![](https://static.wixstatic.com/media/edbf0d_9f177dfb36b64408b588a9e508bf5370~mv2.jpg/v1/fill/w_980,h_551,al_c,q_85,usm_0.66_1.00_0.01,enc_auto/edbf0d_9f177dfb36b64408b588a9e508bf5370~mv2.jpg)
Bạn yêu Kinh thánh tới mức nào? Một ngày bạn nghĩ về Lời Chúa mấy lần? Bạn có bao giờ lập kế hoạch đọc Kinh Thánh một cách nghiêm túc (chưa bàn đến việc có thực hiện được kế hoạch hay không)?
Nếu được hỏi: “Bạn có cảm thấy cuộc sống mình ổn nếu trong một tháng bạn không đụng tới quyển Kinh thánh?” Nếu thành thật với chính mình, bạn sẽ trả lời thế nào? Cá nhân tôi cũng cảm thấy khó có câu trả lời chính xác nếu được hỏi như vậy? Là Cơ đốc nhân, việc đọc Kinh Thánh cũng giống như việc ăn uống hằng ngày vậy, nếu không có nó, chúng ta sẽ chết.
Tuy nhiên, dường như việc đọc Kinh Thánh thường xuyên, một cách có kỷ luật đã trở thành một thách thức cho chúng ta. Bởi vốn dĩ, thói quen đọc sách hằng ngày đã chỉ có một số ít người làm được, huống hồ chi là Kinh thánh, một cuốn sách khó đọc, viết về bức tranh lịch sử dân Do thái, với những tên riêng, địa danh xa lạ, những tập tục văn hóa xa lạ, những gia phổ dài dằng dặc thật đúng là đang thử thách sự kiên nhẫn và sự tập trung của chúng ta.
Vậy nguyên nhân Kinh Thánh trở nên khó đọc là gì? Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng xét về mặt nhận thức, đó là do chúng ta chưa hiểu được bức tranh tổng quát về Kinh Thánh, cũng như mục đích tối hậu của Kinh thánh, cũng như chưa nắm được những nguyên tắc quan trọng trong việc đọc hiểu Kinh Thánh. Bài viết này sẽ chia sẻ với bạn 3 nguyên tắc chìa khóa giúp bạn hiểu Kinh Thánh rõ hơn, phần nào sẽ giúp chúng ta cảm thấy Kinh Thánh bớt khô khan và xa lạ với chúng ta.
Nguyên tắc 1: Cần phải tách rời công tác của Chúa dành cho dân Do thái và cho Hội thánh
Chúng ta cần phân biệt rõ cách Chúa hành động trên dân Do thái thời Cựu ước và hành động của Ngài đối với Hội thánh thời Tân ước. Có rất nhiều sự khác biệt giữa Giao ước cũ và Giao ước mới.
Khi đọc Cựu ước, chúng ta hãy cố gắng hình dung và suy nghĩ về những mong muốn, mục đích của Chúa đằng sau những lề luật mà Chúa muốn dân Do Thái phải tuân theo.
Ví dụ 1: Việc giữ ngày Sa-bát.
Ngày nay, chúng ta không cần phải giữ ngày Sa-bát như thời Cựu ước vì chúng ta biết con người là chúa ngày Sa-bát và ngày Sa-bát được tạo ra vì con người. Nhưng Chúa muốn dân Do thái giữ ngày Sa-bát vì Ngài muốn họ dành một ngày nghỉ để vui hưởng những điều Chúa cho, để thờ phượng Chúa.
Ví dụ 2: Việc phải ném đá người phụ nữ nào quan hệ tình dục trước hôn nhân.
Cảm ơn Chúa vì ngày nay chúng ta không cần phải làm như vậy, (vì có lẽ chúng ta sẽ phải ném đá rất nhiều người), mục đích của việc ném đá không phải là để trừng phạt mà để con người ý thức về sự trong sạch, giữ sự thánh khiết của cơ thể mà đến gần Chúa.
Còn rất nhiều điều khác về luật pháp mà chúng ta có thể thấy Chúa Giê-xu đã giải thích trong các sách phúc âm, Chúa Giê-xu không đến để sửa đổi những gì Ngài truyền trong Cựu ước mà là để làm trọn luật pháp.
