn không sống như một người con, một người chồng, một người cha, một người mẹ như đáng phải có; thì đó là tội
Vượt qua giới hạn: Khi bạn biết điều sai mà vẫn cứ làm thì đó là tội
Vô luật: Khi không quan tâm điều Chúa muốn, sống buông thả, chiều theo tư dục của mình, muốn làm gì thì làm, đó là tội
Tội lỗi trong cả tư tưởng, lời nói: Châm ngôn 21:4,24:9. Mathio 5:21-22,27-28.
Chúng ta thấy rằng tiêu chuẩn của Chúa rất thánh khiết nên dù đã là Cơ đốc nhân, chúng ta vẫn còn sống trong xác thịt, sống trong thế giới tội lỗi, bị ma quỷ tấn công hằng ngày, chúng ta rất dễ phạm tội thường xuyên với Chúa. Sứ đồ Giăng nói rằng ai nói mình không phạm tội, đó là kẻ nói dối. Vì vậy, trong đời sống cầu nguyện của chúng ta, nếu không giải quyết tội lỗi qua việc ăn năn tội thường xuyên với Chúa, Chúa sẽ không nghe chúng ta dù chúng ta có thành tâm, khóc lóc bao nhiêu chăng nữa.
4. CẦU NGUYỆN BẰNG LỜI CHÚA
Hằng ngày chúng ta cầu nguyện thế nào? Có thể chúng ta đã học được nhiều cách cầu nguyện từ các sách vở, tài liệu Cơ đốc. Tuy nhiên, bài viết này sẽ chia sẻ bạn một cách cầu nguyện đáp ứng được đòi hỏi của 3 điều kiện tiên quyết trên, đó là cầu nguyện bằng Lời Chúa. Kinh Thánh cho biết:
“Nếu các con cứ ở trong Ta và lời Ta cứ ở trong các con, hãy cầu xin bất cứ điều gì mình muốn, các con sẽ nhận được điều đó.” (Gi 15:7)
“Anh em cầu xin mà không nhận được vì anh em cầu xin với dụng ý xấu, để dùng cho dục vọng riêng của mình.” (Gia 4:3)
Muốn cầu nguyện bằng Lời Chúa, trước tiên ta phải đọc và học Lời Chúa để biết Chúa muốn điều gì, hiểu rõ về bản tánh của Ngài, do đó chúng ta sẽ có thể lắng nghe Chúa trước khi nói với Chúa, và không sợ phạm tội trong lời cầu nguyện của mình. Vì chúng ta rất thường xuyên cầu nguyện theo những dục vọng riêng của mình, đó là những mong muốn cá nhân, cho cõi đời tạm này, khi chúng ta ko trang bị Lời Chúa, chúng ta sẽ cầu nguyện theo điều ma quỷ gieo vào đầu chúng ta, theo điều mà bản chất tội của chúng ta cho là đúng. Chúng ta cần Lời Chúa để phân biệt đâu là tiếng Chúa, đâu là tiếng của bản thân, đâu là tiếng của ma quỷ.
Vậy cụ thể chúng ta phải làm thế nào? Chúng ta có thể đọc những lời cầu nguyện của các anh hùng đức tin, những con người của Chúa như Nê-hê-mi, E-xơ-ra, Đa-vít, Đa-ni-ên,…Chúng ta có thể thấy Phao-lô viết trong thư tín rằng ông rất thường cầu nguyện cho các Hội Thánh, hãy tìm hiểu xem ông cầu nguyện cho những vấn đề gì, hãy tập quan tâm và cầu nguyện theo những điều mà ông thường cầu nguyện. Chúng ta có thể bắt chước cầu nguyện theo rất nhiều câu Kinh Thánh trong Thi- thiên, Gióp,….
Không phải để lặp lại các câu Kinh Thánh một cách sáo rỗng nhưng qua việc bắt chước cầu nguyện như vậy sẽ luyện tập cho chúng ta có suy nghĩ giống Chúa, nói những điều mà Chúa nói, phản ứng theo cách mà Chúa sẽ phản ứng,… và từ việc thay đổi tâm trí mình theo Lời Chúa, cuộc đời chúng ta sẽ thay đổi bởi Lời của Chúa một cách chúng ta không ngờ đến. Người ta vẫn thường nói rằng: “Gieo suy nghĩ, gặt hành động; gieo hành động, gặt thói quen; gieo thói quen, gặt tính cách; gieo tính cách, gặt thái độ; gieo thái độ, gặt số phận”.
Cầu nguyện theo Lời Chúa, Chúa sẽ thay đổi, thánh hóa chúng ta bằng Lời của Ngài như Chúa Giê-xu đã cầu nguyện: “Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; lời Cha tức là lẽ thật.”(Gi 17: 17)
5. ĐỨC TIN
Sau khi đã cầu nguyện theo Lời Chúa, chúng ta biết chắc lời cầu nguyện chúng ta là đúng ý Chúa, đẹp lòng Ngài, và sẽ ứng nghiệm trong thực tế đời sống. Điều cuối cùng chúng ta cần làm là Đức Tin. Kinh Thánh dạy rất nhiều về đức tin:
“Nhưng phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ; vì kẻ hay nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó.” (Gia 1:6).
Như các bài viết trước đã đề cập, tôi muốn nhắc lại, “đức tin” ở đây là đức tin lệ thuộc nơi Chúa, tin vào chương trình và mục đích của Chúa. Không phải “đức tin dựa trên đức tin”, ngày nay chúng ta hay nghe nhiều người khích lệ rằng, “bạn hãy lấy đức tin cầu nguyện đi, Chúa sẽ đáp ứng điều này điều kia cho bạn” mà không quan tâm điều đó có đúng ý Chúa hay không, có tư dục của con người trong đó hay không. Khi chúng ta lấy “đức tin” của mình ép Chúa phải hành động theo ý chúng ta, theo cách chúng ta nghĩ, thì đó không còn là đức tin. Xin Chúa nhắc nhở chúng ta điều này.
Khi cầu nguyện theo Kinh Thánh là những điều đã được hà hơi bởi Đức Chúa Trời, chúng ta có cơ sở để tin quyết những điều đó sẽ thành hiện thực. Và Chúa sẽ đáp lời qua lòng tin của chúng ta.
Hãy dành thời gian học Lời Chúa mỗi ngày, cầu nguyện mỗi ngày, và tin quyết mỗi ngày. Bạn sẽ trải nghiệm Lời Chúa ứng nghiệm trên đời sống mình, và lời cầu nguyện của bạn sẽ trở thành lời tiên tri trong đời sống mình.