“Vì thế, đừng để ai xét đoán anh em về đồ ăn, thức uống, về ngày lễ, ngày trăng mới, hoặc ngày sa-bát, Những điều nầy chỉ là bóng của những gì sắp đến, còn hình thật là Đấng Christ.” (Co 2:16-17)
Nguyên tắc 2: Cần phân biệt thế nào là lẽ đạo và kinh nghiệm (prescriptive and descriptive event)
Lẽ đạo (Prescriptive event): Là điều mà trước giả mô tả, trình bày nên được áp dụng, thực hành lên đời sống mọi người tin.
Ví dụ: việc cầu nguyện, việc phải đầy dẫy Đức Thánh Linh, dâng hiến, tha thứ, sống thánh khiết,…..
Kinh nghiệm (Descriptive event): Là điều mà trước giả mô tả về kinh nghiệm cá nhân, trải nghiệm mang tính cá nhân với Chúa, và không nên áp dụng lên tất cả mọi người tin.
Ví dụ 1: Nê-hê-mi, Đa-vít cầu nguyện Chúa trừng phạt kẻ thù, người hại mình. Đó là những kinh nghiệm cảm xúc của ông, ông dâng những tâm tư của ông lên cho Chúa; nhưng không có nghĩa chúng ta được bắt chước phải cầu nguyện như vậy vì Chúa dạy phải yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù của mình.
Ví dụ 2: Ghê-đê-ôn xin Chúa cho dấu hiệu để ông chắc chắn đó là ý Chúa. Đó chỉ là kinh nghiệm cá nhân, không nên được thực hành phổ biến một cách rộng rãi, vì chúng ta không thể đòi hỏi Chúa phải giải đáp, làm theo cách chúng ta muốn.
Ví dụ 3: Việc các sứ đồ đặt tay chữa bệnh. Đó là những công việc cá nhân của các sứ đồ, Chúa ban cho các sứ đồ có quyền làm phép lạ. Điều đó không có nghĩa là Cơ Đốc Nhân nào cũng được đặt tay để người khác lành bệnh (như nhiều người vẫn lầm lẫn và xin Chúa cho mình có khả năng đó). Đó là kinh nghiệm của riêng các sứ đồ.
Nguyên tắc 3: Cần chú ý đến thể loại văn trong Kinh Thánh mà bạn đang đọc
Kinh Thánh tập hợp rất nhiều thể văn khác nhau: văn thơ, tiên tri, ngụ ngôn, thư tín, lịch sử, phúc âm,….và cách mỗi thể văn truyền tải cũng khác nhau, mục đích của chúng cũng khác nhau. Bởi vậy, để hiểu Kinh Thánh chúng ta cần tìm hiểu thể văn mà mình đang đọc, thể văn ảnh hưởng rất lớn đến ý nghĩa của phân đoạn Kinh Thánh.
Ví dụ: Khi đọc Châm-ngôn, bạn phải hiểu đó là những nguyên tắc chung mà khi bạn làm theo bạn sẽ hầu như có được kết quả như Châm-ngôn dạy, nhưng đó chỉ là nguyên tắc chung, không phải một lời hứa chắc chắn, vd câu “ lời đáp êm nhẹ làm nguôi cơn giận”, đôi khi có những lúc bạn nói chuyện nhỏ nhẹ vẫn không khiến đối phương bớt giận được như lời Kinh Thánh nói, nhưng không vấn đề gì cả vì đó là nguyên tắc chung, không phải là một lời hứa chắc chắn mọi kết quả sẽ luôn như Kinh Thánh dạy.
Đó là 3 nguyên tắc cơ bản cần hiểu trước khi đọc Kinh Thánh, hy vọng sẽ giúp bạn phần nào hiểu được những gì bạn đang đọc và mong chúng ta sẽ hào hứng hơn mỗi khi đến với Lời Chúa mỗi ngày. Chuyện học và đọc Lời Chúa là trách nhiệm của mỗi chúng ta, đừng đợi đến Chủ nhật đến nhà thờ có mục sư giảng chúng ta mới có can đảm đọc, Kinh Thánh viết ra bằng ngôn ngữ loài người để cho người ít học nhất vẫn có thể đọc và hiểu, Kinh Thánh không khó như chúng ta nghĩ và hơn hết chúng ta tin rằng Thần lẽ thật sẽ giúp chúng ta hiểu đúng Lời của Ngài.